(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nó không những là giải pháp hữu hiệu trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, mà thông qua đó còn góp phần bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương.
Chúng tôi đến với Hang Bua, huyện Quỳ Châu vào mùa lễ hội đầu Xuân để cảm nhận không khí tưng bừng nơi đây. Bên cạnh phần lễ diễn ra trang trọng, linh thiêng, phần hội thu hút du khách thập phương bởi những trò chơi dân gian hay các cuộc thi như thêu dệt, xe sợi, thi đan lát, thi cuốn hương trầm… Chính các hoạt động tại lễ hội là một trong những nét mới nhằm quảng bá, giới thiệu với du khách về nghề truyền thống của huyện nhà.
Về với Quỳ Châu, du khách không chỉ được tìm hiểu về thổ cẩm, dệt truyền thống mà còn được tham quan làng nghề sản xuất hương trầm nổi tiếng. Tuy nhiên, việc gắn các nghề thủ công truyền thống vào các địa điểm du lịch sẽ có sức lan tỏa, gây được sự chú ý đối với du khách thập phương.
Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu thu hút khách du lịch |
Có thể thấy, phát triển làng nghề gắn với du lịch đang là xu hướng của nhiều địa phương. Mỗi làng nghề chính là nơi lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật. Do đó, hoạt động du lịch làng nghề sẽ thu hút được rất nhiều du khách tham quan, tìm hiểu về các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội.
Tại Nghệ An, năm 2018, UBND tỉnh đã có Quyết định về việc phê duyệt đề án phát triển làng nghề và làng có nghề trên địa bàn miền Tây Nghệ An đến năm 2020. Trong đó, đề cập đến việc quan tâm bảo tồn một số làng nghề gắn với phát triển dịch vụ du lịch, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Theo đó, phát triển làng nghề gắn với tuyến du lịch lễ hội Hang Bua, Thẩm Om kết hợp với nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái ở bản Hoa Tiến, bản Thêm; làng nghề sản xuất hương trầm ở 2 xã Châu Bình, Châu Hội, huyện Quỳ Châu; phát triển làng nghề gắn với điểm du lịch thác Sao Va, huyện Quế Phong gắn với phát triển làng dệt thổ cẩm, làng nghề mây trẻ đan; phát triển làng nghề gắn với du lịch vườn Quốc gia Pù Mát kết hợp với phát triển làng nghề dệt thổ cẩm ở các xã Môn Sơn, Bồng Khê, Yên Khê, huyện Con Cuông…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng, phát triển còn manh mún, chưa xứng tầm với những lợi thế sẵn có. 1 yếu tố tác động đến tâm lý của du khách là tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề hiện nay. Ngoài ra, các sản phẩm làng nghề truyền thống dùng làm quà lưu niệm phục vụ du lịch còn khan hiếm, chưa có sự đầu tư về hình thức, mẫu mã để thu hút du khách. Mặt khác, việc kết nối giữa các làng nghề truyền thống với các công ty, đơn vị lữ hành còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu làng nghề cũng chưa thật sự hiệu quả.
Thiết nghĩ, khách du lịch đến với các làng nghề truyền thống bởi sự tò mò, thích thú. Chính vì vậy, để làng nghề phát triển theo hướng gắn kết với du lịch, cần nâng cao ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, gắn các sản phẩm của làng nghề với các điểm du lịch, hỗ trợ các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm, xây dựng các tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá, thâm nhập cuộc sống cộng đồng tại làng nghề; kết hợp tổ chức trình diễn nghề, giới thiệu sản phẩm làng nghề vào các lễ hội du lịch hoạt động văn hóa cộng đồng; lồng ghép quảng bá sản phẩm vào các chương trình xúc tiến du lịch; vinh danh các nghệ nhân lao động giỏi...
Bên cạnh đó, chú trọng công tác vệ sinh môi trường ở các làng nghề, nâng cao vai trò của các tổ chức hội, hiệp hội, chính quyền cấp xã, thôn và doanh nghiệp trong các làng nghề trong việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu làng nghề tới khách hàng trong và ngoài nước để phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống không những mang lại thu nhập cho người dân mà còn gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.