Đường ngang “tử thần” luôn là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông khi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT đường sắt. Tuy nhiên, cả nước hiện vẫn còn 1.515 đường ngang, nhiều đường ngang trái phép mọc lên đang là nỗi lo mất ATGT dịp Tết.
Tai nạn luôn rình rập ở đường ngang
Có mặt ở tuyến đường sắt nằm trên QL1 thuộc địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội), chỉ qua một đoạn mà có tới 5 đường ngang giao cắt với đường sắt. Xe máy, người đi bộ qua lại gần như không ai chú ý tới hai bên đường sắt. “Chúng tôi ở đây đều thuộc giờ tàu chạy nên không sợ” – một người dân ở thị trấn Văn Điển khi đi qua đường ngang cho chúng tôi biết. Nhiều đường ngang dân sinh tự phát ở dọc tuyến không có barie chắn, những đường ngang có người gác tàu thì lại càng hiếm hoi. Đã có nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do người dân điều khiển phương tiện đi qua đường ngang thiếu quan sát.
Nguy hiểm luôn rình rập ở những đường ngang, lối mở tự phát. |
Chúng tôi đã đi thực tế trên tuyến đường sắt ở các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, nơi mật độ lưu thông qua của người và phương tiện qua đường sắt cao mới thấy, hiệu quả của việc duy trì điểm gác chắn là rất lớn. Bắc Ninh có 20,096km đường sắt chạy qua, giao cắt với đường bộ tại hơn 50 điểm, đi qua nhiều khu dân cư, trường học, cơ quan… vốn được coi là một cung đường sắt phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.
Tự bỏ kinh phí thuê người gác để xóa đường ngang “tử thần” là quyết định của tỉnh Bắc Ninh và đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước chi ngân sách cho việc lập chốt gác. Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng ban ATGT tỉnh Bắc Ninh thì sau nhiều năm lập chốt gác để xóa đường ngang “tử thần”, TNGT đường sắt ở Bắc Ninh đã giảm rõ rệt. Bắc Ninh có 16 đường ngang dân sinh hợp pháp có gác chắn, 4 đường ngang có cảnh báo tự động và có 19 đường ngang dân sinh mở trái phép. Theo ông Phương thì từ năm 2018 tỉnh Bắc Ninh đã xóa nhiều đường ngang mở trái phép để đảm bảo TTATGT.
Ông Khương Thế Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, cả nước hiện có 5.639 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có 1.515 đường ngang (chỉ có 647 đường ngang có người gác), 4.122 lối đi tự mở, chiếm 73% tổng số giao cắt. Cả nước có 1.598 vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Theo ông Duy thì Cục ĐSVN đã phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng lập hồ sơ toàn bộ các lối đi tự mở, bàn giao cho địa phương cùng quản lý và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn. Cục cũng phối hợp rà soát vị trí các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT để đề xuất nâng cấp cải tạo hoặc đề nghị địa phương cảnh giới.
Giải pháp... còn chờ đợi
Năm 2018, nhiều vụ TNGT đường sắt gây hậu quả nghiêm trọng liên tiếp xảy ra vào cuối tháng 5 đã khiến dư luận lo ngại. Trong 4 ngày Tết dương lịch vừa qua xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt, đặc biệt có nguy cơ cao về mất ATGT tại các đường ngang trong dịp Tết Nguyên đán khi người dân vui xuân, sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát. Theo ông Khương Thế Duy thì năm 2018 cả nước đã xóa bỏ được 158 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm, không để phát sinh lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt. Tổng cục ĐSVN đã triển khai một số giải pháp như đã và đang cải tạo, nâng cấp 100 đường ngang từ hình thức phòng vệ bằng biển báo lên hình thức phòng vệ bằng cảnh báo tự động; xây dựng gờ giảm tốc tại 289 vị trí giao cắt, tổ chức cảnh giới tại 240/417 vị trí; phát hiện 1.566 hành vi vi phạm, xử phạt hơn 800 triệu đồng… Tuy nhiên, vi phạm hành lang ATGT đường sắt vẫn diễn biến phức tạp và nhiều vi phạm tồn tại lâu, khó xử lý và TNGT đường sắt vẫn còn cao.
Theo thống kê thì TNGT đường sắt ở vị trí lối đi tự mở và đường ngang chiếm tỷ lệ cao. Việc xóa bỏ đường ngang trái phép và lối đi tự mở được dư luận “kêu” rất nhiều, ngành đường sắt và chính quyền địa phương đã thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng hiệu quả lại chưa cao. Để kéo giảm TNGT đường sắt thì không có cách nào khác ngoài xóa bỏ lối đi tự mở trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Theo ông Khương thì thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, Cục ĐSVN đã chủ trì, phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan xây dựng trình Bộ GTVT Đề án “Đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tựu mở qua đường sắt”. Đề án tập trung vào 7 nhóm giải pháp, lộ trình thực hiện việc thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2020 và từ 2020-2025. Với giải pháp này sẽ giảm được 1.139 lối đi tự mở, sẽ phải xây dựng mới dự kiến 179 đường ngang, 29 hầm chui qua đường sắt, 2 cầu vượt.
Giải pháp còn chờ đợi phê duyệt, tuy nhiên việc cần làm trước mắt là công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân khi đi qua đường sắt. Đặc biệt là các địa phương cần bố trí kinh phí để chi trả cho người gác tàu ở những đường ngang nguy hiểm, có mật độ dân cư cao, tránh để tai nạn đáng tiếc xảy ra.