(Congannghean.vn)-Không biết tự bao giờ, hình ảnh người bà, người mẹ bên chiếc võng gai đã trở nên thân quen với đồng bào dân tộc Thổ ở miền Tây xứ Nghệ. Giản dị, đơn sơ, chiếc võng gai là biểu tượng, là nét đẹp văn hóa truyền thống được người Thổ gìn giữ và lưu truyền qua bao đời nay.
Trong một chuyến công tác, tôi có dịp đến với bản làng người dân tộc Thổ ở huyện vùng cao Quỳ Hợp. Hình ảnh chiếc võng đong đưa trước hiên nhà với tiếng ru ầu ơ của bà, của mẹ như chạm vào ký ức tuổi thơ tôi những năm tháng bình yên nhất. Người phụ nữ Thổ học đan võng gai cũng như người phụ nữ Thái học dệt vải. Từ thuở bé, nhìn bà, nhìn mẹ làm rồi tự mày mò, nhớ và làm theo. Những chiếc võng gai làm ra được đổi lấy váy để mặc hay đổi lấy gạo hoặc những vật dụng sinh hoạt trong nhà. Tranh thủ những lúc nông nhàn, sau vụ mía, sắn, các bà, các mẹ lại ngồi tỉ mẩn với từng sợi gai. Không như xưa, gai mọc hoang chỉ cần vào rừng là kiếm được, giờ phủ xanh đất trống đồi trọc, những bãi mía, nương sắn thế chỗ, nguyên liệu bỗng chốc khan hiếm, đồng nghĩa với việc nghề đan võng bị lãng quên.
Bà Trương Thị Nhâm quyết tâm giữ nghề để truyền lại cho con cháu |
Làng Mó, làng văn hóa thuần Thổ thuộc xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp là một trong những ngôi làng còn giữ được nghề truyền thống do cha ông để lại. Cuộc sống đã đổi thay nhiều nhưng dấu ấn của người Thổ vẫn in đậm trong tiếng nói, phong tục, tín ngưỡng, trong những câu ca, điệu hát và đặc biệt là bà con nơi đây vẫn còn mặn nồng với nghề đan võng gai. Để dành một phần đất trồng gai, trong xóm còn có khoảng 7 - 8 cụ bà đan võng như những nghệ nhân thực thụ. Để cho ra sản phẩm, phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là khâu lựa chọn nguyên liệu. Gai phải già, bỏ lá, tuốt hết vỏ trên thân gai để lấy được một vài sợi gai bé.
Khi có số lượng sợi kha khá mới bắt đầu công đoạn tết quai võng, chọn loại then, đan võng..., tất cả đều làm bằng tay. Thông thường, để hoàn thành một chiếc võng có chiều dài từ 2 - 2,5 m, rộng 1,6 m, các mắt võng đều, phải mất từ 3 - 4 tháng. Một chiếc võng gai hiện nay bán ra với giá 500.000 - 600.000 đồng. Thực tế, nếu đem so sánh với võng dù, võng vải được bán ra thị trường thì võng gai rất “thiệt thòi”, bởi tốn nhiều công sức lẫn thời gian, mà giá thành lại quá rẻ. Không màu mè, hình thức không bắt mắt nhưng chiếc võng gai lại được rất nhiều người sử dụng vì nằm êm, mát, lại bền. Với người phụ nữ Thổ, họ luôn tâm niệm làm nghề không chỉ để kiếm sống mà trên hết là muốn lưu giữ nghề truyền thống của tổ tiên, để truyền lại cho con cháu mai sau.
Dạo quanh một vòng trong xóm Đò, xóm Sợi dưới, xóm Sơn Tiến... thuộc xã Thọ Hợp, chúng tôi để ý thấy nhiều nhà vẫn đang treo những chiếc võng gai còn dang dở. Bà Trương Thị Nhâm năm nay đã hơn 70 tuổi. Bà chẳng thể nhớ đến hôm nay mình đã đan được bao nhiêu chiếc võng. Bà chia sẻ: “Đan võng gai không khó nhưng đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại. Nếu ai không chịu khó, không siêng năng là dễ nản lắm”.
Vẫn biết giờ lớp trẻ chẳng ai còn mặn mà với nghề làm võng gai, vẫn biết cuộc sống đã nhiều đổi thay, không thể cứ kiếm sống bằng nghề này theo kiểu trao đổi hàng lấy hàng như trước, nhưng những người phụ nữ Thổ vẫn nhắc nhở nhau cố giữ lấy nghề và tin rằng, có ngày con cháu của họ sẽ lại cầm sợi gai và tết thành chiếc võng gai gắn liền với cả thời thơ ấu.
.