(Congannghean.vn)-Chiến tranh đã kết thúc 40 năm nhưng hậu quả mà nó để lại, đặc biệt là hệ lụy của chất độc da cam vẫn đang hiện hữu từng ngày. Đó không chỉ là vết thương thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần khi công lý chưa được thực thi.
Họ - những nạn nhân chất độc da cam cần lắm sự chia sẻ và yêu thương… Bởi vậy, cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam đã và đang trở thành hoạt động đầy ý nghĩa được toàn xã hội hưởng ứng bằng nhiều hành động thiết thực, hiệu quả.
Chúng ta sẽ giật mình khi biết rằng, chỉ cần 85 gram dioxin là có thể lấy đi sinh mạng toàn bộ số dân của một thành phố khoảng 8 triệu người. Nhưng sẽ bàng hoàng hơn khi biết từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam, một phần lãnh thổ của Lào và Campuchia 72 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 44 triệu lít chất độc da cam chứa 170 kg dioxin. Có tới 25.000 thôn, ấp miền Nam bị phun rải và có hơn 3.000 thôn, ấp bị ảnh hưởng trực tiếp với số dân từ 2,1 đến 4,8 triệu người.
Đúng như nhiều nhà nghiên cứu đã cho biết, chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam là một trong những cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Và hậu quả của chất độc dioxin còn ảnh hưởng nặng nề đến nhiều thế hệ mai sau. Sự đau khổ tột cùng và dòng nước mắt vẫn tuôn rơi trong các gia đình là nạn nhân của loại chất độc mang tính hủy diệt này.
Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh hỗ trợ nạn nhân gặp nhiều khó khăn Ảnh: Đặng Duyên |
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương do bom đạn, chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã trút xuống đất nước ta không chỉ đã và đang hủy hoại môi trường sống mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của người dân Việt Nam. Biết bao gia đình các chiến sỹ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, giờ hòa bình lập lại đành nuốt nước mắt, chăm sóc cho những người con bị dị tật.
Hiện nay, trên cả nước có khoảng 150.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh do các di chứng của chất độc da cam như liệt, chậm phát triển trí tuệ, mù, câm, điếc… Gia đình và bản thân các em đang phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, thể xác lẫn tâm hồn. Và không biết tới bao giờ, những người cha, người mẹ của các em mới được nghỉ ngơi, an lòng khi trong họ luôn đau đáu nỗi lo nếu chẳng may họ qua đời thì ai sẽ là người chăm sóc, trông nom con cái họ.
Thực tế lịch sử đã chứng minh sự hy sinh, mất mát cũng như lòng dũng cảm, anh dũng chiến đấu với kẻ thù xâm lược của các thế hệ cha anh đi trước, để chúng ta có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Vì vậy, mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ thanh, thiếu niên sinh ra và lớn lên trong hòa bình hãy cùng chung tay bảo vệ và dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp. Cùng với đó, hãy chung tay giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam cả về vật chất lẫn tinh thần…, để phần nào giúp họ vơi bớt nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, của cả cộng đồng và nhân loại.
Để phần nào xoa dịu nỗi đau da cam, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm của dân tộc, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều phong trào và các hoạt động có ý nghĩa sâu sắc như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Thương người như thể thương thân”…
Đặc biệt, Hội Nạn nhân chất độc da cam của tỉnh đã nỗ lực mang yêu thương, tình nhân ái của cộng đồng đến với những nạn nhân chất độc da cam. Những con người kém may mắn ấy luôn nhận được sự chia sẻ, quan tâm, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần từ các thành viên của Hội. Ngoài việc đem đến một cuộc sống tốt đẹp nhất cho các nạn nhân da cam, công tác chăm sóc các đối tượng này luôn được các cấp, ban, ngành đặc biệt quan tâm, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi sức khỏe cho nạn nhân bị nhiễm loại chất độc này.
Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày đế quốc Mỹ sử dụng chất độc dioxin trên chiến trường Việt Nam để phục vụ cuộc chiến tranh phi nghĩa nhưng nỗi đau thì vẫn còn đó. “Em có mắt nhưng không thể ngắm nhìn, có đôi môi xinh nhưng không thể cười nói, có đôi tay nhưng không thể nâng niu, có đôi chân nhưng không thể bước, có trái tim nhưng chẳng biết buồn vui…”, đó là hình ảnh của những nạn nhân chất độc da cam mang theo nỗi đau quằn quại về thể xác và sự trống rỗng trong tâm hồn. Để rồi, giờ đây, việc xoa dịu nỗi đau da cam không còn là trách nhiệm của riêng cá nhân, tổ chức nào mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội; để rồi chúng ta sẽ biết trân trọng và sống ý nghĩa hơn trong cuộc đời này.