Thứ Bảy, 05/09/2020, 08:00 [GMT+7]

Năm học 'bản lề' đổi mới giáo dục

Hôm nay (5/9), gần 23 triệu học sinh trên cả nước đã chính thức khai giảng năm học mới 2020-2021. Đây là một năm học đặc biệt khi ngành Giáo dục và đạo tạo phải thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch, chất lượng dạy học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp. 
 
Đây cũng là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 1.  
 
Căn cứ các yêu cầu trên và tình hình thực tiễn của các địa phương, của ngành, năm học 2020-2021, toàn ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản.
 
Trong đó, mục tiêu xuyên suốt là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục thông qua các giải pháp cụ thể như rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Lễ khai giảng năm học 2020-2021 sẽ diễn ra đồng loạt trên toàn quốc vào sáng 5-9. Ảnh CTV
Lễ khai giảng năm học 2020-2021 sẽ diễn ra đồng loạt trên toàn quốc vào sáng 5-9. Ảnh CTV
Đặc biệt, ngành Giáo dục cũng quyết tâm “dốc toàn lực” để đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí giáo viên để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, tiếp tục tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình; tiếp tục triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
 
Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục cũng tiếp tục tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua hoạt động giáo dục và trải nghiệm; tăng cường an ninh, an toàn trường học và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.
 
Chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GD&ĐT, tập trung hoàn thiện chính sách phát triển phương thức GD&ĐT trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng; phát triển kho học liệu số toàn ngành…
 
Chia sẻ với phóng viên về những “điểm nhấn” quan trọng trong năm học mới 2020-2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm học mới, ngành Giáo dục đã đề ra 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp, nhưng sẽ tập trung vào một số nội dung “trọng tâm”, “trọng điểm”.
 
Đối với bậc phổ thông, sẽ rà soát, tổng kết, sơ kết từ địa phương, từ đó mới có giải pháp chấn chỉnh; các Sở GD & ĐT phải quyết liệt rà soát, sau đó Bộ GD& ĐT sẽ kiểm tra. Với đại học cũng quyết liệt rà soát quy hoạch mạng lưới theo không gian mở, theo thị trường, không thể để có nơi có mấy chục trường đại học, có nơi lại không có trường nào.
 
Liên quan đến đội ngũ nhà giáo phổ thông, Bộ trưởng Nhạ cho hay, điểm nhấn chính là tăng cường tính tự chủ cho các trường phổ thông, nhà trường và giáo viên  phải được tự chủ xây dựng kế hoạch, được quyền tự chủ đổi mới phương pháp. Một điểm nhấn nữa, trong năm học mới, ngành Giáo dục sẽ tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng cho sinh viên.
 
Từ kết quả thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Bộ trưởng cho rằng, ngành Giáo dục sẽ chú trọng kỹ năng của giáo viên, tăng cường xây dựng hệ thống học liệu tốt để có chương trình phù hợp, kết hợp giáo viên trong nước và giáo viên nước bản địa. “Bộ GD&ĐT sẽ chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ thật chuẩn, kết hợp kiểm định để minh bạch chất lượng” - Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh.
 
Trước nhiệm vụ đổi mới thi cử, tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2021, thi tốt nghiệp sẽ chuyển về địa phương, vì thi tốt nghiệp như một đợt đánh giá tổng kết 12 năm học, địa phương phải làm, Bộ GD & ĐT sẽ hỗ trợ phần mềm, ngân hàng đề thi. Việc này là khả thi vì trong bối cảnh tự chủ, ĐH có thể sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, xét tuyển.
 
Liên quan đến việc triển khai chương trình GDPT và sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Đây là năm đầu tiên dạy chương trình mới trong bối cảnh dịch bệnh lại xảy ra, nhưng việc chọn sách, về cơ bản chọn xong. Sách giáo khoa lần đầu tiên xã hội hóa, có ba nhà xuất bản tham gia in ấn, cung ứng sách, nhưng đến thời điểm sách đã về các địa phương, không có nơi nào thiếu sách. Toàn bộ giáo viên lớp 1 được bồi dưỡng, cơ sở vật chất được chuẩn bị chu đáo.
 
Trước thềm năm học mới, nhắn nhủ các thầy cô giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Năm học mới còn rất khó khăn, bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, tôi mong muốn các thầy cô sẵn sàng tâm thế thực hiện nhiệm vụ “kép”. Tôi tin, các thầy cô với kinh nghiệm và đã làm quen với cách thức dạy và học trong tình hình mới chắc chắn sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.
Về đời sống, chế độ chính sách giáo viên, Bộ trưởng cho hay, Chính phủ đang chỉ đạo đề án cải cách tiền lương, Bộ GD&ĐT cũng đã có đề xuất, trên tinh thần, đời sống và chế độ cho nhà giáo sẽ tốt hơn, công bằng hơn.
Lễ khai giảng “giãn cách”, không diễu hành, không văn nghệ
 
Tại văn bản hướng dẫn triển khai một số việc đầu năm học 2020-2021 do Bộ GD&ĐT vừa gửi các Sở GD&ĐT, Bộ yêu cầu Lễ khai giảng năm học 2020-2021 được tổ chức thống nhất trên cả nước vào sáng ngày 5-9. Căn cứ tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, các trường tổ chức khai giảng phù hợp, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường. 
 
Đối với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến. Tại Hà Nội, thành phố thống nhất tất cả các trường trên địa bàn tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5-9 theo hình thức trực tiếp. 
 
Đối với cấp học tiểu học, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, lễ khai giảng không quá 45 phút, đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Trung ương, thành phố và liên ngành. Trong lễ khai giảng, chú trọng đón học sinh đầu cấp, tùy theo mỗi trường, bố trí tập trung học sinh dưới sân trường hoặc ngồi trên lớp và đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang; đặc biệt không tổ chức diễu hành, tổng duyệt, văn nghệ và không thả bóng bay.
.

Nguồn: CAND

.