Thứ Ba, 14/07/2020, 14:50 [GMT+7]

Đừng để Đề án trở thành 'đầu voi, đuôi chuột'!

(Congannghean.vn)-Mục tiêu của Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025” là duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của dân tộc Ơ Đu... Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án, chủ đầu tư là Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã triển khai một số hạng mục chưa thực sự hợp lý, một số hạng mục khác có dấu hiệu trục lợi, không đúng với phê duyệt... 
 
Đề án được thực hiện trong thời gian 10 năm (2016 - 2025), chia thành hai giai đoạn, giai đoạn I là 2016 - 2020 và giai  đoạn II là 2021 - 2025. Tổng kinh phí thực hiện là 120 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 108 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 12 tỉ đồng.
Việc khai hoang đất trồng cỏ nuôi bò chưa hoàn thành
Việc khai hoang đất trồng cỏ nuôi bò chưa hoàn thành
Chi gần 13 tỉ đồng để xây dựng chuồng bò
 
Tìm hiểu của phóng viên được biết, trong Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019, riêng hạng mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài được thực hiện với số lượng là 67 chuồng, có tổng mức đầu tư lên đến gần 13 tỉ đồng. Cụ thể, chi phí xây dựng công trình chính của hạng mục “hỗ trợ chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài” của chuồng loại 3 (53 chuồng) là hơn 7,24 tỉ đồng (giá trị sau thuế là gần 8 tỉ đồng); chuồng loại 1 (4 chuồng) là gần 510 triệu đồng (giá trị sau thuế là gần 560 triệu đồng). Đặc biệt nhất, chuồng loại 2 (10 chuồng) có số tiền đầu tư hơn 2,36 tỉ đồng (giá trị sau thuế là gần 2,6 tỉ đồng) - tức tương đương gần 260 triệu đồng/1 chuồng.
 
Đem số tiền xây dựng chuồng bò trong đề án so sánh với mức hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ cho thấy, việc làm chuồng trại chăn nuôi chỉ được hỗ trợ 1 lần với mức 1 triệu đồng/1 hộ. Còn theo Quyết định 56/2016/NQ-UBND, ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về một số cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỉ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 thì mức hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi đại gia súc, gia súc (trâu, bò, lợn, dê…) cũng chỉ được hỗ trợ với mức 1,6 triệu đồng/1 hộ. Như vậy, với các chương trình hỗ trợ giảm nghèo cho các hộ miền núi khó khăn trước đây, mức cao nhất chỉ gần 2 triệu đồng/1 hộ, trong khi đó mức hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi cho dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn cao nhất là gần 260 triệu đồng/1 hộ. 
 
Ngoài ra, theo Quyết định 2618/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phân khai kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu năm 2019 thì hạng mục hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất trong Đề án có tổng mức đầu tư  hơn 5,33 tỉ đồng. Với số tiền trên chủ đầu tư tiến hành khai hoang tại bản Văng Môn, xã Nga My hơn 8,5 ha đất sản xuất tại 3 khu vực. Trong đó, khu vực 1 là hơn 3 ha; khu vực 2 là hơn 2,5 ha và khu vực 3 là hơn 3 ha. Như vậy, nếu tính bình quân mỗi ha khai hoang tạo đất sản xuất sẽ có tổng chi phí gần 620 triệu đồng/ha.
 
Trong khi đó, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ thì việc khai hoang, phục hóa hoặc tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khai hoang; 5 triệu đồng/ha phục hóa; 10 triệu đồng/ha ruộng bậc thang. Tại Quyết định 56/2016/NQ-UBND, ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về một số cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỉ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 thì mức hỗ trợ khai hoang, phục hóa để sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 12 triệu đồng/ha khai hoang, 8 triệu đồng/ha phục hóa và được hỗ trợ lần đầu tiền mua giống, vật tư, phân bón để tổ chức sản xuất với mức chỉ 01 triệu đồng/ha.
Người dân nhận bò dự án
Người dân nhận bò dự án
Chất lượng con giống có vấn đề?
 
Người dân bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương cho hay, chất lượng con giống (bò) được cấp chưa đảm bảo đúng về trọng lượng và chủng loại như đã phê duyệt. Cụ thể, trong tổng số 280 con bò được cấp trong gói hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao được chủ đầu tư và các bên thẩm định, qua nhiều lần lấy ý kiến của người dân, xã và ban, ngành địa phương đã thống nhất là nguồn bò giống cấp cho đồng bào phải là giống bò có đặc điểm tương đồng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn thức ăn nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giúp đồng bào phát triển chăn nuôi bò hàng hoá, xoá đói giảm nghèo.
 
Tuy nhiên, theo phản ánh toàn bộ số bò được cấp cho bản Văng Môn đều được lấy từ các địa phương miền xuôi, với trọng lượng chưa đạt 130 kg/1 con theo thẩm định dự toán của cơ quan chức năng. Nghiêm trọng hơn, bò sau khi được cấp một thời gian ngắn đã mắc dịch bệnh viêm phổi hoặc bò bị chết sau khi di chuyển từ địa phương khác về địa bàn. Theo phản ánh của ông Lo Văn Cường (già làng bản Văng Môn), nguyện vọng của người dân là cấp bò giống cho các hộ gia đình phải cân đối giữa tỉ lệ bò đực/cái để duy trì bò sinh sản, nhân phối giống nhưng thực tế là trong số 160 con bò được cấp qua 2 đợt (tính đến 25/6/2020) thì tất cả đều chỉ là bò cái. Mặt khác, trong tổng số 8,6 ha đất khai hoang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi ở 3 đồng đất ở bản Văng Môn đến nay chưa hoàn thành.
 
Ngoài ra, trong số 15 chiếc giếng khơi trong danh mục được hỗ trợ với giá trị được phê duyệt là 16 triệu đồng/giếng đến nay mới chỉ có 14 giếng được xây dựng phát huy hiệu quả, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, còn lại 1 giếng đang trong tình cảnh ngổn ngang “đắp chiếu”, không đủ nước dùng. Đáng chú ý, danh mục hỗ trợ máy cày loại Kubata Nhật Bản có giá trị 225 triệu đồng thì người dân chưa được nhận. Tại danh mục hỗ trợ các thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin công cộng (hỗ trợ một lần cho cả giai đoạn) phê duyệt gồm 4 bộ loa bao gồm cả âm ly, cột bằng sắt bê tông có giá trị thẩm định 11 triệu đồng/cột. Tuy nhiên, theo ông Lo Văn Cường, thực tế lắp đặt là chiếc cột được đúc bằng inox, không có trụ bê tông mà được đào chôn tạm bợ.
 
Chưa dừng lại ở đó, người dân bản Văng Môn còn phản ánh, trong hạng mục “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc” được phê duyệt kinh phí 435 triệu đồng. Tại bản Văng Môn có thành lập Câu lạc bộ văn nghệ gồm 20 thành viên, kinh phí hỗ trợ cho luyện tập để duy trì đội văn nghệ mỗi thành viên được nhận chỉ 300.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi có phản ánh thì ngày 16/6 vừa qua, các cán bộ Ban Dân tộc đã trực tiếp chi trả bổ sung thêm cho mỗi thành viên câu lạc bộ thêm 4,5 triệu đồng. Cũng trong hoạt động bảo tồn, việc hỗ trợ kinh phí mua khung cửi để khôi phục nghề truyền thống của đồng bào Ơ Đu cũng đang gây nhiều điều tiếng, hay cung cấp giống ngô, cỏ, phân bón còn những lo ngại về chủng loại, xuất xứ, giá cả…
 
Như vậy, không chỉ việc “đưa nhầm” 45 hộ dân, 231 nhân khẩu người dân tộc Ơ Đu ở bản Đửa, xã Lượng Minh vào Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2021, mà quá trình thực hiện đề án ở bản Văng Môn, xã Nga My đang bộc lộ những bất cập đã nêu trên. Đáng chú ý, nhiều hạng mục đề án đã được giải ngân từ năm 2019 nhưng đến năm 2020 mới thực hiện?! Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần kiểm tra, làm rõ những phản ánh của người dân, đảm bảo tính minh bạch, tính hiệu quả của đề án. Đồng thời, nếu phát hiện có sai phạm trong quá trình thực hiện đề án, cần có biện pháp xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể liên quan.
.

V. Thành

.