Chưa bao giờ chúng ta tiện ích trong thông thương, đi lại như thế. Tuy vậy, cũng từ đây vấn đề tai nạn giao thông lại liên tiếp được đặt ra, trở thành vấn đề hàng ngày của xã hội.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 1,2 triệu người chết và khoảng 50 triệu người khác bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ. Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về số người chết vì tai nạn giao thông, với số vụ, số người chết và bị thương liên tục gia tăng từ năm 1999 và chỉ bắt đầu giảm từ 2003. Tuy nhiên, việc giảm này cũng chỉ mang tính chất tạm thời, chưa ổn định và bền vững.
Riêng 9 tháng qua, cả nước xảy ra 23.619 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.908 người và hơn 25.000 người bị thương. Quả là một con số khiến chúng ta kinh hoàng. Thế nhưng, dường như nhận thức về tính mạng trong lĩnh vực giao thông với tính mạng trong các lĩnh vực khác đang không bình đẳng.
Chỉ tính mức độ quan tâm của mỗi người với vấn đề thiên tai và vấn đề tai nạn giao thông đã thấy sự khác nhau. Thế mới có những chuyện thương tâm như tài xế cố tình chạy xe trên đường cấm vì ngập lũ làm 38 người bị cuốn trôi trong đó 20 người chết. Vấn đề ở đây là họ không hiểu được mức độ nghiêm trọng của hành vi trong tham gia giao thông.
Sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính
dẫn đến những vụ TNGT đau lòng
Khác với các hành vi gây thương tích và tử vong khác, hành vi gây thương tích và tử vong trong tai nạn giao thông đôi lúc không thuộc về đạo đức. Bởi vậy, bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể là thủ phạm của các vụ tai nạn, có khi không can hệ gì đến nhân phẩm, tư chất và lí lịch bản thân. Một chớp nhoáng chủ quan hay một tích tắc mất tập trung, nóng vội, hoặc có khi do vứt vỏ chai, hộp đựng thức ăn lên mặt đường... đều có thể cướp đi sinh mạng của con người. Đôi khi người tử vong lại là chúng ta.
Đối với vấn đề giao thông, mỗi người tham gia giao thông thực sự là một chủ nhân nắm giữ tính mạng của một hoặc nhiều người. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông có nhiều, song nguyên nhân phổ biến nhất là do chủ phương tiện. Đó có thể là người cố tình vi phạm luật giao thông đường bộ như chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, chở quá tải trọng cho phép, không tuân thủ các quy tắc an toàn như thắt đai, đội mũ bảo hiểm, sử dụng đèn xi nhan khi rẽ, che chắn bạt khi chở đất, đá… hoặc là người chủ quan: không làm chủ tốc độ khi lưu thông trên đường nhiều ổ gà, nguy cơ tai nạn cao, vừa điều khiển xe vừa làm công việc khác như hút thuốc, nghe điện thoại, điều khiển xe máy bằng một tay...
Gây tai nạn giao thông là hành vi nhanh nhất cướp đi sinh mạng của con người. Đó là hành vi khó sửa sai nhất. Rất có thể, chỉ một chớp nhoáng mất tập trung lại là chớp nhoáng số mệnh. Mỗi chúng ta, bởi vậy, khi tham gia giao thông hãy đừng suy nghĩ: “Sẽ chẳng vấn đề gì”. Bất kỳ ai cũng đều có thể rơi vào giây phút số mệnh dẫu chẳng liên quan đến chữ “tâm”, chữ “đức”.
Hãy cẩn trọng khi tham gia giao thông, hãy nghĩ rằng, mỗi chúng ta đều đang nắm giữ sinh mệnh của mình và người khác, đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỗi gia đình. Vì một thế giới “An toàn mọi lúc - Hạnh phúc mọi nơi” (chủ đề Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông) hãy chung tay đẩy lùi tai nạn giao thông, tuân thủ Luật giao thông đường bộ, thực hành văn hóa giao thông, đừng tự biến chúng ta thành mỗi hung thần.
Đó là thông điệp gửi tới tất cả mọi người trong dịp toàn quốc đang đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền (tháng 10, 11) theo Kế hoạch số 242 của Ủy ban ATGT quốc gia hướng tới ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (19/11).
Mạnh Hà
.