(Congannghean.vn)-Hàng năm, đến hẹn lại lên, vào ngày 20 đến 23 tháng Giêng Âm lịch, bà con các dân tộc huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An) lại tưng bừng náo nức trẩy hội Đền Vạn - Cửa Rào.
Đền Vạn - Cửa Rào là nơi thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài. Ông là một tướng tài có công đánh giặc Ai Lao xâm lược thời vua Trần. Trong quá trình đánh đuổi giặc xâm lược, ông đã anh dũng hy sinh ở ngã ba Sông Lam - Nơi nhân dân lập đền thờ ông ngày nay.
Đền Vạn - Cửa Rào còn thờ Tam tòa Thánh Mẫu, là 3 vị thần trong tứ bất tử của Đạo mẫu Việt Nam cai quản cả 3 vùng Sông - Núi - Dương gian, giúp dân cầu mong mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an.
Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào nhằm thể hiện lòng ngưỡng mộ và biết ơn của nhân dân ta đối với những người đã có công đánh đuổi giặc xâm lược. Qua đó giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời, Lễ hội cũng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa bản sắc của các dân tộc huyện miền núi Tương Dương ở miền Tây Nam xứ Nghệ. Trong số các trò chơi dân gian của các dân tộc anh em Thái, Mông, Ơ Đu, Khơ Mú như: Chơi đu, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, viết chữ Thái lai Pao, thưởng thức những món ăn đặc trưng của các dân tộc anh em… Và đặc biệt trong số đó thì khắc luống - Phần thi tái hiện lại nét sinh hoạt văn hoá hàng ngày của người dân Thái.
Hiểu theo nghĩa thì luống (lòng) là cái máng giã gạo. Để biến nó thành nhạc cụ bộ gõ thì chỉ cần dùng chày để khắc. Cho nên, khắc luống được xếp thuộc vào loại nhạc cụ thô sơ và là một trong những nhạc cụ có sớm nhất. Nó gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của người dân Thái. Chỉ cần có vài ba người cùng giã gạo là đã có thể khắc luống. Khi khắc luống, người ta cầm chày gõ vào thành máng hoặc đâm xuống lòng máng tạo nên những âm thanh vang, mạnh, dứt khoát hoặc dồn dập, tùy theo cách mà người ta quy định. Số người khắc luống khoảng mỗi bên 3 - 4 người mỗi đợt.
Biểu diễn điệu khắc luống tại Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào |
Có 3 cách khắc luống gồm: Tung lòng hội: Hai dãy người hai bên, đâm chày chéo nhau sang thành máng phía bên trong lòng máng, tạo ra âm thanh “thùng thùng” vang dội. Tiếng khắc như là tiếng lĩnh xướng trong dàn nhạc; Tung lòng phặt phưm (Khắc luống kiểu dệt vải), “Phặt phưm” là động tác dệt vải, giật go về phía mình để cho hàng sợi vải sít vào nhau. Muốn cho vải sít thì phải giật mạnh, phát ra tiếng “phựt phựt”. Khắc luống cũng vậy, muốn tiếng vang giòn thì phải cầm chày, gõ vào thành máng bên ngoài đối diện, giật về phía mình một cách liên hồi, tạo ra âm thanh “cách cách” dồn dập, cao trào; Tung lòng tỏ cảy (Khắc luống kiểu chọi gà): Đây là cách khắc luống kết hợp giữa hai dãy người hai bên.
Trong khi thực hiện hai kiểu khắc luống trên đây, thỉnh thoảng hai dãy người hai bên máng gạo lại đập đầu chày phía trên với nhau như gà chọi, tạo nên những âm thanh “cốc cốc” giòn giã, nhìn rất vui mắt, sinh động. Động tác này là đỉnh cao của sự nhịp nhàng, tinh tế, của nghệ thuật khắc luống, phải là người thành thạo mới thực hiện được. Đó là kiểu/cách khắc luống. Trong dịp lễ hội như thế, người ta chọn hình thức khắc luống cho phù hợp với tâm trạng vui tươi, náo nức, hân hoan của mọi người, nên khắc luống với tiết tấu nhanh, âm thanh rộn rã, vang xa. Nó kích thích, giục giã bước chân của mọi người đến với lễ hội. Và khắc luống đã trở thành trò vui. Người ta thi nhau khắc luống, xem nhóm nào khắc luống hay hơn, đều hơn, thành thục hơn, khắc luống được lâu hơn.
Cứ sau một đợt khắc luống, phân ra thắng bại là người dân lại háo hức vỗ tay vui vẻ. Ngoài ra, điệu khắc luống còn mang ý nghĩa tín ngưỡng phồn thực, trong đó cái máng tượng trưng cho người phụ nữ và cái chày tượng trưng cho sức mạnh của đấng mày râu. Điều tiên quyết trong khắc luống là chỉ phụ nữ chơi được. Đàn ông Thái không giã gạo cho nên không biết khắc luống hoặc khắc luống không hay.
.