(Congannghean.vn)-Hơn 40 bài tham luận tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Duy Trinh- nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức tại thành phố Vinh, Nghệ An ngày 15/7/2020 nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, một lần nữa ôn lại những đóng góp còn nguyên giá trị của ông đối với cách mạng; những bài học về giá trị tư tưởng- một tấm gương sáng ngời về tư cách đạo đức, tác phong làm việc “ nói đi đôi với làm” của người con ưu tú quê hương xứ Nghệ.
Đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo |
Tại Hội thảo |
Tham dự Hội thảo, gồm đồng chí Phạm Bình Minh- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng- Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An và thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Duy Trinh; cùng các đại biểu, các nhà khoa học Trung ương và địa phương.
Người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ
Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các đại biểu đã nhấn mạnh ảnh hưởng của vùng đất giàu truyền thống lịch sử -văn hóa, truyền thống anh dũng, kiên cường chống ngoại xâm, quê hương Nghệ An đã bồi đắp, nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất trung kiên của Nguyễn Duy Trinh. Từ khi mới 17 tuổi, Nguyễn Duy Trinh đã tham gia các phong trào học sinh chống áp bức bóc lột của bọn đế quốc, phong kiến đòi tự do hoạt động tại thị xã Vinh rồi gia nhập Đảng Tân Việt – một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Sài Gòn- Gia Định. Cuối năm 1928, phong trào đang lên cao và lan rộng thì ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 18 tháng tù, trục xuất về quê. Làng Cổ Đan, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An những năm 1930, khí thế sục sôi cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp tìm đủ mọi cách khủng bố, bắt bớ nhằm dập tắt phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Hàng loạt cuộc vây bắt, truy lùng cán bộ, triệt phá làng mạc xảy ra. Hàng trăm cán bộ, quần chúng cách mạng bị bắt bớ tù đày và bị giết hại. Nhiều làng mạc bị đốt phá, một số cán bộ Xứ uỷ, Huyện uỷ bị sa lưới địch, các tổ chức Đảng bị tổn thất nặng nề. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ông đã chủ động bí mật liên lạc với các đồng chí vừa thoát khỏi cuộc vây lùng của địch, đồng thời tổ chức hội nghị lập ra Ban cán sự Huyện uỷ, tiếp tục khôi phục, duy trì phát triển phong trào yêu nước từ trong máu lửa và thời điểm này ông được bầu vào cương vị Bí thư Huyện ủy. Thực dân Pháp tăng cường kiểm soát gắt gao khiến cho tổ chức Đảng của huyện Nghi Lộc bị tổn thất hết sức nặng nề. Ngày 18/12/1932, thực dân Pháp đã bắt Nguyễn Duy Trinh (lúc bấy giờ tên gọi là Nguyễn Đình Biền) lưu đày qua nhà lao Vinh, ngục Kon Tum rồi nhà tù Côn Đảo. Hơn 10 năm bị lưu đày, tra tấn dã man nhưng Nguyễn Đình Biền vẫn nêu cao khí tiết của người cộng sản bất khuất kiên trung, ông đã coi nhà tù đế quốc là trường học cách mạng, là trận tuyến đấu tranh mới; tích cực tổ chức đoàn kết đấu tranh buộc kẻ thù phải giảm bớt chế độ lao tù khắc nghiệt, giành lấy sự sống để tiếp tục hoạt động cách mạng.
Mùa hè năm 1945, được ra tù ông tiếp tục dấn thân vào con đường hoat động cách mạng công khai, trực tiếp tham gia kháng chiến tại Vinh và Huế và được Đại biểu Quốc hội khoá I bầu vào Ban Thường vụ Xứ uỷ Trung bộ, Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Trung bộ. Năm 1949, giữ cương vị Bí thư Liên khu uỷ V, kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Trung bộ. Tháng 3/1951, tại Đại hội lần thứ hai của Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh vinh dự được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Cuối năm 1954, đồng chí làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng.
Thay mặt cho lãnh đạo Huyện ủy Nghi Lộc, đồng chí Phạm Hồng Quang, Bí thư Huyện ủy cho biết: Làng Cổ Đan, Phúc Thọ- vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng, nơi đây đã từng sản sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử như: Cương Quốc công Nguyễn Xí, chí sỹ yêu nước Phan Hoàng Thái (triều Tự Đức), nhà giáo trứ danh Nguyễn Thức Tự…; đồng thời là quê hương của các vị cách mạng tiền bối Trương Vân Lĩnh, Đặng Thái Thuyến, Trần Văn Cung, Nguyễn Thức Mẫn, Hoàng Văn Tâm… Được chứng kiến nỗi đau mất nước của kiếp người nô lệ, mất độc lập tự do, Nguyễn Duy Trinh sớm tự giác rèn luyện ý chí, phát huy tốt truyền thống tốt đẹp của quê hương, sống thủy chung, yêu quý nhân dân, giản dị khiêm nhường. Đồng chí xứng đáng là người con ưu tú của quê hương, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo. |
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: Hội thảo hôm nay góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm về cuộc đời, tôn vinh những cống hiến của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. |
Nhà ngoại giao xuất sắc
Nhóm thảo luận thứ 2 tại Hội thảo đã đề cập đến chặng đường 15 năm với cương vị Tổng tư lệnh ngành Ngoại giao của đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Đó là thời điểm tháng 8/1955, ông được bầu vào Ban Bí thư Trung ương; rồi làm Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1958, đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, được Ban chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, sau đó kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1963-1964).
Tháng 4/1965, đồng chí là Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 12/1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến năm 1980. Năm 1982, tại Đại hội lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được phân công Thường trực Ban nghiên cứu chiến lược kinh tế- xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ. Trong những năm chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào cộng sản và công nhân Quốc tế gặp nhiều khó khăn. Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã tham gia nhiều hội nghị của Bộ Chính trị, của Trung ương và Chính phủ để xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, phù hợp với tình hình, nhằm đoàn kết, tập hợp lực lượng quốc tế hiểu đúng Việt Nam, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ.
Để thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, vận động bằng nhiều hình thức để tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng như sự ủng hộ của các nước thế giới thứ ba, các lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới, hàng loạt phái đoàn ngoại giao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ … đã được cử ra nước ngoài để thực thi sứ mệnh vô cùng quan trọng đó. Ngoài các đoàn của nguyên thủ quốc gia, với cương vị là Bộ trưởng Bộ ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ nhiều nước và các tổ chức tiến bộ trên thế giới. Qua đàm phán, nhiều nguồn viện trợ đã được ký kết, nhiều tổ chức đoàn kết với Việt Nam được thành lập để ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam.
Đó không chỉ là thắng lợi về chính trị ngoại giao mà cả về kinh tế, quốc phòng, đảm bảo nguồn lực cũng như hậu thuẫn rất cần thiết cho cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta, theo phương châm càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, để vững tin đi đến thắng lợi cuối cùng. Những đóng góp của ông đã để lại nhiều dấu ấn trên trường quốc tế về một nhà ngoại giao sâu sắc vì mục tiêu cao cả là hòa bình và lợi ích chính đáng của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam. Nhận xét về nhà ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói “Anh Nguyễn Duy Trinh là một đồng chí lãnh đạo có tác phong khiêm tốn, đoàn kết, điềm tĩnh, cụ thể, tỉ mỉ, một phong cách làm việc nghiêm túc, nói đi đôi với làm, coi trọng gắn lý luận với thực tiễn”.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Bình Minh- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh “Tiếp nối tinh thần yêu nước và truyền thống vẻ vang của quê hương, đồng chí đã sớm giác ngộ và trở thành chiến sỹ cộng sản đầy gan góc. Gần 30 năm trên cương vị lãnh đạo nhiều lĩnh vực, đặc biệt 15 năm, với trọng trách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã đem hết tâm và lực cống hiến cho cách mạng”. Trên lĩnh vực đối ngoại, “chúng ta rất đỗi tự hào khi tưởng nhớ và noi theo tấm gương “vị tư lệnh ngành” xuất sắc trên mặt trận ngoại giao”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nói.
Ngày 20/4/1985, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã từ trần tại Hà Nội, thọ 76 tuổi. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Với tuổi đời 76 và 57 tuổi Đảng, trên nhiều cương vị khác nhau, nhiều lĩnh vực, qua các thời kỳ lịch sử, đồng chí đã để lại tấm gương sáng ngời về nhân cách, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản chân chính, kiên trung với Đảng, với nhân dân. Với những thành tích xuất sắc đó, đồng chí đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng – Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định: Những tham luận gửi về Hội thảo hôm nay đã phản ánh toàn diện trên các lĩnh vực, gắn với cuộc đời, sự nghiệp, cương vị công tác, đóng góp, cống hiến của đồng chí. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bổ sung, biên tập, chuẩn hóa để kỷ yếu của Hội thảo thực sự chất lượng, làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của đồng chí Nguyễn Duy Trinh- học trò xuất sắc của Bác Hồ…”
Bên lề Hội thảo |
Hội thảo thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam” hôm nay một lần nữa làm sâu sắc hơn những đóng góp của ông. Cuộc hội thảo hôm nay vừa có ý nghĩa tưởng niệm, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước. Ông thực sự là tấm gương sáng ngời để các thế hệ học tập noi theo.
Trong khuôn khổ Hội thảo, đã diễn ra trưng bày hình ảnh chuyên đề “Một số hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh”. Trước đó, chiều ngày 14/7 đoàn đại biểu Ban tổ chức Hội thảo đã về dâng hoa, dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại nhà lưu niệm đồng chí ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc.
.