1. Tại hành lang khoa 6 (Khoa điều trị cấp tính nữ, BVTTTW I) chúng tôi gặp ông Phạm Văn H. (44 tuổi, trú tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Khuôn mặt ông không giấu được vẻ buồn rầu, lo âu hiện hữu. Mới chỉ một năm trước thôi, cháu Phạm Thu Th. (16 tuổi, con gái ông H.) còn là một học sinh học lực giỏi, tính tình luôn vui vẻ, hòa đồng. Gia đình đã đặt biết bao nhiêu hy vọng vào cháu. Vậy mà bỗng nhiên Th. ít nói hẳn, học hành sa sút. Th. giao tiếp với người thân cứ như… người dưng, đầu óc cháu lúc nào cũng như trên mây trên gió.
Lo lắng, ông H. vội đưa con xuống một bệnh viện ở Hà Nội để khám và điều trị. Sau khoảng hai tuần, Th. có biểu hiện thuyên giảm, gia đình đưa cháu về nhà. Nhưng chỉ được vài ngày, Th. có biểu hiện cơn bệnh tái phát. Ban ngày cháu cứ ngồi bần thần, chẳng nói chẳng rằng. Buổi tối mới là lúc cơn bệnh phát nặng. Th. cứ đi đi lại lại trong nhà hàng tiếng đồng hồ mà không chịu ngồi yên. Hai vợ chồng ông H. cứ phải thay nhau ôm giữ con cả đêm. Sợ quá, ông H. vội cầu cứu đến các bác sĩ ở BV TTTW I.
Qua thăm khám sơ bộ, các bác sỹ nhận ra căn bệnh của cháu cũng là một trong những trường hợp điển hình của áp lực học tập lên con trẻ. Theo lời kể của ông H. khi đang học THCS, Th. được tuyển chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Trước kỳ vọng của gia đình, cháu học ngày học đêm. Tuy nhiên trong kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh thì cháu bị loại.
Lên bậc THPT, trong khi bạn bè cùng lớp đều đỗ vào trường chuyên, thì cháu Th. học tại một trường khác ở gần nhà. “Cũng từ khi vào lớp 10, cháu đã có những biểu hiện khác lạ. Cháu tâm sự với mẹ rằng không thoải mái như trước vì những người bạn thân thiết nhiều năm nay lại học khác trường, khác lớp. Cháu cũng trầm hẳn đi. Việc học tập thì ông H. không biết rõ lắm, thấy cô giáo bảo cũng bình thường”.
Một hôm, gia đình nhận được điện thoại từ cô giáo chủ nhiệm thông báo cháu Th. bỗng dưng bỏ học, rồi đi lang thang ở sân trường. Ông H. vội tức tốc đến trường đón con về nhà, rồi đưa xuống Hà Nội chữa trị. Kiểm tra vở ghi của Th., ông H. phát hiện ra những trang viết rất dài. Nó không phải là nội dung của những bài học trên lớp nữa mà là những dòng chữ thể hiện một tư duy không bình thường. Đồng thời nó cũng thể hiện việc Th. dường như đang có tình cảm với một nam học sinh cùng trường, song không được đáp lại… Những mối lo lắng trong học tập, tình cảm đã khiến cho Th. trở thành một con người khác hẳn.
Nhận định đây là một ca khó, đích thân bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó giám đốc BVTTTW I đã phải xắn tay vào điều trị. Theo bác sĩ Phương, qua chẩn đoán lâm sàng có thể thấy cháu Th. đang bị trầm cảm nặng nề, song lại được điều trị những loại thuốc quá “mạnh”, khiến cho bệnh chỉ giảm triệu chứng song sẽ tái phát với mức độ trầm trọng hơn. Sau hơn một tuần điều trị theo phác đồ mới, bệnh nhân Th. đã dần tỉnh táo lại. Cháu nhận ra bố mẹ và có những biến chuyển tích cực trong sức khỏe.
Bác sĩ La Đức Cương: “Thời gian gần đây, số lượng trẻ em đến Bệnh viện để tư vấn, điều trị các vấn đề về tâm lý có chiều hướng gia tăng”. |
2. Ở khoa 3 (Khoa tâm thần nữ - nhi) chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị B. (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) là phụ huynh của cháu Trần Mai H. (SN 2010, đang học lớp 1). Chị B. cho biết một tháng trở lại đây, cháu H. có nhiều biểu hiện bất thường, khiến gia đình vô cùng lo lắng. Cháu ăn kém, ngủ kém, mặt mũi cứ ngây ra như người mất hồn. Được sự tư vấn của thầy cô, chị B. vội đưa cháu đi khám.
Kể lại với các bác sĩ, từ nhỏ thấy cháu chậm chạp, yếu ớt hơn các bạn cùng lứa nên khi cháu đang học mẫu giáo, hai vợ chồng chị B. bảo nhau phải “luyện” học cho cháu may ra mới đuổi kịp chúng bạn. Mỗi buổi tối, hai vợ chồng thay nhau dạy cháu học đọc, học viết. Nhiều lần thấy cháu tiếp thu chậm, anh chồng vốn nóng tính liên tục mắng nhiếc, quát nạt. Thậm chí có lần chị còn thấy bé H. tè cả ra quần sau khi bị bố mắng.
Vào lớp 1, mỗi lần con bị cô phê chữ xấu, làm toán chậm, chồng chị lại lôi con ra đánh vào hai tay cho chừa. Một thời gian, chị B. bỗng nhiên thấy con mình trằn trọc khó ngủ, khi ngủ cũng hay giật mình. Cô giáo cũng phản ánh, ở lớp cháu không thích chơi đùa với bạn, chỉ nép mình ở góc lớp, gương mặt lờ đờ, mệt mỏi. Bố mẹ có quát mắng, gương mặt cháu vẫn ngây ra, không cảm xúc.
Khuôn mặt hết sức lo lắng, anh Nguyễn Hoàng P. kể lại câu chuyện của cháu Nguyễn Hoàng T. (học sinh lớp 4). Là đứa trẻ nhanh nhẹn, nhưng khi bắt đầu đi học cháu có những biểu hiện rất lạ. Cháu luôn tỏ ra sợ hãi khi phải đến trường. Càng ngày cháu càng trở nên ít nói, khuôn mặt ủ dột, mất đi vẻ lanh lợi thường thấy. Đến một hôm thì cháu vừa ăn cơm vừa nói lảm nhảm, khiến cho bố mẹ phải đưa cháu vào bệnh viện chạy chữa.
Tìm hiểu, anh P. thật sự “choáng váng” trước lịch học của con. Ngoài việc học bán trú cả ngày ở trường đã căng thẳng lắm rồi, tối về T. phải “bơi” trong một đống bài tập nữa. Cao điểm nhất là thời kỳ cháu chuẩn bị ôn thi học kỳ. Nhìn phiếu bài tập cô giáo phát về mà hai vợ chồng phải lắc đầu ngao ngán. Mỗi môn học có hàng mấy chục phiếu bài đủ thể loại. Ngoài ra còn phiếu câu hỏi ôn tập.
Một nữ sinh tại khoa điều trị cấp tính nữ, BVTTTW I. |
Theo một bác sỹ khoa tâm thần nữ - nhi, tình trạng rất đáng báo động hiện nay là số lượng trẻ em vào điều trị tại khoa đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do có không ít cháu ở bậc học Tiểu học và THCS hiện nay đang phải chịu áp lực học hành thi cử rất nặng nề, thậm chí còn hơn cả bậc đại học. Các cháu phải học ngày học đêm, học bán trú cả ngày đã đành, đến tối lại thêm 1-2 “cua” gia sư nữa. Cuối tuần tiếp tục theo học các trung tâm Anh ngữ… Một bộ phận các cháu không chịu nổi gánh nặng bài vở và sức ép từ các bậc phụ huynh nên đã phát bệnh.
Một giảng viên của một trường đại học lớn trên ở Hà Nội chia sẻ rằng, qua quan sát của ông tại những giảng đường tự học dành cho sinh viên đang trở thành “thừa thãi”. Dường như do bị nhồi nhét học quá nhiều ở các cấp học phổ thông nên khi đã là sinh viên rồi thì những con “mọt chữ” được sổ lồng, không phải học ngày cày đêm như trước nữa. Nếu có thì thường chỉ vào những kỳ thi mà thôi. Dĩ nhiên sự vắng bóng sinh viên tại thư viện chưa hẳn đã phản ánh trung thực về chuyện “lười” học của sinh viên, song xét về một khía cạnh nó cũng phần nào thể hiện thực trạng một bộ phận sinh viên đang coi nhẹ việc tự học.
3. Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc BVTTTW I tâm sự, khoảng 5 năm trước, bệnh nhân trong các mùa thi chủ yếu là học sinh THPT và sinh viên đại học. Nhưng thời gian gần đây, số lượng trẻ em đến bệnh viện để tư vấn, điều trị các vấn đề về tâm lý lại có chiều hướng gia tăng.
Các cháu thường gặp các triệu chứng mất ngủ, lo âu, xa lánh mọi người, học hành sa sút. Có cháu còn kèm các cơn đau cơ, đau ngực, đau bụng mà không tìm được nguyên nhân bệnh lý. Lại có cháu mới chỉ học lớp 1 đã có dấu hiệu căng thẳng, sợ học. Trao đổi với các bậc phụ huynh, bác sỹ nhận ra một “mẫu số chung” là có không ít trẻ dưới 10 tuổi song đã bị các bậc phụ huynh bắt đi học thêm kín cả tuần lễ. Thậm chí có ngày còn phải học mấy ca. Bài kiểm tra con mang về mà bị thày cô phê là “bài khá” là đã mắng mỏ, so sánh con với bạn bè khác, sau đó lại ép con học tăng giờ…
Trực tiếp thăm khám, trò chuyện với các bé, bác sỹ Cương nhận thấy hầu hết các em đều cho biết rất sợ học, sợ bị điểm kém, sợ bị cô giáo phạt sau đó nói lại cho bố mẹ biết. Những lo âu kéo dài này dẫn đến các rối loạn thực vật kèm theo các chứng run, vã mồ hôi, đau bụng, đau đầu không rõ nguyên nhân.
Đặc biệt vào trước các kỳ thi, các cháu thuộc lứa tuổi 14-15 tui đến khám không ít. Có em còn giấu bố mẹ tự tìm đến khám vì cũng cảm thấy “em sắp phát điên” vì đi ngủ cũng mơ thấy bài, đọc bài mà không hiểu mình đang đọc cái gì. Em cho biết nếu em không đỗ vào trường chuyên, không giành được học bổng thì bố mẹ sẽ đuổi em ra khỏi nhà.
Do áp lực học hành, thi cử, nữ sinh này đã phải nhập viện điều trị bệnh trầm cảm. |
Chính sự kỳ vọng của bố mẹ, và gánh nặng học hành là nguyên nhân chính dẫn đến chứng bệnh trầm cảm của con trẻ. Khi thấy học lực của các con ngày càng sa sút, sức khỏe ngày một suy giảm thì gia đình mới vội vàng đưa các cháu đi thăm khám.
Bác sĩ Tô Thanh Phương chia sẻ thêm, một số bậc phụ huynh do quá kỳ vọng, khi con không đạt kết quả như mong muốn thì quay ra mắng mỏ, quát nạt, đánh đập con. Việc đó chỉ khiến trẻ càng sợ hãi, tự ti, mặc cảm hơn. Lâu dần, trẻ em sẽ bị sang chấn tâm lý, có các rối loạn trầm cảm.
Để có thể hạn chế được những rối loạn sức khỏe tâm thần cho trẻ, các bậc phụ huynh cần phải nhận thức được một vấn đề là bố mẹ dù giỏi giang nhưng không có nghĩa là con cũng phải thông minh, xuất chúng. Mỗi trẻ có một ngưỡng nhận thức. Nếu đã hướng dẫn, dạy dỗ con cẩn thận mà con vẫn không thể có sự đột phá thông minh thì cũng đừng quá ép.
“Cha mẹ cũng cần được điều trị tâm lý để giải tỏa áp lực cho chính mình, không nên quá kỳ vọng vào con, để rồi ép trẻ học tập quá sức. Chỉ khi cha mẹ nhận thức được điều đó thì con mới có cơ hội thoát khỏi các ám ảnh về học tập và dần dần hết triệu chứng trầm cảm” - bác sĩ Phương khẳng định.
Những con số giật mình Vừa qua, dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh” tại một số trường trên địa bàn Hà Nội (hợp tác giữa Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương với trường Đại học Melbourne - Australia) đã cho thấy những con số rất đáng báo động. Qua khảo sát 21.960 thanh thiếu niên Hà Nội phát hiện 3,7% em có rối loạn hành vi. Khảo sát sức khỏe tâm thần của 1.202 học sinh tiểu học và THCS, cho thấy tỷ lệ học sinh từ 10 - 16 tuổi có vấn đề về sức khỏe tâm thần chung lên tới 19,46%. Đáng lưu ý, trong số các ca tự sát có 10% ở độ tuổi 10 đến 17.
Còn tại Hội thảo quốc gia “Sức khỏe tâm thần trong trường học” cũng đưa ra những con số rất ám ảnh. 13,6% học sinh khá (bậc THPT) cảm thấy ăn không ngon, 17,6% chỉ muốn uống nước hoặc sữa và gần 20% thường xuyên bỏ bữa. Thậm chí, một số em tâm sự đang đối mặt một kỳ thi quan trọng, sợ làm bài không tốt, sợ gia đình thất vọng và khi nghĩ đến những điều đó thì các em chỉ muốn... “nổ tung”. |