Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201604/gio-to-hung-vuong-net-dep-truyen-thong-ve-nguon-672580/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201604/gio-to-hung-vuong-net-dep-truyen-thong-ve-nguon-672580/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giỗ Tổ Hùng Vương: Nét đẹp truyền thống về nguồn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 15/04/2016, 10:46 [GMT+7]

Giỗ Tổ Hùng Vương: Nét đẹp truyền thống về nguồn

(Congannghean.vn)-Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, vào dịp 10/3 âm lịch hàng năm, người dân khắp nơi trên cả nước lại hành hương về với đất Tổ (xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) để dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng.

Hướng về nguồn cội

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3” là câu ca dao mà người dân Việt Nam bao đời đều ghi nhớ. Đền Hùng từ hàng ngàn năm nay được xem là cội nguồn, là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Vào dịp giỗ Tổ, những người con đất Việt dù ở bất cứ nơi đâu đều thành tâm hành hương về nguồn cội.

Vào dịp 10/3 âm lịch, người dân trên cả nước hành hương về đất Tổ
Vào dịp 10/3 âm lịch, người dân trên cả nước hành hương về đất Tổ

Theo truyền thuyết, đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Phong Châu là đế đô của nước Văn Lang từ 40.000 năm trước, là đất Tổ của dân tộc Việt Nam. Các vua Hùng đã lựa chọn nhiều nơi nhưng cuối cùng mới tìm được thánh địa này để đóng đô.

Nơi đây ở phía trước có sông tụ hội, hai bên có núi chầu hầu, bãi sông thuận tiện cho nhân dân sinh hoạt, đất đai màu mỡ thích hợp cho việc cày cấy, trồng trọt; đất gò đồi cao thuận lợi trong việc lập ấp mở làng.

Từ xa xưa, ngày giỗ Tổ Hùng Vương có vị trí đặc biệt trong tâm thức người Việt. Theo bản ngọc phả viết thời Trần, đời vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại đền Hùng, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý đền Hùng theo cách giao thẳng cho người dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm giỗ Tổ ngày 10/3 âm lịch. Bù lại, họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu và miễn đi phu, đi lính.

Sau cách mạng tháng Tám, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm tới đền Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đến thăm viếng nơi này. Kế thừa đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của cha ông, ngay sau khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL - CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động giỗ Tổ Hùng Vương.

Khu di tích đền Hùng hiện nay gồm 4 đền: Hạ, Trung, Giếng, Thượng; chùa Thiên Quang và lăng mộ vua Hùng, được trùng tu hoặc xây thêm cách đây khoảng 100 năm. Trong lễ hội đền Hùng có phần lễ rước của các làng sở tại về đền, lễ rước voi nan, ngựa gỗ với ý nghĩa không chỉ muôn dân mà các loài muông thú đều quy phục vua Hùng, cùng góp công khai phá đất đai, dựng lên bờ cõi Văn Lang một thuở.

Trên mâm cỗ cúng vua Hùng không thể thiếu bánh chưng, bánh dày, là hai vật phẩm mà Lang Liêu xưa đã dâng lên vua cha để bày tỏ tấm lòng hiếu kính. Phần hội bao gồm các cuộc thi: Gói bánh chưng, bánh dày, thi cờ người và các trò chơi văn hóa dân gian như đu tiên, ném còn…

Nghệ An tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương

Tín ngưỡng thờ vua Hùng là tín ngưỡng đặc biệt trên thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo ông Hồ Công Tiến, Phó trưởng Ban quản lý đền Hồng Sơn, phường Hồng Sơn, TP Vinh, đền Hồng Sơn là ngôi đền duy nhất ở TP Vinh thờ Hùng Vương. Hiện nay, đền vẫn lưu giữ bài vị 18 đời vua Hùng tại cung trung điện để phục vụ nghiên cứu khoa học, sinh hoạt văn hóa tâm linh và văn hóa du lịch của tỉnh Nghệ An.

Hàng năm, vào dịp 10/3 âm lịch, đền phối hợp với UBND TP Vinh tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Vào ngày này, người dân TP Vinh và các vùng lân cận đến đền thắp hương rất đông và bày tỏ lòng thành kính đối với các vị vua Hùng.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở đền Hồng Sơn được tổ chức trong không khí trang trọng, linh thiêng, đúng nghi thức với màn múa võ cổ truyền, phần dâng hoa, dâng hương, tiến cỗ và lễ dâng bánh chưng, bánh dày trước bàn thờ của các vua Hùng.

Các cơ quan trên địa bàn tỉnh, TP Vinh cùng với 25 phường, xã của thành phố sẽ tiến hành dâng hoa, tiến cỗ vào sáng 10/3. Ngoài ra, tại sân trước của đền còn diễn ra các trò chơi dân gian, biểu diễn võ cổ truyền phục vụ du khách do Trung tâm Văn hóa - Thông tin TP Vinh tổ chức.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2016 diễn ra trong 5 ngày (từ 6 - 10/3 âm lịch), với các hoạt động văn hóa - thể thao và các trò chơi dân gian. Điểm nhấn của lễ hội năm nay là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội - đất Tổ Hùng Vương" diễn ra vào 20 giờ ngày 12/4 và nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng vào sáng 16/4 tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

 

.

Phương Thủy

.