(Congannghean.vn)-Nghề dệt, thêu thủ công là nét đẹp truyền thống, là bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc. Gìn giữ và bảo tồn được nghề dệt truyền thống chính là gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền từ ngàn đời.
Triển lãm chuyên đề “Tinh hoa nghề dệt, thêu truyền thống” thu hút nhiều người tham dự |
Ở Nghệ An, nghề dệt thủ công ra đời từ rất sớm, được lưu truyền từ đời này sang đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Các huyện như Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương được xem là cái nôi về nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi, dệt vải. Trong dân gian đã có nhiều câu ca dao ghi lại niềm tự hào của nhân dân đối với vùng quê có nghề dệt vải phát triển. Đã có không ít những tấm gương sáng về người phụ nữ xứ Nghệ cả đời tần tảo bên khung cửi để nuôi chồng, con ăn học thành tài.
Nhắc đến nghề dệt, thêu phải nhắc đến dệt thổ cẩm. Đây được xem là nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân tộc Thái. Nét văn hóa truyền thống ấy đã ngấm sâu vào máu thịt của người phụ nữ Thái từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi về với “mường trời”.
Theo thời gian, nghề được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dệt thổ cẩm trở thành tiêu chí đánh giá “công, dung, ngôn, hạnh” về người phụ nữ Thái và được xem là món quà hồi môn của người con gái khi về nhà chồng; đồng thời thể hiện tấm lòng, sự tôn kính của người con dâu đối với cha mẹ chồng. Trên mỗi sản phẩm thổ cẩm dệt, thêu thủ công thấm đượm tình yêu quê hương, tình yêu lao động, nềm đam mê nghệ thuật, sự sáng tạo miệt mài của người phụ nữ Thái. Để có được 1 sản phẩm đẹp, người con gái Thái phải trải qua quá trình lao động, sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm lâu dài... Mỗi đề tài trang trí, mỗi gam màu, đường chỉ thêu thể hiện tâm tư, tình cảm và nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái.
Có thể thấy, nghề dệt, thêu thủ công là nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa cần phải được gìn giữ, bảo tồn. Tuy nhiên, hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường cùng với quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ đã khiến cho nhiều làng nghề, trong đó có dệt, thêu truyền thống bị mai một dần hoặc hoạt động cầm chừng.
Để bảo tồn, phát triển nghề dệt, thêu thủ công truyền thống, tỉnh Nghệ An đã có Nghị quyết số 06 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2020. Đến nay, các làng nghề trong tỉnh đã có sự chuyển biến nhất định, không chỉ lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn tạo công ăn việc làm, tăng giá trị sản xuất, thu nhập cho người lao động.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, ý thức về việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống ngày càng được nâng cao trong cộng đồng các dân tộc. Nghệ An cùng với cả nước từng bước khôi phục và phát triển các làng nghề, mở ra cơ hội để đưa các sản phẩm dệt, thêu truyền thống đến gần hơn với thế giới thông qua việc xây dựng thương hiệu các làng nghề, thành lập các hợp tác xã để chị em học nghề và tạo ra các sản phẩm.
Tỉnh chú trọng khuyến khích gắn phát triển làng nghề với du lịch, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy làng nghề một cách bền vững; khuyến khích người dân sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống; tập trung nâng cao tay nghề cho người lao động, tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí, tìm kiếm thị trường, đầu ra thông qua các hội chợ, lễ hội du lịch để quảng bá.
Vừa qua, với chuyên đề “Tinh hoa nghề dệt thêu truyền thống ở Nghệ An”, Bảo tàng Nghệ An đã tổ chức triển lãm trưng bày hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật theo 3 chủ đề. Ngoài việc trưng bày các hiện vật cổ, buổi triển lãm còn đưa nghề dệt thủ công truyền thống và nghệ nhân tới gần hơn cộng đồng những người quan tâm bằng việc trải nghiệm dệt, thêu của người dân tộc Thái và trò chuyện với các nghệ nhân. Triển lãm mở cửa đến tháng 12/2018.
Chuyên đề trưng bày không chỉ tôn vinh nghề dệt, thêu truyền thống mà còn là thông điệp tuyên truyền, kêu gọi nhân dân có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về di sản văn hóa và có trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy trong đời sống cộng đồng.