Kỳ 1: Những lá thư tình nơi chiến trận
(Congannghean.vn)-Chiến tranh không chỉ có đau thương, mất mát mà còn dệt nên những câu chuyện, những tình cảm thiêng liêng về tình đồng chí, đồng đội, về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật thì vẫn vẹn nguyên, lưu giữ biết bao nhiêu câu chuyện của người lính nơi chiến trận. Đó đơn giản chỉ là những những lá thư viết vội nơi chiến trường nhưng lại là tài sản vô giá mà người lính để lại cho gia đình. Những lá thư của liệt sỹ Phan Huy Chương (quê ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) gửi về cho vợ là một trong những kỷ vật như thế.
Kỳ 2: Sống mãi với thời gian
Con gái liệt sỹ Phan Huy Chương trao tặng lá thư cho Bảo tàng Quân khu 4 |
Từ cuốn hồi ký của con gái…
Đằng đẵng tròn 50 năm kể từ ngày liệt sỹ Phan Huy Chương hy sinh, bà Phan Thị Bé vẫn giữ trọn một niềm tin rằng, ông vẫn còn sống và luôn dõi theo cuộc sống hàng ngày của vợ con. Niềm tin ấy đã giúp bà vượt qua những thăng trầm, khó khăn của cuộc sống để giờ đây, dù đã ngoài 80 tuổi, con cái trưởng thành, bà vẫn nhắc về ông, nhắc về kỷ niệm của ông bà những ngày đầu gặp nhau, tất cả như vừa mới ngày hôm qua. Chính cô con gái út Phan Thị Bích Ngọc của liệt sỹ Phan Huy Chương, người đã viết cuốn hồi ký về ba và hành trình đi tìm mộ ba đã ví mẹ mình sống kiên cường như một cây hoa xương rồng. Cuốn hồi ký được chị ghi lại cách đây hơn 10 năm khi gia đình bắt đầu hành trình đi tìm mộ của liệt sỹ Phan Huy Chương.
Liệt sỹ Phan Huy Chương và vợ có 3 người con gái, ngày ông hy sinh, cô con gái út Phan Thị Bích Ngọc vừa mới tròn 4 tuổi. Chị chỉ hình dung về ba qua những câu chuyện của mẹ và những lá thư vương mùi bom đạn ba gửi từ chiến trường. Sự hy sinh của ba đã để lại cho chị bài học ban đầu về Tổ quốc, thân thể ba đã hòa vào từng nắm đất, từng ngọn cỏ của nước bạn Lào để tình hữu nghị Việt - Lào mãi mãi xanh tươi.
Vì điều kiện công việc nên chúng tôi không được gặp chị Phan Thị Bích Ngọc mà chỉ gặp vợ và 2 người con gái đầu của liệt sỹ Phan Huy Chương. Trong cuốn hồi ký này, chị Bích Ngọc dành phần lớn thời gian để viết về ba, mẹ và những lá thư ba gửi mẹ. Đó là tình cảm biết ơn, trân trọng và cảm phục đối với bậc sinh thành. Đó còn là nỗi nhớ thương cồn cào, khao khát được gặp và gọi tiếng ba; là những thiệt thòi, mất mát của cô con gái út khi sớm mất đi người ba yêu quý. Nhưng, vượt lên tất cả là sự cảm phục, niềm tự hào về người cha đã gác nỗi niềm, hạnh phúc riêng tư để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng.
Cuốn hồi ký còn là những câu chuyện, những lát cắt trong suốt hơn 10 năm gia đình lặn lội đi tìm hài cốt liệt sỹ. Những chuyến đi kéo dài từ nơi này đến nơi khác, vòng đi vòng lại cả chục nghìn cây số từ TP Vinh ra Hà Nội, vào miền Trung, Tây Nguyên và sang cả nước bạn Lào. Chị viết: “Giờ con đã đi quá nửa đời người, vẫn chỉ hình dung ra ba trong những giấc mơ không bao giờ có thật, trong di ảnh ba để lại và trong những câu chuyện mẹ kể về ba… Một hành trình dài dằng dặc, từ giọt lệ cạn khô của mẹ, đến chỗ ba nằm giờ vẫn chưa xác định được. Đó là góc khuất của chiến tranh không gì khỏa lấp được”...
... Đến tác phẩm “Sống mãi với thời gian”
Cuốn sách “Sống mãi với thời gian” của nhà văn Cù Tiến Tuất |
Tôi chỉ có thể gọi cuộc gặp gỡ giữa gia đình liệt sỹ Phan Huy Chương và nhà văn Cù Tiến Tuất là một cơ duyên. Bởi chỉ có cơ duyên mới dẫn dắt, kết nối một nhà văn quân đội, một người lính đã cầm súng chiến đấu đi qua chiến tranh gặp, thấu hiểu và chia sẻ với những nỗi đau của người mẹ, người vợ trong chiến tranh. Nhà văn Cù Tiến Tuất, cựu chiến binh Lữ đoàn anh hùng 575, Quân khu 5; hội viên Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc là một cây bút gạo cội với nhiều tác phẩm viết về chiến tranh. Là một người lính nên ông dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng đội, những phận người sau chiến tranh, nhất là đồng đội đã hy sinh trong 2 cuộc chiến. Với ông, đó là bổn phận của một người lính đối với đồng đội, vừa là trách nhiệm của những người đã sống, chiến đấu, đi qua chiến tranh đối với thế hệ mai sau.
Trong quá trình đi tìm tư liệu cho những tác phẩm của mình, ông may mắn được nghe câu chuyện về tình yêu của liệt sỹ Phan Huy Chương với người vợ qua những lá thư gửi về từ chiến trận và hành trình đi tìm mộ cha của 3 người con gái. Cảm động trước khí phách, sự hy sinh của liệt sỹ Phan Huy Chương, tình yêu sâu nặng ông dành cho vợ và nỗi day dứt chưa tìm được mộ cha, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã viết và xuất bản cuốn truyện ký “Sống mãi với thời gian” vào tháng 5/2017, vừa tròn 50 năm ngày liệt sỹ Phan Huy Chương hy sinh.
Cuốn sách được ghi theo lời kể của người con gái út Phan Thị Bích Ngọc. Với tư cách là người dẫn chuyện, tác giả đã dẫn dắt độc giả vào từng câu chuyện, từng giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến, những hy sinh của người vợ, người mẹ ở quê nhà hay lắng đọng trước những tình cảm nồng nàn, lãng mạn của người chồng dành cho người vợ và xúc động nghẹn ngào trước tình cảm, nỗi lòng của những cô con gái khi đi tìm mộ ba.
Những trang viết chân thực xúc động đến nghẹn ngào khi kể về mẹ: “Mẹ tôi người đàn bà nghèo khốn khó trước cách mạng tháng 8 năm 1945 phải đi ở đợ từ lúc còn rất nhỏ. Mẹ đau, nỗi đau không có thời gian con gái vì mẹ làm việc quần quật suốt ngày, cơm ăn hai thứ độn mà vẫn không được no. Mẹ như chiếc thuyền nan mỏng manh, phận đàn bà mười hai bến bước… Rồi mẹ lấy ba tôi là bộ đội, đồng nghĩa với việc xa chồng đằng đẵng, chịu sự hy sinh, mất mát khổ đau. Năm 1967 ba tôi hy sinh, mẹ tôi mới bước sang tuổi 30. Mẹ đứng dậy thờ chồng nuôi 3 chị em tôi ăn học trưởng thành trong hoàn cảnh thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ, chiến tranh bom đạn, ác liệt… Mẹ tôi sống như cây hoa xương rồng mọc trên cát bỏng, bình thản đợi hồi sinh…”.
Đó còn là tình yêu, niềm kính trọng, cảm phục, tự hào về người ba dũng cảm nơi chiến tuyến nhưng lại dành tình yêu thương vô bờ bến cho vợ con: “Những bức thư của ba đã góp phần không nhỏ hình thành nên tính cách tích cực của chị em chúng tôi khi sống thiếu ba… Những điều ba giải thích với mẹ cách đây hơn nửa thế kỷ giờ đọc lại thấy như ba vừa mới nói hôm qua. Tuy ba không còn nữa nhưng lời trong từng lá thư ba viết gửi về cho mẹ ngày ấy, như những bài học về kỹ năng sống cho chúng tôi quy chiếu vào đó như một nguyên tắc sống chuẩn mực…”.
Nhà văn Cù Tiến Tuất tâm sự: Qua cuốn sách này, ông mong muốn bạn đọc sẽ hiểu hơn về cuộc sống, tình cảm và sự hy sinh vô bờ bến của nhiều thế hệ người lính cầm súng ngoài mặt trận và sự hy sinh thầm lặng của những người ở hậu phương cho sự nghiệp thống nhất đất nước… Điều mong muốn lớn nhất của tác giả đó chính là các tổ chức chính trị, xã hội sẽ chung sức tìm kiếm phần mộ các liệt sỹ để những thân nhân, gia đình liệt sỹ không còn phải mòn mỏi đợi chờ.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn âm ỉ, nhức buốt. Ở ngoài kia, không chỉ riêng gia đình liệt sỹ Phan Huy Chương mà còn rất nhiều người mẹ, người vợ vẫn khắc khoải chờ đợi, mong ngóng tin chồng con... Những tình cảm, nghĩa cử, sự quan tâm của xã hội, của đồng đội như nhà văn Cù Tiến Tuất sẽ phần nào xoa dịu những nỗi đau của gia đình thân nhân liệt sỹ, cũng là cách để những liệt sỹ như Phan Huy Chương sống mãi không chỉ trong lòng gia đình, người thân mà cả trong lòng thế hệ mai sau như một huyền thoại về lòng quả cảm...
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ, vừa qua, gia đình liệt sỹ Phan Huy Chương đã trao tặng một số lá thư của liệt sỹ cho Bảo tàng Quân khu 4. Đại tá Nguyễn Công Thành, Giám đốc Bảo tàng cho biết, Bảo tàng sẽ sớm trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền về những lá thư này để giúp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu, trân trọng tình yêu, sự mất mát, hy sinh của người lính và hậu phương trong chiến tranh. |