(Congannghean.vn)-Trước những ý kiến và lo lắng của phụ huynh về cuộc thi “Chinh phục vũ môn”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có chỉ đạo tạm dừng tổ chức cuộc thi và đề nghị rà soát lại cuộc thi này. Những lo lắng của phụ huynh là hoàn toàn có sơ sở khi học sinh được tiếp cận với game online ngay trong chính trường học.
Lo lắng vì học sinh được khuyến khích chơi game
Trong bức “tâm thư” của phụ huynh T.T.A. (ở Hà Nội) gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, phụ huynh này thắc mắc việc con anh được nhà trường "khuyến khích" chơi game “Chinh phục vũ môn” có yêu cầu nộp tiền bằng thẻ cào. Với việc mỗi người chơi được yêu cầu nạp thẻ cào mệnh giá từ 10.000 - 300.000 VNĐ tương ứng với số lần chơi hoặc "mua đồ trong game" nhất định. Phụ huynh này cũng bày tỏ nghi ngại về độ an toàn, “độ sạch” của trò chơi này, nhất là đối với học sinh tiểu học với thể chất, trí tuệ còn non nớt nhưng lại bị “cài đặt” game online vào trí não (game có chiến thuật, có tranh đua, có thu phí) sẽ gây ra nhiều tác hại. Với “tâm thư” này, anh A. mong muốn Bộ trưởng chỉ đạo, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh hoạt động tổ chức chơi game online của các trường học.
Học sinh hào hứng tham gia cuộc thi trong lễ phát động tại Trường THCS Đặng Thai Mai |
Trước phản ánh Bộ GD&ĐT khuyến khích đưa game online “Chinh phục vũ môn” vào nhà trường, lãnh đạo Bộ giải thích, “Chinh phục vũ môn” là để tìm hiểu kiến thức tổng hợp dành cho học sinh THCS với hình thức thi trực tuyến, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khởi xướng và chủ trì tổ chức. Từ hiệu quả của cuộc thi lần thứ nhất, theo đề xuất của Trung ương Đoàn, sau khi nghiên cứu, Bộ GD&ĐT đã thống nhất phối hợp với Trung ương Đoàn tiếp tục phát động, triển khai.
Cuộc thi được tổ chức với mục đích tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh, đồng thời giúp các em kỹ năng khai thác hiệu quả internet phục vụ học tập, giải trí và rèn luyện. Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận cuộc thi còn một số tồn tại, bất cập như thành phần tham gia chưa phù hợp; công tác tuyên truyền, tổ chức điều hành chưa tốt đã gây ra sự lo ngại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của học sinh. Hiện, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tạm dừng cuộc thi.
Nghệ An dẫn đầu cả nước về số lượng tham gia
Cuộc thi “Chinh phục vũ môn” đã khởi động sang mùa thứ 3, năm học 2016 - 2017, Hội đồng đội Trung ương phối hợp Bộ GD&ĐT, Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egame tổ chức phát động cuộc thi "Chinh phục vũ môn" toàn quốc lần thứ III tại Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh).
“Chinh phục vũ môn” là một trong những cuộc thi kiến thức trực tuyến dành riêng cho học sinh khối tiểu học và THCS trên quy mô toàn quốc. Sau 2 mùa tổ chức, cuộc thi đã thu hút gần 1 triệu học sinh đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia, với tổng số 15.763 giải thưởng cá nhân và tập thể. Trải qua 3 mùa thi, Nghệ An luôn là một trong những địa phương đứng top đầu về số lượng học sinh tham gia. Năm nay, trước thời điểm Bộ GD&ĐT có chỉ đạo tạm dừng cuộc thi, Nghệ An là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký tham gia nhiều thứ 2 toàn quốc chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh với hơn 88.600 em. Chỉ chưa đầy 4 tháng triển khai, tại Nghệ An đã có 52.806 thí sinh tham gia thi, dẫn đầu cả nước về số lượng. Kết quả này cho thấy học sinh Nghệ An hưởng ứng rất tích cực và hào hứng với cuộc thi.
Qua khảo sát tại các trường học trên địa bàn TP Vinh, khi được hỏi về cuộc thi này, phóng viên ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh và học sinh. Ông Hồ Sỹ Cường ở phường Trung Đô, có cháu học lớp 6B, Trường THCS Đặng Thai Mai cho biết: “Hôm phát động cuộc thi ở trường, tôi có tham gia và để cháu vào chơi thử. Qua theo dõi thì cuộc thi cũng bổ ích với nội dung câu hỏi phong phú. Tuy nhiên, gia đình tôi không cho cháu chơi vì cháu còn phải dành thời gian để học bài. Nếu cháu có nhiều thời gian hơn thì gia đình cũng không cấm cháu chơi”.
Trái ngược với vị phụ huynh này, chị Nguyễn Thị Hương không đồng tình với yêu cầu học sinh mua thẻ nạp. Khi mới nghe nói về cuộc thi, chị nghĩ giống với mấy cuộc thi IOE, giải Toán qua mạng nên đã cùng con chơi thử, tuy nhiên nó giống chơi game nhiều hơn, lượng kiến thức câu hỏi cũng khá đơn giản. Điều đáng nói là ngoài việc đăng nhập vào chơi thì để tham gia vào các ứng dụng cao hơn, học sinh phải mua thẻ nạp nên chị đã khuyên con không chơi nữa. Rất may con gái chị không hứng thú với cuộc thi này nên cũng không chơi nữa.
Nhà trường, phụ huynh bất bình vì thu phí
Trong phần mềm “Chinh phục vũ môn” được thiết kế có 3 phần chính: Chơi game, phần học tập trực tuyến và tham gia cuộc thi “Chinh phục vũ môn”. Thí sinh đăng nhập và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, trả lời càng nhanh, số câu hỏi càng ít đi và thí sinh nhanh chóng đặt chân tới cổng vũ môn. Cùng với cuộc thi kiến thức thì có thêm game “Chinh phục vũ môn” với các tính năng khác như phòng học, phòng nghiên cứu, cửa hàng mua sắm. Trong phần học trực tuyến, nhiều bài học thí sinh phải mua thẻ nạp. Người chơi muốn nâng cấp trang thiết bị thì phải mua thẻ nạp. Trong đó hệ thống thẻ VIP có mệnh giá từ 200.000 - 1.500.000 đồng.
Lý giải về thu phí trong trò chơi phát động dành cho đối tượng học sinh, phía nhà sản xuất cho rằng, việc thu phí là dễ hiểu vì đó là trang học trực tuyến. Còn sản phẩm game “Chinh phục vũ môn” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép và thẩm định nội dung. Anh Lê Văn Lương, Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học, Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: “Trên tinh thần chỉ đạo của Hội đồng đội Trung ương, Tỉnh đoàn Nghệ An, Hội đồng đội tỉnh đã căn cứ tình hình thực tế địa phương chỉ đạo triển khai tại các huyện. Kết quả, qua các tuần thi số lượng học sinh các trường học trên địa bàn tham gia rất đông. Tinh thần chỉ đạo của Tỉnh đoàn là tuyệt đối không tổ chức vận động, bắt buộc học sinh mua thẻ nạp dưới bất kỳ hình thức nào. Có thể thấy, trong thời đại này, việc cấm học sinh chơi game là điều không thể. Vì vậy, thay vì cấm đoán, phụ huynh hướng các em vào những trò chơi mang tính giáo dục, vừa học vừa chơi, tránh xa các game bạo lực cũng là điều cần thiết”.
Qua tìm hiểu, được biết trên địa bàn TP Vinh, đại diện nhà sản xuất cũng đã liên hệ với một số trường học để vận động học sinh mua thẻ để tham gia học trực tuyến. Cô Hà Lê Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh cho biết: “Cách đây không lâu, đại diện Công ty Egame đến đặt vấn đề mua thẻ học trực tuyến, nhà trường kiên quyết không đứng ra tổ chức nhưng vẫn để phía Công ty được giới thiệu, tuy nhiên, yêu cầu phụ huynh phải có mặt để tự đánh giá, cho ý kiến. Trường tạo điều kiện để học sinh học trực tuyến nhưng không bắt buộc. Trước bất kỳ một cuộc thi nào cũng có những cái hay và những cái chưa được. Nếu như học sinh biết lựa chọn, phân tích cái hay đó thì sẽ là sân chơi bổ ích, có lợi cho học sinh trong việc học tập. Tuy nhiên, với độ tuổi của học sinh tiểu học, THCS thì các em vẫn chưa biết lựa chọn, làm chủ bản thân mà thường hiếu kỳ, tò mò nên rất dễ sa đà vào game online”.
Rõ ràng những lo ngại, băn khoăn của phụ huynh là hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta không phủ nhận những ý nghĩa mà cuộc thi “Chinh phục vũ môn” mang lại, tuy nhiên, xét cho cùng dù là đơn vị sản xuất nào cũng tính đến quyền lợi và lợi nhuận của họ. Việc tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh là điều nên làm, nhưng một khi đã phát động và triển khai vào trường học nên chăng ngành Giáo dục cần loại bỏ, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp như mua thẻ, nạp tiền thì cuộc thi sẽ phát huy được giá trị và để phụ huynh hoàn toàn yên tâm.