Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/23075-nghich-canh-khat-nuoc-tren-vung-dat-lu-395127/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/23075-nghich-canh-khat-nuoc-tren-vung-dat-lu-395127/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghịch cảnh “khát nước” trên vùng đất lũ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 22/09/2012, 14:00 [GMT+7]
23075

Nghịch cảnh “khát nước” trên vùng đất lũ

Sống ở ngôi làng này đã mấy chục năm nay, ông Trần Tự  đã hơn 60 tuổi ở xóm 10, xã Nam Cường không còn nhớ nổi gia đình đã phải tốn biết bao công sức tiền của để đào giếng, những mong tìm được nước sạch dùng để ăn uống bảo đảm sức khỏe nhưng vô cùng khó khăn. Và cuối cùng không còn cách nào khác, ông đành phải chọn phương án xây bể lọc nước, bởi mỗi lần giếng đào xong, bơm nước lên, chỉ sau khoảng 10 phút thì nước ngả màu vàng với mùi tanh hôi rất khó chịu.
 
Để “biến” nước vàng thành nước trắng trong, gia đình ông Tự đã dùng “công nghệ” làm sạch nước hết sức đơn giản. Đó là nước được bơm lên, cho vào bể chứa trong đó có một lớp cát, một lớp sỏi dày, cho chảy qua bể thứ hai. Lúc này, xem như nước đã được “làm sạch” và dùng cho sinh hoạt hằng ngày. 
 
Cách đó không xa là gia đình bà Hoàng Thị Tứ cũng nằm chung tình cảnh, nhưng thận trọng hơn, bà đã chịu khó đi lấy nước sạch cách nhà chục cây số. Tuy nhiên, mấy tháng nay, việc đi lấy nước cũng gặp không ít khó khăn bởi đường xa, trong khi sức khỏe của bà ngày càng yếu đi theo tuổi tác và cuối cùng gia đình bà cũng đã phải chọn phương án xây thêm bể hứng nước mưa phòng lũ lụt tràn về.
 
Bởi cứ vào mùa mưa, trong nhà, ngoài đồng nước lũ ngập trắng. Nguồn nước đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm nặng hơn cho dù đã được lọc qua bể và người dân vùng lũ vẫn phải “nhắm mắt” uống thứ nước không thể uống được. Các mầm mống bệnh tật cũng phát sinh từ đó. Năm ngoái chồng bà đã bị bệnh ung thư cướp đi mạng sống, không hiểu có phải do ô nhiễm nguồn nước hay không.
  
Người dân phải xây bể lọc nước từ giếng khoan lên để dùng
 
Bà cho biết: Từ xưa đến nay gia đình con cái vợ chồng đều lấy nước ăn uống từ cái giếng bơm này. Xét nghiệm hay làm gì thì làm nhưng rồi đâu lại vào đó cả, vì vậy gia đình đã làm bể nước mưa để sống qua ngày đoạn tháng. Yêu cầu và mong muốn là có được nguồn nước sạch để dùng chứ người dân ở đây chết vì ung thư nhiều lắm. Trước đây người dân thường lấy nước từ giếng làng về dùng, nhưng gần đây họ không dám nữa nhiều người chỉ mới 30 - 40 tuổi đã chết vì  bệnh ung thư. 
 
Là xã thuần nông lại nằm trong vùng phân lũ, đời sống của người dân Nam Cường gặp rất nhiều khó khăn. Xã có 11 xóm, 1.468 hộ với 6.115 nhân khẩu. Ở đây, ngoài việc “sống chung với lũ”, người dân còn phải “sống chung với nguồn nước ô nhiễm”.
 
Do nằm sát con  hói chảy từ xã Khánh Sơn, qua Nam Cường đến giáp xã Đức Châu - Đức Thọ, mang theo bao nhiêu rác thải, xác chết động vật do cư dân các địa phương nói trên thải xuống dòng nước, vì vậy xóm 10 phải hứng chịu nguồn nước ô nhiễm nặng nề nhất. Xóm có 179 hộ với 715 nhân khẩu cũng có nghĩa là chừng ấy con người luôn phải sống trong cảnh “khát nước sạch”, kéo theo đó là những căn bệnh hiểm nghèo. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: Nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn đối với nhân dân chủ yếu sử dụng máy khoan, sau đó họ bơm trực tiếp vào trong các thùng lớn, vùng nào bơm lên có nước trong thì họ dùng trực tiếp, nếu như bơm lên có hiện tượng màu vàng sẫm thì người ta xây bể lóng để sử dụng. Đặc biệt là vùng xóm 10, xóm 9, Đông Thọ, mặc dù chưa có kiểm nghiệm nhưng qua kinh nghiệm cũng như màu sắc người ta đã phát hiện.
 
Là xã vùng lũ, đời sống khó khăn do vậy để khắc phục vấn đề nước sạch là nằm ngoài khả năng của chính quyền, do đó chúng tôi mong muốn Nhà nước tạo mọi điều kiện đầu tư cho vùng 5 Nam ở khu vực Nam Trung 1 nhà máy nước, lấy từ nguồn nước sông Lam qua nhà máy xử lý để phục vụ cho Nam Phúc, Nam Trung và xã Nam Cường có tới hàng vạn người dân đang sinh sống, lao động.

Dân thiếu nước, cả vùng lũ khát nước sạch, chính quyền biết nhưng “lực bất tòng tâm”. Không biết đến bao giờ người dân vùng lũ nơi đây mới hết lo âu khi phải sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm. Bài toán nước sạch cho xã Nam Cường và vùng lũ 5 Nam xem ra vẫn còn trong vô vọng và nghịch cảnh “khát nước” ngay trên vùng đất lũ vẫn là trăn trở lớn của người dân vùng lũ ở Nam Đàn.

Lê Hoa - Hồng Sương
.