Với những viên ma tuý nhỏ bé trong môi trường hàng nghìn người, việc kiểm soát là hết sức khó khăn. Do đó, phòng ngừa, giáo dục là một biện pháp quan trọng, cần tiến hành thường xuyên, lâu dài.
Tối 16/9, tại Công viên nước Hồ Tây (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) một lễ hội âm nhạc điện tử mang tên "Du hành tới mặt trăng" đã được tổ chức hoành tráng với hàng nghìn người tham dự. Tuy nhiên, khoảng 2 giờ sau khi lễ hội bắt đầu, một số người có biểu hiện sốc thuốc đã bất tỉnh tại khu vực phía dưới khán đài. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã được huy động để đưa nạn nhân đi cấp cứu. 7 người trong số đó đã chết do liên quan việc sử dụng chất ma túy.
Lễ hội âm nhạc điện tử tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội |
Tháng 5/2017, một nam thanh niên sinh năm 1990, tham gia sự kiện âm nhạc tại Sân vận động Mỹ Ðình do sử dụng chất ma túy trong lúc nghe nhạc đã bị sốc thuốc và chết trước khi đến bệnh viện cấp cứu.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, âm nhạc và lối sống của giới trẻ có mối liên quan nhất định. Khi thanh niên tham gia lễ hội âm nhạc trong bối cảnh âm thanh nặng, ánh sáng sẽ dễ làm họ phấn khích, dẹp cuộc sống thực tại qua một bên. Điều này khiến giới trẻ khó kiểm soát hành vi, đặc biệt là khi đi cùng với một nhóm.
Theo ThS.Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, có trường hợp thanh niên không sử dụng ma túy, nhưng những người bạn xung quanh sử dụng đưa cho thì rất khó kiểm soát hành vi của mình.
Hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chất kích thích, ma túy. Đó là do gia đình nuông chiều, do các bạn chán nản, bi quan trong cuộc sống hoặc do bị nhóm bạn kích động, lôi kéo.
Lứa tuổi thanh niên là giai đoạn khá biến động từ tâm sinh lý đến việc hình thành nhân cách. Trong giai đoạn này, mối quan hệ tương tác giữa bạn bè, môi trường sống nhiều hơn gia đình, vượt ra ngoài mối quan hệ của gia đình. Vì vậy, sự gắn kết với gia đình, đặc biệt là bố mẹ ít hơn so với bạn bè.
Ở độ tuổi này, cần có sự định hướng, tạo môi trường sống tích cực cho thanh niên, giới trẻ. Khi giới trẻ bước vào môi trường sống lành mạnh, tích cực, hay có giá trị được định hướng tốt thì sẽ có những hành vi tốt. Ngược lại, môi trường sống chưa tốt, không an toàn thì rất dễ bồng bột, nông nổi, dễ có những sa ngã, dẫn đến những hành vi lệch chuẩn đạo đức. Do đó, phải tăng cường sự hiểu biết, tăng sự đối thoại của cha mẹ với con cái.
Đại tá Tạ Đức Ninh, nguyên Trưởng phòng thường trực phòng, chống ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua, lĩnh vực phòng chống ma tuý đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền. Chúng ta đặt ra mục tiêu xã hội văn minh, lành mạnh không ma tuý nhưng các biện pháp hướng đến mục tiêu đó đòi hỏi một sự nỗ lực hơn nữa.
Trong vụ việc vừa qua tại lễ hội âm nhạc, sẽ rất khó có đội ngũ, con người hay phương tiện nào có thể kiểm soát hoàn toàn ma tuý. Do đó, giáo dục, phòng ngừa là biện pháp quan trọng.
Theo Đại tá Ninh, bên cạnh việc sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện, kiểm soát an ninh ra vào cửa, nếu chính quyền các cấp, nhà cấp phép, ban tổ chức chú trọng khuyến cáo khán giả về việc nghiêm cấm mang chất kích thích, ma túy để sử dụng; các bậc cha mẹ giáo dục, nhắc nhở con mình khi cho chúng tiền mua vé thì có thể đã không xảy ra sự việc đau lòng như vậy.
Đây cũng là lời cảnh báo về lối sống của một bộ phận giới trẻ ngày nay chạy theo xu hướng sống xa hoa, truỵ lạc, không có sự quản lý, thiếu hiểu biết và xem thường pháp luật.
Đại tá Tạ Đức Ninh cho rằng, công tác giáo dục, tuyên truyền cần được quan tâm hơn nữa, phải được xác định là công việc thường xuyên lâu dài, liên tục của các ban ngành, đoàn thể, gia đình và các cơ quan báo chí chứ không phải khi để xảy ra sự việc mới vào cuộc như hiện nay.
.