Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201506/nhung-goc-khuat-ve-phi-cong-cam-tu-trong-the-gioi-chien-2-617074/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201506/nhung-goc-khuat-ve-phi-cong-cam-tu-trong-the-gioi-chien-2-617074/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những góc khuất về phi công cảm tử trong thế giới chiến 2 - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 21/06/2015, 09:56 [GMT+7]

Những góc khuất về phi công cảm tử trong thế giới chiến 2

Các phi công Nhật bước vào trong phòng và được cấp một cái đơn với nội dung hỏi họ có muốn làm một phi công cảm tử Thần Phong (Kamikaze) hay không. Lá đơn có 3 sự lựa chọn dành cho người điền: “Tôi tha thiết ước muốn gia nhập”, “Tôi ước muốn được gia nhập”, và “Tôi không muốn gia nhập”.

he lo nhung goc khuat ve phi cong cam tu than phong hinh 0
Một chiếc phi cơ Thần Phong trúng đạn từ tàu sân bay Mỹ  (ảnh minh họa của aviation-art)

Đó là vào năm 1945. Nhiều người trong số họ là sinh viên đại học mà trước đó được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhưng vào thời điểm này Nhật Bản đang cạn dần quân.

Hisashi Tezuka nhớ lại một số đồng đội đã nhanh chóng điền vào lá đơn rồi hùng dũng bước đi. Nhưng ông và đa phần những người khác ngồi nấn ná trong hàng giờ liền, dường như không thể quyết định được phải chọn câu trả lời nào trong đơn.

Ông không biết khi đó liệu có ai dám từ chối hay không. Sau này ông được biết rằng số ít người làm như vậy đã được nhắc nhở phải chọn câu trả lời “đúng”.

Tezuka vẫn muốn thành thực với cảm xúc thật trong con người mình nên ông gạch lựa chọn thứ 2 và viết ra câu trả lời của riêng mình: “Tôi sẽ gia nhập”.

Tezuka nói với hãng tin AP tại căn hộ của mình ở ngoại ô Tokyo: “Tôi không muốn nói là tôi cầu ước được làm việc đó. Tôi không muốn thế”.

Họ là các kamikaze, tức là các phi công Thần Phong, được lệnh lao máy bay của mình vào các mục tiêu theo lối cảm tử.

he lo nhung goc khuat ve phi cong cam tu than phong hinh 1
Biến mình thành một quả đạn, một phi cơ Kamikaze của Nhật lao thẳng vào một tàu chiến Mỹ vào tháng 10/1944 (ảnh tư liệu của AP)

Các dữ liệu và cuộc điều tra cuộc Ném bom Chiến lược của Mỹ được lưu trữ tại ngôi đền Yasukuni ở Tokyo ước tính khoảng 2.500 phi công Kamikaze đã thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 mà Nhật Bản tham gia. Một số sách lịch sử đưa ra con số cao hơn. 

Sách vở và phim ảnh đã mô tả họ như những kẻ đánh bom liều chết hô to từ “Banzai” khi sắp đâm được vào mục tiêu. Nhưng các cuộc phỏng vấn với những phi công sống sót và gia đình của họ cũng như thư từ và tài liệu đã cho thấy một hình ảnh khác – những nam giới hành động xuất phát từ lòng yêu nước, tinh thần xả thân và sự cần thiết. Thế giới  họ sống giống như một lá đơn đa lựa chọn: Nó không có sự lựa chọn thật cho họ.

Tất cả đều đã “lập trình” để chết

Người ta không lựa chọn những người là con trai cả trong gia đình, nhằm bảo vệ hương hỏa gia đình trong một nước Nhật còn mang nặng óc phong kiến. Tezuka, khi ấy là một sinh viên tại Đại học Tokyo danh tiếng, có 6 anh em trai và một chị gái. Ông không phải là con trai cả. Ông cười buồn bã bảo, mình là một sự lựa chọn tốt.
 

he lo nhung goc khuat ve phi cong cam tu than phong hinh 2
Ông Tezuka cầm ảnh chân dung của chính mình thời trai trẻ, khi là một phi công cảm tử Thần Phong (ảnh: AP, tháng 4/2015)

Tezuka được nghỉ phép 5 ngày để về thăm cha mẹ. Ông không có lòng dạ nào để nói thật với họ rằng mình đã được đưa vào đội ngũ các phi công ném bom cảm tử.

Tezuka nói: “Anh bay tới mục tiêu và mọi việc thế là kết thúc”.

Ông sống sót được là nhờ Nhật hoàng Hirohito loan báo trên sóng phát thanh việc nước Nhật đầu hàng. Khi ấy Tezuka đang trên đoàn tàu đưa ông tới nơi thực hiện nhiệm vụ tấn công cảm tử.

Ông nói: “Tôi đã nằm trong kế hoạch quyết tử. Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng”.

Khi ấy Tezuka mới 23 tuổi. Nay ông đã 93 tuổi. Ông kể, vậy là mình sống gấp 4 lần tuổi thọ của nhiều phi công kamikaze.

Tezuka yêu thích lái chiếc chiến đấu cơ Zero, đến nỗi mà sau chiến tranh ông không thể nào chịu được việc bay trên một chiếc máy bay thương mại. Ông cũng chán ghét chiến tranh nên không muốn gia nhập quân đội nữa, thế là ông mở một doanh nghiệp về tư vấn nhập khẩu.

Tezuka hay đi thăm những người nông dân Mỹ. Ông không bao giờ nói với họ rằng ông từng là phi công Thần Phong cảm tử của Nhật Bản.

Một người đàn ông tráng kiện và nhanh trí, Tezuka trao cho phóng viên một bức ảnh màu nâu úa chụp ông khi là một phi công lái Zero, miệng cười, đầu đội mũ phi công, cổ quàng chiếc khăn lụa màu trắng đã thành thương hiệu.

Ông giải thích: “Khăn này là để giữ ấm. Bay trên cao thực sự là lạnh.”

Ông cầm một mô hình đồ chơi của máy bay Zero – đây là một món quà của con gái ông. Ông mỉm cười khi bật động cơ cánh quạt kêu ro ro của chiếc máy báy đồ chơi.

Tezuka nhớ lại quá trình huấn luyện, bay theo đội hình hoành tráng qua các cánh rừng và hồ. Cảnh đẹp mê ly đến mức bạn gần như quên đi tình trạng chiến tranh khi đó.

“Anh có biết cầu vồng trông như thế nào khi mình đang bay không?”. Đôi mắt ánh lên vẻ thích thú kiểu trẻ thơ, ông trả lời luôn: “Đó là một vòng tròn hoàn hảo”.

Người yêu của các phi công cảm tử

Các phi công Zero là những người được ngưỡng mộ thời đó trong xã hội Nhật Bản. Trong các bức ảnh úa vàng theo thời gian, họ tạo dáng để chụp chân dung, ôm vai bá cổ nhau, nở những nụ cười thật to, dường như không bận tâm đến những gì sắp xảy tới với mình. Kính bay của họ được gác lên mũ bảo hiểm, khăn choàng nhét dưới làn áo jacket.

Máy bay Zero giành được sự kính nể từ cả đối phương. Một số người Nhật Bản ghi tên nhập ngũ chỉ để được bay bằng máy bay này.

Ông Masao Kanai tử trận trong một chiến dịch kamikaze ở Okinawa vào năm 1945, khi ông này mới 23 tuổi.

Trong một chương trình khuyến khích các sinh viên ủng hộ quân đội Đế chế Nhật, ông đã viết thư trao đổi qua lại với một nữ sinh 17 tuổi, tên là Toshi Negishi. Tổng cộng họ đã trao đổi tới 200 lá thư.

Có lần họ định hẹn hò với nhau, khi ông có cơ hội hiếm hoi được tạm ngừng huấn luyện và đi thăm thủ đô Tokyo. Đó là vào ngày 10/3/1945, ngay sau khi  Tokyo hứng chịu các cuộc không kích ồ ạt. Thế là cả hai chẳng bao giờ gặp được nhau nữa.

he lo nhung goc khuat ve phi cong cam tu than phong hinh 3
Hai món quà hình trái tim và hình chiến đấu cơ Zero mà phi công cảm tử Kanai tự đẽo tặng cô nữ sinh trước khi anh này tử trận ở Okinawa vào năm 1945 (ảnh: AP)

Trước khi lên máy bay thực hiện phi vụ cuối cùng trong đời, ông gửi 2 món đồ trang sức nho nhỏ cho cô nữ sinh kia. Đó là 2 vật ông tự tay khắc ra từ kính buồng lái – một trái tim và một chiếc Zero bé xíu. Trái tim có các chữ cái T và M khắc lồng lên nhau, là chữ viết tắt tên của hai người.

Negishi đeo các đồ trang sức này duy nhất một lần. Bà cất giữ chúng trong một chiếc hòm suốt 70 năm qua.

Gần đây bà lão tặng đồ trang sức làm bằng tay này cho một công trình tưởng niệm đơn vị không quân hải quân Tsukuba – một bộ chỉ huy và trung tâm huấn luyện dành cho các kamikaze ở Kasama, phía bắc Tokyo. Các tình nguyện viên trong cộng đồng quyết tâm gìn giữ ký ức về các kamikaze, họ đang cố gắng ngăn cản các kế hoạch xé bỏ công trình đó khỏi thời kỳ này.

Mặc dù có các đài tượng niệm khác dành cho kamikaze, nhưng cho đến tận gần đây vẫn chưa có ai xem xét nghiêm túc hoặc tập hợp tài liệu về lịch sử của tòa nhà Tsukuba.

Trong một bộ phim sắp được trình chiếu do các tình nguyện viên làm, bà Negishi nhấn mạnh: “Phải có người nhớ về quá khứ. Nếu không, sẽ gây tổn thương rất nhiều”.

Các tình nguyện viên đã mở một cuộc triển lãm các bức ảnh, thư từ, mũ và bộ phận của chiếc máy bay Zero cũng như các hiện vật của giai đoạn Thần Phong. Trong số đó là bức thư cuối cùng của Kanai gửi cho gia đình. Bức thư có đoạn: “Con không biết phải bắt đầu từ đâu. Ngoài kia mưa đang rơi tí tách. Chiếc radio phát ra bài hát khe khẽ. Một buổi tối thật yên bình. Chúng con sẽ đợi tới khi trời quang đãng và cất cánh thực hiện nhiệm vụ. Nếu không vì trời mưa thì giờ này con đã đi lâu rồi.”

Một trong những bức ảnh ám ảnh nhất được trưng bày ghi lại cảnh một phụ nữ trong trang phục kimono dành cho cô dâu, đang ngồi bên hàng chục người nhà và ôm lấy một khung ảnh của người chồng chưa cưới đã chết của mình, một phi công kamikaze. Cô dâu trong đám cưới sau khi vị hôn phu qua đời đó nhìn thẳng vào máy ảnh, gương mặt thẫn thờ.

Lá thư cuối cùng mà Nobuaki Fujita, 22 tuổi, viết cho cô dâu này cũng được trưng bày tại triển lãm nói trên.

“Đời sau, kiếp sau, rồi kiếp sau nữa, hãy cưới anh,” người phi công viết. “Mutsue, tạm biệt em nhé. Mutsue, Mutsue, Mutsue, Mutsue yêu dấu nhất của anh”.

Dằn vặt vì vẫn còn sống khi đồng đội đã chết

70 năm sau khi Thế chiến 2 kết thúc, đường băng năm nào trải dài ở Tsukuba đã không còn từ lâu. Nhưng những hàng cây anh đào thì vẫn đứng đó.

Tại một góc khác của khu vực Tsukuba, một hầm tránh bom tối đen như mực khi đi qua mấy lớp khoang. Chiếc hầm được thiết kế để phục vụ một bộ chỉ huy khẩn cấp trong trường hợp máy bay Mỹ ném bom phá hủy tòa nhà chính. Nó làm người ta nhớ tới quyết tâm đầy ảo tưởng của quân đội Đế chế muốn tiếp tục kháng cự bằng bất cứ giá nào.

Trong huấn luyện, các phi công liên tục thực hiện các thao tác nguy hiểm như cắm thẳng từ trên cao xuống, để tập đâm vào mục tiêu cần tiêu diệt. Họ phải bẻ cần lái gấp để chuyển hướng bay khi sắp va chạm với mặt đất, rồi vút trở lại bầu trời. Trọng lực kéo rất mạnh lên cơ thể họ khi ấy.

Khi làm như thế trên chiến trường, họ được hướng dẫn gửi tín hiệu vô tuyến cuối cùng bằng mã Morse và duy trì việc phát tín hiệu đó. Ở phòng thu phát, người ta biết viên phi công đã chết khi nào tiếng bíp kéo dài đó biến mất.

Yoshiomi Yanai, hiện nay 93 tuổi, sống sót do ông không thể định vị mục tiêu của mình – một lỗi hiếm gặp đối với một chiến dịch kamikaze. Ông hay lui tới thăm cơ sở Tsukuba.

he lo nhung goc khuat ve phi cong cam tu than phong hinh 4
Ông Yanai giới thiệu di chúc của mình trước khi lên máy bay thực hiện nhiệm vụ cảm tử trong cuộc chiến với tàu chiến Mỹ (ảnh AP, tháng 4/2015)

Yanai khóc thương cho số phận các đồng đội đã chết quá trẻ, chưa thực sự được trải nghiệm cuộc sống.

Ông vẫn lưu giữ những gì ông định gửi cho cha mẹ trước khi ông lẽ ra đã tử trận. Đó là một cuốn album ông gói cẩn thận trong một tấm vải furoshiki truyền thống. Ông gắn đầy các trang album với những bức ảnh ông đang cười sảng khoái với đồng đội cũng như bức ảnh ghi lại những giây phút hạnh phúc khác. Ông nhờ một người bạn cũng là phi công vẽ hình chiếc Zero vào album của mình.

Trong những trang đầu của album, ông viết bằng những con chữ to: “Thưa cha, thưa mẹ, con sắp cất cánh rồi. Con sẽ chết với một nụ cười. Xin cha mẹ tha thứ cho đứa con trai bất hiếu này. Con xin được đi trước. Con sẽ đợi cha mẹ”.

Maxwell Taylor Kennedy viết về kamikaze trong một cuốn sách năm 2008 có nhan đề “Giờ khắc Nguy hiểm”. Ông cho biết, không cái gì khác ngoài tinh thần xả thân đã thôi thúc các kamikaze.

Khi bắt đầu nghiên cứu về kamikaze, ông nghĩ sẽ có yếu tố cuồng tín nào đó. Và rồi ông ngạc nhiên khi thấy các kamikaze rất giống với các thanh niên Mỹ cũng như thanh niên các nước khác trên thế giới. “Họ hết sức yêu nước, nhưng cũng đồng thời sống vô cùng lý tưởng”.

Tác giả Kennedy nhấn mạnh rằng các phi công Thần Phong ít có điểm tương đồng với các kẻ đánh bom tự sát hiện nay. Nhật Bản khi đó tham gia vào một cuộc chiến tranh quy ước. Trên tất cả, các kamikaze không có sự lựa chọn nào khác. Vả lại, các mục tiêu mà họ tấn công không phải là dân thường.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Los Angeles, Kennedy nói: “Họ chăm sóc lẫn nhau. Nếu ai đó không lên máy bay vào sáng hôm đó, thì người bạn cùng phòng sẽ phải đi thay”.

Giết người chỉ bằng một chiếc bút chì

Máy bay được thiết kế cho việc sử dụng trong các sứ mệnh kamikaze vốn dĩ không phải là chiếc Zero mà là chiếc Ohka. Đây là một tàu lượn mang bom và có các quả rocket nhỏ. Chúng được đưa tới gần mục tiêu, gắn dưới thân máy bay, rồi thả tự do.

Ohka có nghĩa là hoa anh đào. Người Mỹ gọi đó là “bom Baka”. Baka là từ tiếng Nhật, có nghĩa là gã ngốc. Do tầm lượn rất ngắn nên chúng dễ dàng bị bắn hạ.

Fujio Hayashi, khi ấy 22 tuổi, được trao nhiệm vụ giám sát và huấn luyện các phi công lái tàu lượn Ohka rồi cuối cùng… đưa họ tới cái chết.

Trong nhiều thập kỷ, ông Hayashi vẫn bị day dứt bởi cảm giác có tội khi đã đưa hàng chục nam thanh niên Nhật vào chỗ chết, bằng “cây bút chì của mình”. Hồi đó mỗi ngày ông lại viết ra tên những người thực hiện nhiệm vụ tấn công cảm tử bằng tàu lượn Ohka. Để tránh bị hiểu lầm là thiên vị, ông lựa chọn trước tiên những phi công mà ông quý mến.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Hayashi gia nhập quân đội mới của Nhật Bản, gọi là Lực lượng Phòng vệ. Ông dự nhiều buổi lễ tưởng niệm các phi công đã chết. Ông an ủi gia đình họ và nói với họ về sự hào hiệp của các phi công cảm tử đó. Ông nói, họ cười trước cái chết của mình vì họ không muốn ai phải khóc thương hoặc lo lắng về họ.

Trong một bài tiểu luận nhan đề “Chiến dịch Cảm tử”, ông viết: “Ngày nào trong 365 ngày của năm, hễ tôi nhớ tới những người đã mất, nước mắt lại trực trào. Tôi phải chạy vào phòng tắm và khóc ở đó. Lúc tôi khóc, tôi cảm thấy rõ hình ảnh họ trong trái tim tôi, như thể ngày nào họ còn sống”.

Hayashi hầu như không kể cho con cái mình về những tháng ngày làm việc bên các kamikaze. Các con ông chỉ biết ông là một người cha yêu nhạc cổ điển, thường xuyên đưa họ đi công viên và rất yêu loài mèo.

Hayashi nói: “Tôi nghĩ tới nhiều thanh niên mà tôi đã giết chết bằng chiếc bút chì của mình. Tôi xin lỗi đã giết họ trong vô vọng.”

Ông lão kể ông muốn khi chết, tro của ông sẽ được rải xuống vùng biển gần quần đảo Okinawa nơi các phi công của ông đã tử trận. Ông nói, chỉ khi ấy cuộc chiến một thời của ông mới kết thúc.

Hayashi qua đời vào ngày 4/6 vừa rồi, thọ 93 tuổi. Gia đình ông đã lên kế hoạch thực hiện nguyện ước của ông.

.

Nguồn: VOV.vn