Thứ Năm, 02/07/2020, 09:14 [GMT+7]

Cảnh báo rủi ro đầu tư 'tiền ảo'

(Congannghean.vn)-Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, các loại tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, không ít cá nhân và tổ chức vẫn lén lút lôi kéo nhiều người tham gia đầu tư tiền ảo, gây ra những thiệt hại về tài chính cho người tham gia và gây nên những hệ lụy cho xã hội.

Đường dây “tiền ảo” lừa 32.000 nhà đầu tư bị vỡ lở mang tên iFan, Pincoin gây hoang mang dư luận
Đường dây “tiền ảo” lừa 32.000 nhà đầu tư bị vỡ lở mang tên iFan, Pincoin gây hoang mang dư luận
Ngày 18/6/2020, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đã triệt phá thành công băng nhóm tội phạm cướp tài sản trong ví điện tử của một nhà đầu tư, xảy ra tại cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Nạn nhân trong vụ án bị cướp 35 tỉ đồng là Lê Đức Nguyên (SN 1988), quê Bình Định, thường trú tại quận 2, TP HCM. Ông Nguyên nổi tiếng trong giới kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam. Tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm của Bộ Công an diễn ra vào chiều tối 25/6, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 8 bị can liên quan vụ án này về tội "Cướp tài sản". 
 
Thiếu tướng Hà thông tin thêm, thời điểm này kinh doanh tiền điện tử, tiền ảo chưa được pháp luật cho phép. Hiện nay, Cục Cảnh sát Hình sự đang tập trung làm rõ tội danh "Cướp tài sản" của nhóm bị can nói trên. Việc nạn nhân và các bị can có hoạt động kinh doanh tiền điện tử, tiền ảo trái phép hay không sẽ được tiếp tục làm rõ, nếu có căn cứ sẽ xử lý. Vấn đề này, theo Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, hành vi cho vay qua ứng dụng mạng thực chất là vay “tín dụng đen”, việc này TAND tối cao đã ban hành nghị quyết liên quan để xử lý. Bộ Công an cũng đã giao cho Cục Nghiệp vụ xây dựng kế hoạch để trấn áp và Bộ sẽ đấu tranh triệt để loại tội phạm này.
 
Thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp xuất phát từ việc đầu tư vào tiền ảo. Lợi dụng tâm lý tò mò và muốn làm giàu nhanh của nhiều người dân, ngày càng xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh tiền ảo thông qua internet. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo liên tục về các hình thức đầu tư tiền ảo thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhưng nhiều người vẫn bất chấp, tham gia đầu tư. Năm 2019, Bộ Công an đã phát hiện và đưa ra cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo của ví thanh toán điện tử mang tên "PayAsian". Được giới thiệu là ví điện tử thanh toán mobile đầu tiên trên thế giới, hình thức hoạt động của ví điện tử PayAsian được quảng cáo là sử dụng đồng tiền thanh toán có tên PAYA, với tổng số lượng phát hành là 21 tỉ đồng PAYA và quảng cáo sau sáu tháng sẽ tăng lên gấp mười, thậm chí là 20 lần.
 
Nhà đầu tư khi tham gia vào hệ thống sẽ được tiền thưởng giống như mô hình đa cấp kim tự tháp. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện chưa cấp phép cho ví điện tử PayAsian; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng chưa cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty cổ phần PayAsian. Mới đây nhất, Bộ Công an đã phát hiện hình thức hoạt động của Công ty Tài chính công nghệ ERG, thực chất là mô hình Ponzi (vay của người sau trả cho người trước). Kiểm tra, Bộ Công an nhận định công ty này không được cơ quan nào của nước ngoài cấp phép, các trang web hoạt động kinh doanh của Tập đoàn ERG không đăng ký hoạt động tại Việt Nam. 
 
Tại Nghệ An, sau đồng tiền ảo Bitcoin và Hcoin, từ năm 2016 đồng tiền ảo Onecoin xuất hiện tại một số địa phương như TP Vinh, TX Thái Hòa… cũng đã làm cho không ít nạn nhân điêu đứng khi lỡ đầu tư vào. Loại tiền này có xuất xứ từ Bulgaria, với giá trị mà những người chơi tự mặc định, mỗi đồng khoảng 0,2 euro này hoạt động theo hình thức đa cấp, người chơi sẽ có được một khoản “hoa hồng” nếu lôi kéo được người tham gia. Tuy nhiên, nhiều người đã đầu tư, chuyển tiền thật để đổi lấy tiền ảo, nhưng không được hệ thống quy đổi sang tiền thật. Nhiều trường hợp khác bị tấn công, chiếm dụng tài khoản dẫn đến nợ nần, tay trắng, thậm chí mất đoàn kết anh em, bạn bè vì trước đó đã lỡ lôi kéo vào đường dây để hưởng hoa hồng theo mô hình kinh doanh đa cấp. 
 
Một lãnh đạo của Phòng An ninh Kinh tế Công an Nghệ An cho biết, thời gian vừa qua, đã có nhiều trường hợp sau khi nộp một khoản tiền lớn để được tham gia và giao dịch trên hệ thống, nhiều người đã trắng tay vì không mời gọi được thành viên mới hoặc không được hệ thống chuyển từ tiền ảo qua tiền thật. Ngoài ra, các đồng tiền ảo có nguy cơ cao bị  hacker tấn công, đánh cắp dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch. Người tham gia tiền ảo dễ bị hack tài khoản, nhưng khi gặp rủi ro hoặc tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ. Bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cũng cho rằng, theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, các loại tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
.

THIỆN THÀNH

.