Từ khi có chủ trương di dời một số xã ở lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ về khu tái định cư ở huyện Thanh Chương vẫn còn một số bản trên hai xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm duy trì được nghề cha ông để lại. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay khi mà các mẫu mã và công nghệ ngày càng hiện đại với giá thành rẻ chiếm lĩnh thị trường may mặc, lấn át các sản phẩm thổ cẩm truyền thống thì việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại hai xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm có ý nghĩa quan trọng không những để lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc lâu đời của người Thái mà còn là một cách giải quyết việc làm, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo cho chị em trong những lúc nông nhàn.
Để khôi phục và phát triển nghề truyền thống này, ngày 27/7/2012, Phòng Công thương huyện Thanh Chương đã mở lớp học nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào tái định cư tại 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Cùng với các bản như Tà Xiêng, bản Mà, bản Hiển ở xã Ngọc Lâm; bản Thái Lâm, bản Thanh Hòa ở xã Thanh Sơn mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tập trung.
Lớp học do HTX thổ cẩm Hải Vân trực tiếp dạy nghề. Sau hai tháng vừa học, vừa làm, hai lớp học đã làm được nhiều sản phẩm như khăn choàng, chân váy truyền thống với nhiều mẫu mã mới đẹp. HTX Hải Vân là đơn vị cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm thổ cẩm cho đồng bào 2 xã tái định cư.
Phụ nữ Thái miệt mài dệt váy
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hà Thị Phượng Vân, chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm Hải Vân chia sẻ: Những sản phẩm của phụ nữ Thái làm ra rất đẹp với những gam màu và họa tiết bắt mắt. Tay nghề của chị em, kinh nghiệm của người Thái có sẵn, mở lớp học không ngoài mục đích duy trì lưu giữ nét văn hóa xưa đồng thời bổ sung thêm nhiều mẫu mã mới để có sức cạnh tranh trên thị trường, vừa khôi phục vừa không ngừng phát triển. Chúng tôi trực tiếp cung cấp nguyên liệu sợi dệt để chị em làm ra hàng hóa. Với gần 200 sản phẩm thực hành là dây thắt lưng và khăn choàng, tổng giá trị sản phẩm được bán cho HTX Hải Vân là 20 triệu đồng.
Ngỡ tưởng xuống vùng tái định cư chị em lãng quên cái nghề từng nuôi sống gia đình mình, thế nhưng, chiếc khung cửi như người bạn không thể rời xa khỏi đôi bàn tay người phụ nữ Thái. Đối với họ đó là điều gì rất thiêng liêng như một niềm tôn kính đối với tổ tiên, là nét riêng duyên dáng của người phụ nữ Thái.
Chúng tôi có mặt ở lớp học dạy nghề dệt thổ cẩm tại bản Tà Xiêng, ở bản Ngọc Lâm. Lớp học có 30 người học 2 tháng cả ngày trong tuần. Bên khung dệt, tiếng thoi đưa nghe dặt dìu khéo léo, chiếc váy, chiếc khăn đang dần hoàn chỉnh với những họa tiết đầy màu sắc.
Chị Lương Thị Chương, quản lý lớp học cũng là người có truyền thống nghề dệt thổ cẩm lâu đời cho biết: Chị em bản Tà Xiêng đến đây với mọi lứa tuổi. Nói là học nghề, chứ chị em người Thái chúng tôi biết dệt thổ cẩm từ những ngày còn bé. Cứ ngồi nhìn bà, nhìn mẹ dệt rồi nhớ rồi yêu mà làm thôi.
Ngày trước dệt một tấm vải rất vất vả và nhiều công đoạn lắm. Kéo sợi bằng tay quay phải thật đều thì sợi mới mềm, mịn. Kéo sợi xong bắt đầu hồ bằng bột ngô, sau đó cho vào dụng cụ xếp. Công đoạn dệt đòi hỏi sự khéo léo tinh tế của người phụ nữ. Nếu dệt vải trắng đơn giản thì mỗi ngày được khoảng 10 - 12m, nếu dệt hoa văn, dệt chữ thì chỉ được 7 - 8m. Làm được bộ váy hoàn chỉnh cũng mất đến 10 ngày.
Giờ đây để dệt một chiếc váy đẹp với những người làm nghề điêu luyện cũng phải mất tới 3 - 4 ngày mới xong. Mặc dù đây chưa phải là nguồn thu nhập chính nhưng mỗi tháng cũng có thêm 200.000 - 500.000 đồng.
Sản phẩm làm ra thu hút khách dưới xuôi cũng như người nước ngoài. Sau khi sản phẩm hoàn thiện, HTX Hải Vân chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Những chiếc khăn choàng, chân váy của người Thái được đưa ra Hà Nội, chuyển vào Sài Gòn thu hút nhiều khách hàng. Có khi sản phẩm làm ra gửi về Tương Dương rồi đưa sang chợ Biên, Nậm Cắn, hay sang Lào để tiêu thụ.
Chị Lô Thị Ngọc - Cán bộ văn hóa xã Ngọc Lâm cho biết: Hiện nay ngoài bản Tà Xiêng còn có bản Mà, bản Hiển... duy trì được nghề truyền thống này. Chị em đến với lớp học ngày càng đông. Được học thêm các mẫu mã mới nên cái khăn, cái váy mỗi ngày đẹp hơn. Thu nhập không cao lắm nhưng tranh thủ được những lúc rảnh rỗi và hơn hết là giữ được nét văn hóa của dân tộc. Chúng tôi thường xuyên đến tận nhà động viên chị em duy trì và phát huy nghề dệt vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
Vấn đề khó khăn hiện nay đối với chị em là thiếu công cụ. Các khung dệt vốn mang tính truyền thống hạn chế về khuôn khổ cần cải tiến để làm ra hàng hóa; kinh phí để nâng cao tay nghề còn mỏng chính vì vậy để khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền.
Phan Tuyết - Ngọc Anh
.