(Congannghean.vn)-Nhắc đến bác sĩ Và Bá Tủa, người dân xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) thể hiện một niềm kính trọng tin yêu. Anh là người Mông tiêu biểu về ý chí học tập và thành đạt ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, là bác sĩ đầu tiên nơi miền biên viễn này.
Vượt qua bao núi, bao sông, qua những dốc dựng đứng, chúng tôi đến với xã Nhôn Mai vào một ngày cuối đông. Để có cái chữ, người Mông đã phải lặn lội trèo đèo vượt suối những mong thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
Sinh năm 1970, Và Bá Tủa là người con của bản Huồi Cọ. Anh nhớ lại, xưa Huồi Cọ nghèo lắm. Lo cái ăn cho no bụng, cái áo mặc ấm là mệt lắm rồi chứ ai còn nghĩ đến học hành. Trẻ em trong bản chủ yếu lên nương làm rẫy. Khi có đau ốm thì chữa bằng mấy thứ lá trong rừng hay đi gọi thầy mo về cúng. Cuộc sống người dân khổ cực lắm. Ngày ấy, theo học đến lớp 7 thì Và Bá Tủa phải bỏ học vì theo cha, mẹ trồng cây thuốc phiện.
Cũng may có một người thầy, nguyên là Hiệu trưởng Trường THPTDT nội trú huyện Tương Dương sau chuyến đi công tác nhận thấy Tủa thông minh, ham học hỏi nên đã động viên, khuyên nên tiếp tục học chữ. Thế rồi, Tủa khăn gói xuống núi ra thị trấn Hòa Bình tiếp tục học cái chữ. Học xong lớp 7, Và Bá Tủa và các bạn trong trường được nghỉ hè. Thời gian ở nhà cũng là thời gian Tủa được gia đình gả vợ cho. Lấy vợ chưa được bao lâu thì Và Bá Tủa chuyển về học tại Trường THPTDT nội trú tỉnh Nghệ An.
Môi trường mới, thầy cô, bạn bè mới đã khỏa lấp trong anh nỗi nhớ nhà, nhớ vợ. 5 năm miệt mài học tập, Và Bá Tủa tốt nghiệp lớp 12, được xét đi học tại Trường Trung cấp Y tế Nghệ An theo chính sách cử tuyển dành cho học sinh các dân tộc thiểu số. Năm 1997, ra trường về làm tại quê hương một thời gian thì anh được cử đi học tại Trường Đại học Y Thái Bình. Hiện nay, anh là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nhôn Mai.
Bác sỹ Và Bá Tủa miệt mài chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân |
Những ngày đầu về quê hương, bản thân Và Bá Tủa gặp không ít khó khăn. Người dân quê anh vẫn còn nặng nề các hủ tục lạc hậu. Sinh ra và lớn lên tại đây, nên anh không lạ lẫm gì với việc chữa bệnh của bà con dân tộc. Chỉ một nắm lá rừng, gọi thầy về cúng con ma là khỏi bệnh. Để bà con nhận thức rõ, anh phải lặn lội đến từng bản làng để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, cách chữa bệnh. Với những bản xa, anh tổ chức họp tại các tổ rồi thông báo tình hình cho bà con. Tại các cuộc họp còn lồng ghép chương trình có các chiến dịch tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, suy dinh dưỡng…
Nhắc đến những kỷ niệm trong nghề, Và Bá Tủa không nhớ hết những trường hợp mà mình trực tiếp cứu chữa. Như trường hợp ông Lương Văn Quản (82 tuổi) ở bản Na Hỷ bị thần kinh tọa. Gia đình chạy chữa mãi, nào là thuốc lá đến thuốc tà nhưng vẫn không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Khi vào khám, Và Bá Tủa trực tiếp đưa ông ra Trạm y tế và quả quyết với gia đình sẽ chữa được bệnh này. Với sự tận tâm của mình, Và Bá Tủa đã chữa khỏi bệnh cho ông trong niềm vui của người thân.
Hay như câu chuyện của anh Lỳ Chia Dở ở bản Phà Mựt, bị một khối u trong họng. Kêu hết nơi này nơi khác đều lắc đầu bất lực. Sau khi đưa về nhà, gia đình vội đưa bệnh nhân đến nhờ Và Bá Tủa cứu chữa. Sau khi khám bệnh, Và Bá Tủa quyết định cắt khối u trong họng bệnh nhân, “đó không phải là u ác, khoa học vẫn có lúc nhầm lẫn”, anh Tủa cho biết. Chính sự quyết đoán đã giúp anh cứu sống mạng người. Sau ba tháng lành bệnh, gia đình Lỳ Chia Dở đưa 2 nén bạc và một con lợn đến tạ ơn. Không những không nhận nén bạc và lợn mà anh còn đứng ra tổ chức một bữa cơm mừng cho bệnh nhân đã thoát khỏi tử thần.
Mặc dù khó khăn trong việc tuyên truyền, thuốc men chủ yếu lại theo bảo hiểm, chuyên môn chưa đồng đều, cơ sở, thiết bị máy móc còn hạn chế…, nhưng vượt lên trên tất cả là tình thương đối với người bệnh. “Lương y như từ mẫu”, với tấm lòng y đức, Và Bá Tủa là một tấm gương sáng để mọi người noi theo. Anh cũng là người dân tộc Mông đầu tiên của Nghệ An được công nhận là bác sĩ người dân tộc thiểu số giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu.