(Congannghean.vn)-Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) có hiệu lực từ ngày 1/2/2016. Xung quanh việc ban hành Thông tư đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, Thông tư này ra đời xuất phát từ thực tế hiện nay, các trường ĐH, ngành đào tạo mở ồ ạt, tăng chỉ tiêu, quy mô đào tạo dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Do đó, về lâu dài, những quy định của Thông tư mới nhằm hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo, cân đối lại ngành nghề đào tạo và hạn chế tăng quy mô quá mức của một số ngành.
Trước đó, việc quy định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường với các tiêu chí về số giảng viên, giáo viên được thực hiện theo Thông tư 57/2011. Theo đó, chỉ tiêu được xác định chung cho toàn trường mà không phân chia theo khối ngành đào tạo; các trường chủ yếu dồn chỉ tiêu, tăng quy mô cho các ngành “hot”, dễ tuyển sinh. Sự gia tăng ồ ạt của một số ngành gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Vinh |
Thông tư 32 đã xác định chỉ tiêu tuyển sinh một cách cụ thể, chặt chẽ nhằm siết chặt quy mô tuyển sinh, cân đối lại ngành nghề. Trong đó, số sinh viên chính quy/giảng viên quy đổi theo khối ngành không vượt quá định mức từ 10 - 25 sinh viên/giảng viên, tùy theo khối ngành (quy định cũ tính chung 25 sinh viên/giảng viên).
Tiêu chí thứ hai là diện tích sàn xây dựng không thấp hơn 2,5 m2/sinh viên (quy định cũ là 2,2 m2). Thông tư mới cũng nêu rõ, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải đảm bảo quy mô tối đa của trường, không vượt quá 15.000 sinh viên ĐH chính quy (8.000 sinh viên đối với nhóm ngành sức khỏe và 5.000 sinh viên đối với nhóm ngành nghệ thuật).
Đặc biệt, Thông tư 32 quy định các cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo CĐ phải tiến tới dừng tuyển sinh hệ CĐ trước năm 2020. Như vậy, mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015. Cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.
Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định không quá 15% chỉ tiêu chính quy đối với khối ngành sức khỏe; không quá 20% chỉ tiêu chính quy đối với các khối ngành khác. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học; liên thông, văn bằng hai được xác định không quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên chính quy của cơ sở giáo dục ĐH.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Thông tư 32 có nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, xung quanh việc ban hành Thông tư này đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều trường đã bày tỏ sự lo ngại trước nguy cơ thừa giảng viên ở những ngành phải giảm chỉ tiêu. Tuy nhiên, phía Bộ GD&ĐT cho rằng, để tránh tác động đột ngột, các trường sẽ thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2020.
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 219 trường ĐH, trong đó 18 trường đang vượt mức trần quy mô 15.000 sinh viên ĐH chính quy. Trường Đại học Vinh nằm trong số 18 trường có quy mô tuyển sinh vượt quá 15.000 sinh viên so với quy định của Thông tư 32.
Thực hiện Thông tư 32, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Nghệ An đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều ngành đào tạo. Năm 2015, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Vinh là 5.150 cho 43 ngành học thì năm nay giảm xuống còn 4.850 và giảm 1 mã ngành. Các chỉ tiêu phân bổ cho từng mã ngành đã được cắt giảm.
Theo đó, các ngành sư phạm cũng giảm đáng kể, từ 900 chỉ tiêu năm 2015 xuống còn 810, các ngành kinh tế từ trên 1.000 chỉ tiêu xuống còn 750 chỉ tiêu. Đặc biệt là ngành Luật, một trong những ngành “hot”, trong năm 2015 xét tuyển hơn 1.000 chỉ tiêu thì nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh tất cả nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn chỉ còn 1.300.
Một số trường ĐH tuyển sinh hệ CĐ như Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Kinh tế Nghệ An năm nay cũng cắt giảm nhiều chỉ tiêu của bậc học này. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh giảm từ 900 chỉ tiêu CĐ năm 2015 xuống còn 300 năm 2016. Đại học Kinh tế Nghệ An cũng giảm còn 1.850 chỉ tiêu thay vì 1.950 chỉ tiêu năm 2015.
Trong đó, riêng hệ CĐ giảm đến 350 chỉ tiêu so với năm 2015. Kỳ thi THPT quốc gia 2016 đang tới gần, việc thực hiện nghiêm túc Thông tư 32 sẽ giúp các trường điều chỉnh, cân đối lại chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo ngành nghề, giảm quy mô, tăng chất lượng đào tạo. Đây cũng được đánh giá là giải pháp hữu hiệu trước tình trạng các trường ĐH, ngành học gia tăng ồ ạt như hiện nay.