Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/can-su-chung-suc-chung-long-454927/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/can-su-chung-suc-chung-long-454927/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần sự chung sức, chung lòng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 25/02/2014, 09:18 [GMT+7]

Cần sự chung sức, chung lòng

Kỳ 1: Đối tượng rộng cần nguồn vốn lớn

(Congannghean.vn)-Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về việc hỗ trợ nhà ở đối với các đối tượng người có công với cách mạng, Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2013. Để triển khai Quyết định này, ngày 10/10/2013, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 4597/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Dù các ban ngành đã tích cực triển khai nhưng sau hơn 4 tháng thực hiện, Đề án này đang gặp nhiều khó khăn, cần sự chung sức, chung lòng của nhiều cá nhân, tổ chức.

Kỳ 2: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo tìm hiểu, hiện nay tại một số địa phương, việc các hộ dân cho rằng mình đương nhiên nằm trong diện được hỗ trợ đã vay tiền xây mới, sửa chữa nhà diễn ra khá phổ biến. Hậu quả là, khi ngân sách chưa chuyển về kịp, nhiều hộ dân phải “ôm” một khoản nợ lớn và hàng tháng phải trả lãi suất ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Hóa trú tại xóm Hòa Nam, xã Hiến Sơn (Đô Lương) là một ví dụ. Vợ chồng ông Hóa được Nhà nước tặng thưởng Huân - Huy chương Kháng chiến. Bản thân ông Hóa bị bại liệt 4 - 5 năm nay. Khi nghe tin được Nhà nước xét duyệt hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Hoài, vợ ông Hóa đã quyết định vay 50 triệu đồng tiền ngân hàng, vay thêm anh em, bà con, phá căn nhà gỗ mục nát tồn tại hàng chục năm nay để xây căn nhà mới.

Căn nhà được hoàn thiện vào cuối năm 2013 trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình, anh em, bà con chòm xóm. Ông bà hi vọng sẽ sớm nhận được khoản tiền hỗ trợ trên để trả tiền gốc vay ngân hàng theo đúng hợp đồng. Tuy nhiên, chờ mãi mà tiền hỗ trợ cũng chưa có, hàng tháng bà chật vật với khoản tiền lãi suất, những gia đình cho ông bà vay, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng cũng thường xuyên đến hỏi tiền. Trường hợp giống gia đình ông Hóa không phải là hiếm. Theo khảo sát của phóng viên, tại xóm Hòa Nam hiện có 5 gia đình đã vay ngân hàng xây nhà mới vẫn ngày đêm ngóng trông nguồn hỗ trợ. Con số này tại xóm Hòa Long là 3 hộ gia đình...

Ông Trần Đăng Lực trú tại xóm Hòa Long (Hiến Sơn - Đô Lương) lại rơi vào hoàn cảnh khác không kém phần bi đát. Ông là thương binh 4/4, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Căn nhà của ông hiện có thời gian sử dụng trên 40 năm, mục nát, hở trên, hở dưới. Với trường hợp này, ông Lực đương nhiên thuộc một trong số 12 nhóm đối tượng được nhận tiền hỗ trợ xây nhà.

Tuy nhiên, với căn nhà mục nát không thể ở được nữa, giữa năm 2013, khi nghe phong thanh mình nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ xây nhà, ông cầm cố sổ đỏ vay được 30 triệu đồng từ ngân hàng, vay thêm anh em, bà con để làm nhà mới ngay bên cạnh. Khi tiến hành khảo sát, do đã có nhà mới, gia đình ông Lực không đủ điều kiện để xét duyệt cấp hỗ trợ. Ông Lực chua xót cho biết: “Đinh ninh mình sẽ được hỗ trợ, vợ chồng tôi quyết định vay tiền xây nhà, chờ được Nhà nước giúp đỡ. Giờ nhà làm lên rồi, cán bộ chính sách bảo, đã tự xây được nhà mới rồi thì không thể được hỗ trợ nữa. Giờ trâu bò trong chuồng không có, biết bán cái gì để trả nợ đây?”.

 
Vợ chồng ông Hóa, bà Hoài “ôm” nợ khi vay tiền xây nhà mà chưa có tiền hỗ trợ
Vợ chồng ông Hóa, bà Hoài “ôm” nợ khi vay tiền xây nhà mà chưa có tiền hỗ trợ
 
Khi xây dựng Đề án, UBND tỉnh Nghệ An đã phân công trách nhiệm thực hiện triển khai một cách cụ thể đối với từng cấp, ngành địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai công tác tuyên truyền tại một số địa phương chưa thực sự hiệu quả, người dân nhận thức chưa đầy đủ về chính sách nên vẫn còn nhiều thắc mắc, khiếu nại. Các địa phương, cấp ngành khi được phân công trách nhiệm đều hiểu rằng, với 12 nhóm đối tượng, số lượng đối tượng lớn sẽ phải mất một nguồn kinh phí khổng lồ để thực hiện Đề án. Để tránh nhầm và bỏ sót đối tượng, các địa phương đều quán triệt phải làm chặt chẽ từ khâu lên danh sách, khảo sát. Chính điều này đã khiến nhiều đối tượng chính sách, dù nằm trong 12 nhóm đối tượng nhưng nhà ở chưa đến mức dột nát, tạm bợ bị gạt ra khỏi danh sách xét duyệt. Nhiều hộ chính sách tỏ ra bức xúc, viết đơn phản ánh gửi các cơ quan chức năng.

Tại huyện Nam Đàn, một số hộ gia đình chính sách, dù đã có nhà ở đảm bảo nhưng khi có thông tin chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã xây dựng thêm nhà “ngang” và yêu cầu được hỗ trợ. Tuy nhiên, căn cứ theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những hộ này đương nhiên không nhận được tiền hỗ trợ. Trên thực tế, tại thời điểm hiện tại, với 40 triệu đồng để xây dựng một căn nhà mới là điều rất khó thực hiện. Nhiều gia đình chính sách quá khó khăn về tài chính, không có tiền thêm vào để xây dựng nhà mới buộc phải đi vay.

Vì điều đó, trong quan điểm thực hiện hỗ trợ, UBND tỉnh Nghệ An cũng nêu rõ phải “thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực hỗ trợ... giải quyết theo hướng: hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước các cấp, đóng góp giúp đỡ của cộng đồng dân cư, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và bản thân hộ gia đình tự lo”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc huy động các nguồn vốn khác trong một khoảng thời gian ngắn để thực hiện Đề án tại các địa phương hết sức khó khăn. Theo bà Lê Thị Hằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Nhiều người dân, dù đã được tuyên truyền nhưng nhận thức vẫn còn chưa sâu sắc về chính sách này. Cần phải hiểu, đây là một chính sách nhân đạo, thiết thực và nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, đối tượng nhiều, ngân sách hỗ trợ rất lớn nên không thể ngay một lúc đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách. Việc khảo sát, lựa chọn đối tượng cần được làm chặt chẽ ngay từ đầu để trúng và đúng đối tượng. Ngân sách chuyển về quá chậm trong khi nhiều đối tượng chính sách đã xây dựng khiến công tác triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với nguồn hỗ trợ này, hiện nay, Nam Đàn đang tích cực huy động từ các nguồn khác như Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ người nghèo, kêu gọi lòng hảo tâm của các cá nhân, tổ chức cùng chung tay hỗ trợ nhà ở cho người có công”.

Tiến độ thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang chậm hơn so với dự kiến. Kế hoạch thực hiện hỗ trợ trong năm 2013 đến thời điểm giữa tháng 2/2014 vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, kế hoạch hỗ trợ năm 2014 vẫn chỉ mới ở giai đoạn khảo sát, lập danh sách. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở nguồn ngân sách, khi Nhà nước chưa kịp chuyển về thì nhiều hộ gia đình chính sách vẫn canh cánh nỗi lo “ôm” nợ, “gánh” lãi suất. Điều này cũng dễ nảy sinh nhiều hệ lụy.

.

Văn Dũng