(Congannghean.vn)-Nhà giáo không chỉ đơn thuần là người truyền dạy kiến thức, kỹ năng mà còn là người góp phần nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn và hình thành nhân cách cho học sinh. Do đó, những năm gần đây, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn là 1 trong những vấn đề được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm.
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, việc nâng cao năng lực hoạt động giáo dục toàn diện cho cán bộ quản lý, giáo viên cần được chú trọng hơn nữa (Trong ảnh: Giờ học của thầy và trò Trường Tiểu học Kim Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương) |
Năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh nội dung của Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2018 - 2030, trình Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, để chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018, về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Trong đó, yêu cầu các cơ sở GD&ĐT phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện, phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra; tăng cường thanh, kiểm tra nề nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm…
Không phủ nhận đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã phát triển nhanh về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao; trong đó, đa số có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, hết lòng vì học trò. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã xảy ra tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành học đường mà người thực hiện hành vi bạo lực là thầy, cô giáo và nạn nhân là các em học sinh - đối tượng lẽ ra cần được giáo dục và yêu thương để hoàn thiện nhân cách làm người.
Mấy ngày qua, dư luận vô cùng bất bình, phẫn nộ và đau xót trước vụ việc 1 học sinh lớp 6 ở Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phải nhập viện vì bị cô giáo phạt, phải nhận 230 cái tát của bạn và 1 cái tát của chính cô. Lời giải thích của cô giáo cho thấy áp lực thành tích là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc phản giáo dục, đầy tính bạo lực. Bức xúc hơn, khi sự việc đau lòng xảy ra, thay vì nghiêm khắc kỷ luật cô giáo này, cả ban giám hiệu và chính quyền địa phương lại chỉ lo nài nỉ gia đình và báo chí “bỏ qua, không làm lớn chuyện vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của địa phương, vì trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2”!
Trước đây, đã từng có nhiều vụ giáo viên xử phạt học sinh theo kiểu bạo lực như trên phải nhận kỷ luật, có người bị đuổi ra khỏi ngành. Ngày 26/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án “Hành hạ người khác” xảy ra tại Trường THCS Duy Ninh để điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh trong cuộc đời cậu học trò bị cô giáo và bạn bè trừng phạt liệu có dễ phôi phai?
Thực tế cho thấy, bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh hay phụ huynh với thầy, cô giáo mà còn xảy ra việc học sinh bị bạo hành bởi chính giáo viên của mình. Để trường học trở về đúng nghĩa - là môi trường nhân văn nhất, thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần đưa ra các quy định, giải pháp để siết chặt hơn nữa vấn đề an ninh trong trường học, nhất là giáo viên tuyệt đối không được sử dụng bạo lực với học sinh. Thay vì đòn roi hay xử lý gay gắt, răn đe dọa nạt, thầy cô nên dành thời gian tâm sự, khuyên bảo để thấu hiểu, từ đó dễ dàng uốn nắn học sinh và được các em cũng như phụ huynh nể phục hơn.
.