Ông Lê Đình Vỹ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sơn Tây là xã miền núi của huyện Hương Sơn, cách huyện lỵ 12 km; xã có 2328 hộ, 8695 nhân khẩu, được phân bố 14 thôn.
Bước đầu xây dựng NTM như tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế bằng cách đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề cho thu nhập cao, ổn định cho người dân. Đầu tư thâm canh vào các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, cơ cấu giống cây, con có năng suất, chất lượng vào sản xuất, phát triển kinh tế mô hình về chăn nuôi, về nghề rừng…
Trung tâm xã Sơn Tây
Trong sản xuất nông nghiệp xã đã chỉ đạo khép kín diện tích các mùa vụ, cơ cấu giống lúa lai trên toàn bộ diện tích, đặc biệt chú trọng ở vùng quy hoạch sản xuất lúa tập trung như: Trung Lưu, Bồng Phài, Hoàng Nam, Cây Chanh, Nam Nhe. Đối với chăn nuôi, tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, làm tốt công tác kiểm soát giết mổ nhằm phát hiện kịp thời dịch bệnh xẩy ra. Thực hiện quy hoạch, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung nhằm đưa chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển có quy mô hơn trong thời gian tới. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình phát triển của các mô hình trang trại. Tổ chức 1 đến 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các mô hình và nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Quan tâm chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức tuần tra ngăn chặn và lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm kịp thời, kiên quyết. Phấn đấu trồng rừng mới trên 50 ha và đề nghị cấp có thẩm quyền cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ còn tồn đọng.
Ông Lê Đình Vỹ, Chủ tịch UBND xã |
Trong hoạt động thương mại - dịch vụ, xã đã phát huy thế mạnh địa bàn nằm trong Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo, hoạt động thương mại, dịch vụ, buôn bán, trao đổi hàng hóa với nước bạn Lào và nội địa được đẩy mạnh. Hiện nay toàn xã có trên 350 hộ kinh doanh lớn nhỏ, trong đó có 1 khách sạn, trên 10 doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, 2 chợ, trên 200 phương tiện vận tải các loại hoạt động. Năm 2011, doanh thu của ngành thương mại, dịch vụ là 50 tỷ đồng, doanh thu của tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và ngành nghề khác đạt 55 tỷ đồng.
Tuy nhiên năm 2011 là năm có nhiều khó khăn thách thức, thời tiết khắc nghiệt, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, song được sự quan tâm chỉ đạo của các Ban ngành cấp huyện, sự nổ lực phấn đấu của cán bộ, Đảng viên và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đã đưa nền kinh tế xã hội phát triển tương đối đồng đều.
Công tác chỉ đạo, điều hành quản lý được xã triển khai khá bài bản và hiệu quả. Đảng ủy, Hội đồng nhân dân xã đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề; Ủy ban nhân dân xã đã chủ động cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện bước đầu đại kết quả khá toàn diện. Ban thường vụ Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, UBMTTQ xã đã thành lập Ban chỉ đạo; Ban quản lý; Ban giám sát cộng đồng; các Tiểu ban giúp việc và Ban phát triển thôn. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cấp xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Cùng với đó là đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Hội nông dân, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên đều đã tổ chức các Hội thi tìm hiểu về Chương trình MTQG xây dựng NTM. Các đoàn thể đều thực hiện xây dựng mô hình phát triển kinh tế (chăn nuôi, vườn hộ) trong hội viên của mình từ 02 mô hình trở lên/một đoàn thể.
Trường tiểu học Sơn Tây
Công tác tuyên truyền vận động được Ban chỉ đạo thực hiện bằng nhiều hình thức như: Phát đĩa tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, treo băng rôn, áp phích; Tổ chức tập huấn, họp triển khai từ xã đến thôn; Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể tổ chức thi Báo cáo viên giỏi, thi tìm hiểu về Chương trình xây dựng NTM thu hút trên 2000 người tham gia. Công tác tuyên truyền đã làm cho nhận thức của Cán bộ, Đảng viên và nhân dân được nâng lên. Đối với nhân dân từ chỗ còn ít quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ về quan điểm, mục tiêu xây dựng NTM, nay đa số đã nhận thức đúng đắn hơn, thấy được sự cần thiết trong xây dựng NTM cũng như thấy được quyền, nghĩa vụ của mình nên đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng.
Một công trình điểm nhấn ở Sơn Tây đang hoàn thành |
Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, xã đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như: Cắm mốc quy hoạch các công trình, xây dựng đường giao thông nông thôn đạt chuẩn: 1,3 km; xây dựng mương dẫn nước tưới tiêu nội đồng: 330m. Đề án phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn đã được UBND huyện phê duyệt theo Quyết định số 2525/QĐ-UBND, ngày 15/9/2011. Theo đề án đó, hiện xã có 02 HTX đang hoạt động, 7 mô hình phát triển chăn nuôi lợn, hươu, nhím…
Đến nay xã Sơn Tây đã đạt 9/19 tiêu chí, gồm các tiêu chí sau: Tiêu chí số 1 về Quy hoạch, Tiêu chí số 4 về Điện, Tiêu chí số 5 về Trường học, Tiêu chí số 8 về Bưu điện, Tiêu chí số 10 về Thu nhập, Tiêu chí số 13 về Hình thức tổ chức sản xuất, Tiêu chí số 15 về Y tế, Tiêu chí số 18 về Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, Tiêu chí số 19 về An ninh, trật tự xã hội được ổn định.
Chăn nuôi ở Sơn Tây đã phát triển nhiều mô hình |
Tuy vậy, hiện nay quá trình xây dựng NTM tại xã Sơn Tây đang gặp một số khó khăn như: Do lịch sử để lại, mỗi xóm đều có nghĩa trang nên theo quy hoạch mới nghĩa trang phải cách khu dân cư 500m là rất khó. Một số mô hình nuôi lợn mang giá trị kinh tế cao đã xuất hiện nhưng để phát triển mạnh thì thiếu vốn nhiều. Hơn nữa, để quá trình xây dựng NTM được diễn ra nhanh, hiệu quả, cần cấp vốn ngay từ đầu năm. Đồng thời cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống điểm lẻ trường tiểu học Sơn Tây .
Tin tưởng rằng với sự nỗ lực đồng lòng của các cấp ngành đoàn thể, phát huy hết nội lực, thu hút và và tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh, Huyện chắc chắn rằng chương trình xây dựng NTM ở Sơn Tây sẽ về đích đúng thời hạn.
Thái Sơn
.