Thứ Bảy, 11/07/2020, 05:35 [GMT+7]

Nhiều nhà máy nước sạch đang 'khát nước'

(Congannghean.vn)-Mặc dù nhiều nhà máy cung cấp nước sạch được đầu tư hàng chục tỉ đồng, song nhiều năm qua, các nhà máy này luôn nằm trong tình trạng không thể cung cấp nước sạch hoặc hoạt động cầm chừng rồi “tắt ngủm”. Trong khi đó, nhu cầu thiết yếu về nước sạch của người dân các địa phương đang hết sức bức thiết, nhất là vào mùa hè khô nóng, việc thiếu nước sạch khiến cuộc sống nhiều gia đình bị đảo lộn.
Dự án nhà máy nước sạch thị trấn Kim Sơn, huyện  Quế Phong sau hơn 10 năm xây dựng, chỉ đang hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn vận hành
Dự án nhà máy nước sạch thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong sau hơn 10 năm xây dựng, chỉ đang hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn vận hành
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các nhà máy cung cấp nước sạch ở các địa phương đều được đầu tư xây dựng với số vốn hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng buồn, số tiền hàng chục tỉ này đã không phát huy được tác dụng của dự án như khi được phê duyệt. 
 
Trong số các nhà máy nước có vốn đầu tư “cực khủng”, không thể không nói đến Dự án Nhà máy cung cấp nước sạch tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, với tổng mức đầu tư hơn 40 tỉ đồng. Dự án này được khởi công cách đây hơn 10 năm (năm 2009), do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ có công suất cung cấp nước sạch 1.000 m3/ ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 1.000 hộ dân thị trấn Kim Sơn và vùng phụ cận. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do thiếu vốn là chủ yếu, nên gần 10 năm xây dựng, đến cuối năm 2017, Dự án Nhà máy cung cấp nước sạch thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong mới hoàn thành việc đấu nối đến tận các hộ dân. Và cho đến nay, Nhà máy nước thị trấn Kim Sơn chưa thực hiện được việc đấu thầu quản lý, vận hành nên dẫn đến tình trạng hoạt động không thường xuyên. Theo đó, hiện nhà máy mới chỉ được vận hành 2 giờ/ngày. Công tác vận hành máy cũng cơ bản chỉ nhằm mục tiêu chính là bảo trì máy móc thiết bị, súc rửa hệ thống đường ống cấp I, cấp II và đường ống đã đấu nối cho hơn 700 hộ dân trên địa bàn thị trấn Kim Sơn và một số ít khách hàng thuộc xã Mường Nọc, Tiền Phong…
 
Lý giải về nguyên nhân hoạt động cầm chừng của Nhà máy nước thị trấn Kim Sơn, bàn Vi Thị Duyến, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Quế Phong cho biết: Trong thời gian vừa qua, UBND huyện Quế Phong và Ban quản lý dự án tiếp nhận rất nhiều phản ánh của nhân dân về thời gian bơm nước hơi ít, chỉ có  giờ/ngày, nguyên nhân là do thiếu kinh phí trả tiền điện, tiền hóa chất, tiền nước chưa thu được của nhân dân nên kinh phí chủ yếu xin hỗ trợ từ UBND huyện.
 
Một dự án nhà máy cung cấp nước sạch khác còn bi đát hơn, bởi số tiền đầu tư hàng chục tỉ đồng như đã đổ sông, đổ biển vì nhà máy chưa một lần hoạt động. Đó là Dự án nhà máy nước sạch tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, với kinh phí đầu tư gần 26 tỉ đồng, do UBND huyện Hưng Nguyên chủ đầu tư. Sau nhiều năm ì ạch vì thiếu vốn, phải đến năm 2018, dự án mới hoàn thành các hạng mục xây dựng, song từ đó đến nay nhà máy này không cung cấp được nước sạch cho người dân. 
 
Ông Hồ Sỹ Hiếu, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hưng Nguyên lý giải nguyên nhân Nhà máy nước sạch Hưng Thông đang nằm im: Khó khăn thứ nhất đó là nguồn nước, mùa nắng nóng này nguồn nước thô thiếu, không đảm bảo để sản xuất nước sạch. Thứ hai là năng lực vận hành, để cho nhà máy hoạt động phải có một đơn vị có chuyên môn, có năng lực để vận hành, vấn đề này chúng tôi chưa biết bàn giao cho ai để vận hành nhà máy. Huyện cũng đã xin ý kiến của tỉnh, tỉnh cũng thống nhất là trước mắt huyện cứ tập trung quyết toán, sau khi có quyết toán xong, tỉnh sẽ có phương án bàn giao nhà máy này để đi vào hoạt động.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại huyện Yên Thành, trong một thời gian dài cũng có nhiều nhà máy nước sạch dang dở, không hoàn thành việc xây dựng và vận hành. Đó là Nhà máy nước xã Phú Thành, Nhà máy nước xã Minh Thành, Nhà máy nước xã Liên Thành... Đến nay, trong số trên đã có những nhà máy nước hoàn thành nhưng hoạt động cung cấp nước không đạt hiệu quả như đề án phê duyệt ban đầu. 
 
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 500 công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, nhưng trong số đó chỉ có hơn 100 công trình hoạt động hiệu quả, số còn lại hoạt động kém hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc bỏ hoang. Thực trạng trên không chỉ gây lãng phí nguồn lực xây dựng các công trình nhà máy nước mà quan trọng hơn là mục tiêu các dự án không đạt được, người dân vẫn tiếp tục thiếu nước sạch dai dẵng.
.

V. Thành

.