Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201707/ghi-lai-tu-mot-chuyen-di-749921/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201707/ghi-lai-tu-mot-chuyen-di-749921/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ghi lại từ một chuyến đi - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 30/07/2017, 08:51 [GMT+7]

Ghi lại từ một chuyến đi

(Congannghean.vn)-70 năm trôi qua, mỗi khi tháng 7 về, người dân cả nước lại xúc động kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ để tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường, quyết giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hòa chung không khí đó, sáng 27/7/2017, cấp ủy, lãnh đạo và CBCS Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức thăm, tặng quà mẹ liệt sỹ và các gia đình thương binh, liệt sỹ.

CBCS Phòng Cảnh sát Hình sự thăm, tặng quà mẹ của liệt sỹ Nguyễn Quang Cảnh
CBCS Phòng Cảnh sát Hình sự thăm, tặng quà mẹ của liệt sỹ Nguyễn Quang Cảnh

Theo đó, Đoàn đã đến thăm thân nhân liệt sỹ Công an Nguyễn Công Thiết, nguyên Phó trưởng Công an huyện Đô Lương. Trong căn nhà nhỏ ở xóm 1, xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, bà Thái Thị Hồ, vợ liệt sỹ Nguyễn Công Thiết bồi hồi kể lại: Năm 1987, liên tiếp xảy ra các vụ trộm tài sản tại các kho ngoại thương của huyện. Đồng chí Thiết lúc đó là Phó Trưởng Công an huyện đã tiến hành điều tra, phát hiện một nhóm đối tượng ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa là thủ phạm gây ra các vụ trộm trên. Đêm 9/11/1987 (âm lịch), phát hiện các đối tượng khóa cửa ngoài, nhốt bảo vệ kho ngoại thương vào phòng để trộm cắp tài sản, đồng chí Thiết cùng đồng đội tiến hành vây bắt thì bị các đối tượng dùng súng quân dụng chống trả, buộc lực lượng Công an huyện phải nổ súng để trấn áp. Trong quá trình chiến đấu với tội phạm, đồng chí Thiết bị trúng đạn và anh dũng hy sinh. Tuy các đối tượng gây án sau đó đã bị bắt nhưng sự hy sinh của đồng chí là nỗi đau xót không chỉ cho gia đình mà còn là sự tổn thất nặng nề đối với lực lượng Công an Nghệ An tại thời điểm đó.

Rời căn nhà của liệt sỹ Nguyễn Công Thiết, mỗi người lính hình sự mang trong lòng những tâm tư, tình cảm khác nhau, nhưng tựu chung lại, các anh đều khắc ghi sự hy sinh anh dũng của đồng chí Thiết. Đồng chí sẽ mãi là tấm gương sáng đối với CBCS Phòng CSHS Công an tỉnh.

Tiếp đó, Phòng CSHS đã đến thăm mẹ Nguyễn Thị Tích (98 tuổi) ở xã Nghi Phú, TP Vinh, mẹ của liệt sỹ Nguyễn Quang Cảnh (hy sinh tại chiến trường C vào năm 1965). Tại đây, đơn vị đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã Nghi Phú thắp nén hương thơm tri ân liệt sỹ Cảnh và tặng quà cho mẹ Tích. “Mặc dù đã được con gái thông báo sẽ có đoàn đến thăm, nhưng khi gặp các anh, mẹ không cầm được nước mắt. Nhìn các anh thanh niên Công an, mẹ lại nhớ đến con trai, cứ ngỡ con của mẹ đã trở về…”, mẹ Tích xúc động chia sẻ.

Được biết, mẹ Tích có 5 người con, anh Cảnh là con trai duy nhất. Ngày anh lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường C (Lào), mẹ tiễn anh trong nỗi bịn rịn, không muốn xa rời. Năm 1965, khi nhận giấy báo tử của con trai, mẹ như chết lặng. Đằng đẵng 52 năm trôi qua, mẹ vẫn chờ đợi anh trong nước mắt… Lắng nghe chia sẻ của mẹ Tích, những người lính Hình sự vốn được coi là mạnh mẽ, cứng rắn đã không cầm được nước mắt. Các anh nguyện hứa với mẹ sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đấu tranh với các loại tội phạm để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, xứng đáng với sự hy sinh của mẹ và liệt sỹ Nguyễn Quang Cảnh.

Ngược Quốc lộ 46, Phòng CSHS đã đến thăm, tặng quà cho ông Giản Tư Xớn ( SN 1948, thương binh 1/4) ở xóm 4A, thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn). Bên ấm chè xanh còn nóng hổi, ông Tư Xớn bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó, tôi lên đường nhập ngũ và chi viện cho chiến trường Campuchia. Vào buổi chiều năm 1979, trước khi ra trận, người bạn cùng quê với tôi tên Hùng cứ đòi đội mũ cối. Không hiểu sao, hôm đó tôi bảo anh Hùng thay mũ cối bằng mũ đồng. Như định mệnh, trong trận chiến đó, anh Hùng bị hỏa lực địch bắn trúng đầu, may có chiếc mũ nên đã sống sót. Tôi trúng mảnh bom của địch, bị thương và mất 1 chân phải nằm lại nơi chiến trường. Lúc đó, tôi nghĩ mình không còn được trở về. Tuy nhiên, anh Hùng đã bò vào trận địa, dùng dây thừng buộc quanh người tôi rồi bò kéo tôi trong hơn 2 giờ đồng hồ mới đưa được về hậu phương chữa trị. Bây giờ, mỗi khi tháng 7 về, chúng tôi lại gặp gỡ, cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời hoa lửa…”.

Trong chuyến đi này, mỗi câu chuyện mà những người lính hình sự được nghe như những lời nhắc nhở đối với các anh, phải nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn, thách thức trong thời kỳ đổi mới để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

.

Như Phương - Quốc Việt

.