Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201408/cac-giai-phap-dam-bao-an-toan-ho-dap-truoc-mua-mua-bao-519830/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201408/cac-giai-phap-dam-bao-an-toan-ho-dap-truoc-mua-mua-bao-519830/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 12/08/2014, 08:31 [GMT+7]

Các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão

(Congannghean.vn)-Với trên 600 hồ, đập lớn nhỏ, trong đó phần lớn được xây dựng từ lâu, với thời gian khai thác, sử dụng nhiều nhưng chưa được tu bổ, đầu tư, nâng cấp dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng. Mùa mưa bão 2013 qua đi đã để lại cho tỉnh ta nhiều thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Năm nay, dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó công tác đảm bảo an toàn hồ, đập đang là vấn đề quan trọng đặt ra đối với Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cũng như các cấp, ngành, địa phương.

Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng hồ, đập nhiều nhất cả nước với 625 hồ, đập lớn nhỏ. Trong đó có trên 20 hồ, đập có dung tích trên 5 triệu m3 và chủ yếu có tuổi thọ trên dưới 30 năm. Trong số đó, khoảng 100 hồ, đập do các công ty thủy lợi quản lý, số còn lại giao cho các địa phương quản lý. Các hồ, đập, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh, còn đóng vai trò điều tiết lũ, bảo vệ vùng hạ du. Tuy nhiên, do được xây dựng khá lâu, trong khi nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa hàng năm còn thiếu nên nhiều hồ, đập đang bị hư hỏng, xuống cấp.

Trên địa bàn huyện Nam Đàn, nơi có hệ thống cống và kênh dẫn thuộc cầu bara Nam Đàn 2 và bara Nam Đàn là những công trình có vị trí quan trọng hiện đang được đơn vị thi công hoàn chỉnh các hạng mục, đảm bảo các phương án trước mùa mưa bão. Ngoài ra, ở các điểm như Hồ Thành (xã Nam Kim) với dung tích 1,5 triệu m3 nước, hồ Ba Khe (xã Nam Lộc) dung tích 1,6 triệu m3, đập Đá Hàn (xã Nam Thanh)... nhìn chung còn bất cập về độ an toàn. Trong mùa mưa bão năm 2013, do thân hồ, đập yếu nên phải phá tràn để bảo vệ an toàn, nay đang tiếp tục được nâng cấp, sửa chữa, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa bão.

123
Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra các công trình hồ, đập tại huyện Nam Đàn

Còn tại huyện miền núi Nghĩa Đàn hiện có khoảng 130 hồ, đập lớn, nhỏ; trong đó có 9 hồ, đập do Công ty TNHH 1 TV Thủy lợi Phủ Quỳ quản lý đầu tư, với chất lượng đảm bảo, số còn lại trực thuộc huyện và các xã quản lý, xây dựng cách đây trên 40 năm, thi công thủ công nên đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng giữ nước và mất an toàn trong mùa mưa bão. Tại hồ Khe Yêu (xã Nghĩa Lâm) được thiết kế có dung tích 1,5 triệu m3, phục vụ tưới cho gần 150 ha lúa, màu, tưới tiêu cho vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây lâu năm và phục vụ cho cả dự án chăn nuôi bò sữa tập trung.

Để chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão năm nay, hiện đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện những công đoạn cuối cùng lát đá mặt đập. Ngoài những phương án, giải pháp kỹ thuật đối với hệ thống hồ, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn còn tồn tại một số điểm, tuyến giao thông ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão và an toàn giao thông mùa mưa bão như: Tràn Đội 1 (xã Nghĩa Hồng), tràn Đồng Sằng (xã Nghĩa Hội), Bến Hương (xã Nghĩa Khánh) hay tràn Khe Ang (xã Nghĩa Hồng) đang được xây dựng...

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần lớn các hồ, đập được xây dựng từ những năm 60 - 80 của thế kỷ trước, đến nay bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp kịp thời. Từ đó dẫn đến những nguy cơ thiếu an toàn thường gặp trong các mùa mưa bão như: Thi công thiết kế chưa đủ tiêu chuẩn; trong quá trình mưa bão bị xói, lở do mối, dế, chất lượng đất xuống cấp; cống đập lâu ngày bị xuống cấp thấm qua thân cống; tràn xả lũ không đủ mặt cắt thiết kế, chất lượng tràn xuống cấp không đủ thoát lũ gây vỡ đập...

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị thi công không đảm bảo nên hiệu quả thấp; công tác thẩm tra, thẩm định năng lực của các đơn vị quản lý và cả chủ đầu tư còn kém. Qua thực tiễn thử thách các mùa mưa bão những năm qua cho thấy, về cơ bản vẫn ổn định, tuy nhiên, do các hồ, đập được xây dựng từ lâu nên trong mùa mưa lũ năm nay tiềm ẩn nguy cơ  sự cố vỡ đập.

Một vấn đề quan trọng đặt ra đối với sự an toàn các hồ đập, hồ chứa trong mùa mưa bão là các đơn vị quản lý cần kiểm tra giám sát, nhất là tuân thủ các quy trình về kỹ thuật, con người trong quá trình vận hành, đảm bảo chính xác, linh động khi tiến hành tích nước hay xả lũ. Vì thế, ở các hồ chứa lớn, năm nay UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT thông báo chi tiết cụ thể, đồng thời phê duyệt các phương án phòng, chống lụt bão, được các cấp, ngành và địa phương quan tâm, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Bước vào mùa mưa bão 2014, ngành Nông nghiệp đã tham mưu Ban chỉ huy PCBL&TKCN tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án phòng, chống lụt bão theo tình hình thực tế tại từng địa phương để phòng tránh tình huống xấu. Đồng thời, xây dựng phương án bảo vệ an toàn cho các hồ, đập, phòng khi xảy ra mưa lớn trên địa bàn dẫn đến mực nước các hồ dâng cao, vượt tần suất thiết kế, tràn xả lũ không kịp thời dẫn tới tràn đập, vỡ đập.

Với chủ trương trong năm 2014 sẽ không có nguồn vốn sửa chữa mới từ Trung ương cho các công trình phòng, chống lụt bão, vì thế tỉnh đang cố gắng sắp xếp, ưu tiên nguồn kinh phí cấp, hỗ trợ sửa chữa những hạng mục công trình thiết yếu. Do đó, với những công trình đang thi công cần đẩy nhanh tiến độ và yêu cầu đảm bảo chất lượng để đưa các công trình vào sử dụng trước mùa mưa bão, còn những công trình chưa có nguồn vốn để tu sửa, các địa phương cần có phương án di dời đảm bảo an toàn cho dân.

Cụ thể, đối với các hồ đập do chủ đầu tư là các công ty thủy lợi quản lý, cần thường xuyên cử cán bộ túc trực, kịp thời theo dõi 24/24 giờ để có phương án xử lý khi có vấn đề xảy ra. Còn đối với các hồ, đập do địa phương quản lý thì cần xây dựng được phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Trong đó, ưu tiên công tác di dời những hộ dân sinh sống dọc vùng hạ lưu, nơi các vị trí thường xuyên bị đe dọa khi mưa lũ đến.

.

Xuân Thống

.