Đó là đề xuất của nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục nhằm nâng cao vai trò, vị thế của nhà giáo, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ và người thầy là nhân tố trung tâm thực hiện đổi mới. Đặc biệt, đề xuất này sẽ được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội trong năm 2018.
|
Việc có một luật riêng phù hợp với đặc thù nhà giáo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra trong đổi mới giáo dục. |
Vai trò lớn nhưng thu nhập và vị thế thấp
TS Trần Trung Ninh, Đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả của nhiều công trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho biết: Đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tiền lương thấp, không đủ đảm bảo đời sống đã hạ thấp vị thế nghề dạy học và vị thế của nhà giáo.
Cũng theo TS Trần Trung Ninh, đề tài nghiên cứu “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm đã khảo sát thu nhập của giáo viên qua bảng lương cho thấy, thu nhập bình quân từ lương và các khoản phụ cấp theo lương của giáo viên trong khoảng từ 3-3,5 triệu đồng/tháng.
Tính theo năm công tác thì lương giáo viên sau 13 năm từ 3-3,5 triệu đồng/tháng; sau 25 năm từ 4,1-4,7 triệu đồng/tháng. Giáo viên mới ra trường ở cả 3 cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Thu nhâp từ lương và phụ cấp theo lương của giáo viên phổ thông không đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản về đời sống của bản thân và gia đình họ, nhất là ở các vùng đô thị. Khoảng trên 40% không muốn làm nghề sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề vì lương quá thấp.
Việc có một luật riêng phù hợp với đặc thù nhà giáo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra trong đổi mới giáo dục.
Từ kết quả nghiên cứu trên, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: Vai trò của người thầy là căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục nhưng cho đến nay, vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, khiến cho tất cả mong muốn đổi mới giáo dục đều không thực hiện được đến nơi đến chốn. Trong lần đổi mới căn bản và toàn diện này, vấn đề lương giáo viên nếu không được giải quyết thỏa đáng thì dù chương trình và SGK có hiện đại, ưu việt như của Phần Lan cũng sẽ rất khó thành công.
TS Lê Thống Nhất, người sáng lập hệ thống giáo dục Bigchool cũng nêu quan điểm: Nghề chính của giáo viên là dạy học nhưng hiện nay do việc dạy thêm bị ngăn cản nên giáo viên phải làm thêm bằng nhiều nghề khác. Môi trường làm việc của giáo viên cũng đang gặp rất nhiều áp lực từ việc dân chủ trong nhà trường đang hạn chế. Quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh nhiều nơi không tốt, dẫn đến những xung đột của phụ huynh với giáo viên, cộng với kiểu truyền thông “con sâu làm rầu nồi canh” làm cho tinh thần yêu nghề của một số giáo viên bị giảm sút.
Từ những bất cập trên, TS Lê Thống Nhất đề xuất: Cần có giải pháp giải quyết những tác động không tốt từ chính sách, xã hội và môi trường cho giáo viên. Hãy coi nghề giáo là một nghề đặc thù để xây dựng Luật Nhà giáo, tách nhà giáo ra khỏi viên chức trên tinh thần xây dựng hình ảnh nhà giáo chân chính, xứng đáng với tinh thần “tôn sự trọng đạo”.
Sẽ xây dựng luật riêng phù hợp với đặc thù của nhà giáo
Trao đổi với phóng viên về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, tách nhà giáo ra khỏi luật viên chức hiện hành, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết:
“Trước đây Luật Nhà giáo đã đưa vào Nghị quyết 27 của Quốc hội từ năm 2008, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng chỉ cần Luật Viên chức là đủ. Đến giờ đã bộc lộ hạn chế nên chúng tôi đang kiến nghị xây dựng Luật Nhà giáo trong chương trình xây dựng Luật năm 2018 và đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội”.
Cũng theo bà Ngô Thị Minh, đến giai đoạn này, sự bất cập được thể hiện khi giáo viên là viên chức, nằm trong biên chế Nhà nước thì ngân sách Nhà nước không đảm bảo được chi. Giáo viên hoạt động theo Luật Viên chức thì việc sử dụng như hiện nay sẽ còn nhiều bất cập như xét bậc lương, các chế độ chính sách, các chế độ giáo viên như viên chức... Quan trọng hơn, khi có Luật Nhà giáo thì những đặc thù nghề nghiệp sẽ được tính hết và nhà giáo sẽ được hưởng đãi ngộ xứng đáng với những gì mình cống hiến.
Còn như hiện nay, nhà giáo vẫn chưa được hưởng các phụ cấp tương xứng với những gì đã đóng góp. Ngoài ra, Luật Nhà giáo cũng sẽ hạn chế được những bất cập hiện nay của giáo dục như vấn đề tuyển dụng, cân nhắc, đãi ngộ trong tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Khắc phục được tình trạng bố trí giáo viên bộ môn này đi dạy bộ môn kia. Điều chuyển giáo viên từ dạy các cấp học xuống dạy mầm non.
Tuy vậy, bà Minh cũng cho rằng, điều quan trọng khi xây dựng Luật Nhà giáo là phải tương thích với Luật Giáo dục vì đây là luật gốc. “Có rất nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến sửa đổi Luật Giáo dục và phải trình vào kỳ họp Quốc hội tháng 5-2018. Trong Luật Giáo dục có một chương về nhà giáo. Trong chương Nhà giáo sắp tới chúng ta sẽ sửa như thế nào? Nếu chương Nhà giáo có quy định thật mở, có nguyên tắc bao quát được hết thì tới đây thể hiện trong Luật Giáo viên hay Luật Nhà giáo mới có thể đồng bộ được”, bà Minh nhấn mạnh.
.
.