(Congannghean.vn)-Liên tiếp những vụ vỡ nợ lên đến hàng tỉ đồng ở những vùng quê trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua, đang dấy lên mối lo ngại về tình trạng hùn vốn, cho vay lấy lãi suất cao mà nhiều người không biết rằng, đã có rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.
Nhiều người dân ở huyện Đô Lương hoang mang trước nguy cơ trắng tay vì vỡ “hụi” |
Vì đâu nên nỗi?
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn TX Thái Hòa và huyện Đô Lương, nhiều người cho vay nợ đã bị dính vào những phi vụ gom tiền để lấy lãi suất cao rồi trong phút chốc phải ôm nợ vì “tiền mất tật mang”.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, tại khu vực chợ Nghĩa Thuận, TX Thái Hòa, một số tiểu thương đã lâm vào cảnh điêu đứng, có gia đình có nguy cơ mất nhà chỉ vì tin tưởng cho ông Nguyễn Thanh Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận và vợ ông là bà Trần Thị Xuân (SN 1962) vay tiền bởi họ thấy khối gia sản kếch xù của gia đình ông Phượng khi có nhà lầu, xe hơi, con cái thành đạt, bà Xuân là chủ cửa hàng ăn uống lớn ở thị tứ Nghĩa Thuận.
Sau những lần tin tưởng cho vay với số lượng ít và được chủ nợ trả lãi suất đúng hạn, các con nợ càng thêm tin tưởng về mối hùn vốn sinh lãi nhanh chóng này, nên trong nhà có bao nhiêu tiền là mang đi cho vợ chồng Phượng - Xuân vay hết. Có gia đình còn đi mượn tiền anh em, họ hàng, thậm chí “cắm” sổ đỏ vay tiền ngân hàng để cho vay “nóng” lấy lãi suất chêch lệch cao hơn. Mọi người ai nấy đều tin tưởng tuyệt đối vào vợ chồng Phượng - Xuân. Đến khi hay tin cặp vợ chồng này vỡ nợ, mọi người đều hốt hoảng tìm đến để đòi nợ thì mới hay, chủ nợ giờ đã không còn khả năng chi trả. Theo ước tính, tổng số tiền nợ của gia đình Phượng - Xuân là trên 8 tỉ đồng.
Theo tường trình ông Phượng gửi Đảng ủy và UBND xã Nghĩa Thuận, số tiền vay mượn ấy, vợ chồng ông dùng để đầu tư kinh doanh hàng ăn, bán đồ điện dân dụng, nhưng bị thua lỗ. Con trai ông Phượng còn thành lập một công ty riêng để đầu tư xây dựng, nhưng không thu hồi được vốn, dẫn đến vỡ nợ.
Khi vụ việc ở TX Thái Hòa chưa lắng xuống thì mới đây, tại 2 xã Giang Sơn Đông và Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương lại tiếp tục xảy ra vụ việc vỡ nợ. Theo thống kê ban đầu, gần 60 người đã đến trình báo với chính quyền địa phương với tổng số tiền thiệt hại là hơn 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số ban đầu, vì nhiều lý do, khả năng số tiền thiệt hại có thể lên đến 10 tỉ đồng.
Hầu hết các vụ việc đều là do bị vỡ nợ, không có khả năng chi trả, hay có trả cũng chỉ là con số rất nhỏ so với số tiền bị hại cho vay ban đầu. Các chủ nợ thường chạy trốn hay “xù” nợ, tìm mọi cách đối phó với cơ quan Công an. Hồi kết của những vụ việc này còn chưa biết ra sao nhưng rất nhiều con nợ đang lao đao vì mất hết tiền vốn bao năm mà rất khó khăn họ mới tích góp được. Có gia đình còn có nguy cơ mất nhà cửa vì thế chấp ngân hàng để lấy tiền cho vay. Những ngày này, nhiều gia đình như ngồi trên đống lửa vì “tiền mất, tật mang”.
Lời cảnh báo chưa bao giờ muộn
Tình trạng trên xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, với tính chất, quy mô hết sức phức tạp. Có những vụ vỡ nợ với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng, liên quan đến hàng trăm hộ gia đình. Tuy nhiên, không vì thế mà hình thức “hùn vốn” này bị “tiêu diệt”.
Nguyên nhân là do nắm bắt được tâm lý hám lợi của nhiều người, các “chủ hụi” dưới vỏ bọc của các thương gia, doanh nhân giàu có, trí thức thành đạt... đã dễ dàng gom cả trăm tỉ đồng để thực hiện mục đích mà họ công bố là huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những trường hợp lợi dụng vấn đề này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cũng có những trường hợp làm ăn bị thua lỗ, dẫn đến vỡ nợ. Khi không có khả năng thanh toán, nhiều đối tượng đã áp dụng những thủ đoạn tinh vi nhằm “xù” nợ, trốn nợ hòng qua mặt cơ quan chức năng.
Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, phi pháp này là nhiều người phải vướng vào vòng lao lý, khuynh gia bại sản; cuộc sống của hàng nghìn hộ gia đình trở nên lao đao; ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại các địa phương.
Những vụ vỡ "hụi" gây xôn xao dư luận thời gian gần đây trên cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng thực sự là lời cảnh báo đối với hình thức huy động, sử dụng nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh. Về mặt quản lý xã hội, các cơ quan thực thi pháp luật chỉ có thể can thiệp khi xảy ra hậu quả. Nhưng hậu quả ấy sẽ được ngăn chặn nếu như chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức xã hội có sự sâu sát, trách nhiệm hơn trước những biểu hiện bất thường xảy ra trong đời sống người dân. Nếu được chủ động ngăn chặn kịp thời, người dân có thể tránh được những thiệt hại không đáng có.
Cảnh giác và thận trọng là những điều cần có để người dân “đề kháng” trước những “bánh vẽ” tương tự.
.