Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/nghi-luc-cua-nguoi-thuong-binh-nang-457363/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/nghi-luc-cua-nguoi-thuong-binh-nang-457363/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghị lực của người thương binh nặng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 03/03/2014, 10:34 [GMT+7]

Nghị lực của người thương binh nặng

(Congannghean.vn)-Trở về từ chiến trường với cơ thể không lành lặn, lại mang trong mình di chứng chất độc da cam, nhưng bằng nghị lực của người lính cụ Hồ, ông Nguyễn Đình Sâm (SN 1940) ở xóm 14, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu vẫn vượt lên nỗi đau chiến tranh để sống có ích cho gia đình và xã hội.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Sâm vào một ngày đầu năm, lúc ông đang bận rộn công việc sổ sách với cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Quỳnh Văn. Rót chén nước chè dạo mời khách, ông chậm rãi tâm sự về cuộc đời đầy bi thương của mình.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 20 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Sâm hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau 4 năm vừa học văn hóa, vừa huấn luyện trong lực lượng Công an vũ trang của tỉnh, năm 1964, ông Sâm được chuyển sang Trung đoàn 31, Sư đoàn 341 thuộc Quân khu 4. Tới năm 1965, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Sâm lên đường đi B và chiến đấu khắp các chiến trường Bình - Trị - Thiên, Quảng Nam - Quảng Ngãi.

Tuy tuổi cao nhưng ông Sâm vẫn   tận tụy với công việc của Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Quỳnh Văn
Tuy tuổi cao nhưng ông Sâm vẫn tận tụy với công việc của Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Quỳnh Văn

Cuối cùng, ông đóng quân và chiến đấu tại Quảng Nam. Tháng 10/1969, khi cùng đồng đội tham gia trận đánh với giặc Mỹ, chẳng may ông Sâm bị trúng đạn và phải cắt bỏ toàn bộ cánh tay trái. Khi vết thương bình phục, ông được điều chuyển sang làm nhiệm vụ phục vụ hậu cần chiến đấu rồi về nghỉ mất sức tại quê nhà. 

Về quê với tỷ lệ thương tật 81% và đôi tay không còn lành lặn, mỗi khi trái gió trở trời, toàn thân ông lại đau nhức. Năm 1971, ông cưới vợ và sinh được 4 con trai, 1 cô con gái. Tuy nhiên, khi lên 6 tuổi, cô con gái duy nhất của vợ chồng ông Sâm đã bỏ bố mẹ đi mà không rõ nguyên nhân. Bốn người con trai của ông lúc sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng càng lớn đứa thì bệnh tật, đứa thì teo chân, tay. Nuốt nước mắt vào trong, ông gắng làm lụng và động viên vợ nuôi các con khôn lớn. Những năm tháng còn bao cấp, nhà ông lúc nào cũng nhận nuôi 2 con lợn nái và 1 đàn lợn thịt để đổi thóc cho hợp tác xã. Khi đó, một vụ nuôi lợn, gia đình ông Sâm cũng đổi được 1 tấn thóc.

Mãi tới năm 2000, trong một lần đi khám bệnh, người lính cụ Hồ Nguyễn Đình Sâm mới sững sờ, đau đớn khi biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam trong những năm tháng ở chiến trường. Kéo theo đó là các con của ông cũng bị di chứng chất độc da cam từ ông. Người con trai cả Nguyễn Đình Thạch (SN 1972) là người bị nặng nhất với chứng bệnh tim và teo cơ tứ chi. Tuy đã hơn 40 tuổi và có 3 đứa con nhưng anh không thể làm được việc nặng. Ba người em trai của Thạch sức khỏe yếu và phải thường xuyên uống thuốc. Nhưng nỗi đau không dừng lại ở đó, năm 2011, người con trai thứ 3 Nguyễn Đình Thành (SN 1979) qua đời vì bệnh tật sau nhiều năm chữa chạy.

Thương vợ con, ông Sâm đành nén nỗi đau để vượt qua mọi khó khăn, làm lụng vất vả để nuôi con ăn học. “Là người lính cụ Hồ từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, tuy bị thương tật và mang trong mình di chứng chiến tranh nhưng tôi luôn cảm thấy mình còn may mắn hơn bao đồng đội đã ngã xuống, chính điều đó càng thôi thúc tôi phải gượng dậy. Và hơn ai hết, là người chồng, người cha, tôi phải kiên cường, cố gắng hơn để động viên vợ con mình”, ông Sâm tâm sự. Trong gia đình, ông luôn là một người chồng, người cha mẫu mực, tận tâm với vợ và các con.

Tuy bị mất một tay nhưng ông vẫn đạp xe, đi tàu chở cà chua, bắp cải buôn bán khắp thành phố Vinh, Huế, Đà Nẵng rồi ra tận Hải Phòng. Khi về ông lại buôn khoai, sắn, ngô bán kiếm lời. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông đã bớt khó khăn hơn. Từ ngôi nhà cấp bốn ọp ẹp, năm 2006, ông đã dựng được một ngôi nhà mới khang trang và sắm tiện nghi khá đầy đủ. Ngày trước, vì không được học hành đầy đủ nên ông luôn khuyên các con dù khổ mấy cũng phải gắng học thành người. Không phụ lòng mong mỏi của ông, anh Nguyễn Đình Thắng (SN 1976) người con trai thứ 2 của ông, tuy bị teo cánh tay nhưng đã vượt khó học tập và trở thành giáo viên trung học.

Không những làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha, người thương binh nặng Nguyễn Đình Sâm còn tích cực tham gia công tác ở Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi xã. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn nhiệt tình trong công việc và được bà con, đồng đội tin yêu, cảm phục.

Hiện giờ đã sang tuổi 75 và trên 40 năm tuổi Đảng, sức khỏe đã yếu nhưng ông vẫn đang đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Quỳnh Văn. Trên cương vị của mình, ông luôn quan tâm, động viên, thăm hỏi những hội viên trong xã và có những ý kiến đóng góp, tham mưu với cấp trên để nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho các hội viên bị chất độc da cam. Nhiều năm liền, ông được Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh tặng Giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Là một thương binh hạng 1/4, lại có 4 đứa con bị di chứng chất độc da cam nhưng ông Nguyễn Đình Sâm vẫn không ngừng cố gắng vượt lên hoàn cảnh và xứng đáng với lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

.

Duy Ngợi - Hoàng Việt