(Congannghean.vn)-Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Để có được vinh dự này là nỗ lực rất lớn của những người nặng lòng với câu hát dân ca. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là từ nay về sau, chúng ta cần có rất nhiều việc làm để xứng đáng với sự tôn vinh ấy. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL ngay sau khi ông vừa từ Paris trở về nước sau lễ vinh danh.
P.V: Thưa ông, ông có thể cho biết quá trình xây dựng hồ sơ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh để trình lên UNESCO chúng ta đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
NSƯT Tiến Dũng: Trước hết, cần khẳng định rằng, việc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là vinh quang và niềm tự hào của không chỉ với những người làm nghề, với nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà còn là công lao của nhiều thế hệ. Để được quốc tế công nhận là cả một quá trình chúng ta bền bỉ lưu giữ, bảo tồn và phát triển.
Quá trình làm, thuận lợi là các chuyên gia UNESCO trực tiếp sang làm việc và chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc đi điền dã, khảo sát, nghiên cứu và tiếp xúc với đời sống dân ca ví, giặm ở cộng đồng, từ nông thôn đến thành thị, từ môi trường trường học đến các làng nghề, trực tiếp tiếp xúc với nghệ nhân dân ca ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Qua đó, để khẳng định di sản đang được sống trong mọi hoàn cảnh xã hội và được phát huy tích cực.
Một tiết mục dân ca ví, giặm cấp làng xã tham gia liên hoan cấp CLB |
Bên cạnh đó, chúng ta đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo về dân ca với quy mô từ cấp tỉnh đến cấp Bộ và cấp Quốc tế về việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân ca ví, giặm trong thời kỳ đương đại. Bên cạnh xây dựng hồ sơ, chúng ta còn xây dựng đĩa hình để minh họa bằng hình ảnh một số hình thức diễn xướng của ví và giặm. Sau hai lần thông qua, hồ sơ dân ca ví, giặm đã được các thành viên trong hội đồng thường trực UNESCO đánh giá rất cao.
P.V: Để dân ca ví, giặm xứng đáng với sự tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những công việc cụ thể sắp tới mà chúng ta phải làm là gì?
NSƯT Tiến Dũng: Để xứng đáng với sự tôn vinh ấy, chúng ta phải thực hiện đúng cam kết về di sản phi vật thể nhân loại. Trước hết, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã thống nhất kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở cấp Quốc gia. Dự kiến, buổi lễ sẽ diễn ra vào đêm 31/1/2015, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Tiếp theo đó, trên cơ sở những gì chúng ta đã xây dựng và bảo tồn, nay tiếp tục phát huy bằng nhiều hình thức. Phải có chiến lược tổng thể về kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản của hai tỉnh, đồng thời mở rộng hơn nữa đến cả cộng đồng có di sản. Mục đích hướng đến không phải chỉ có người dân Nghệ Tĩnh hát dân ca Nghệ Tĩnh mà phải làm thế nào đó để những người dân Việt Nam cũng phải có niềm tự hào, phải hiểu, hát và tuyên truyền được về dân ca ví, giặm.
NSƯT Phạm Tiến Dũng |
Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, chúng ta tiếp tục phát triển và xây dựng mạng lưới CLB hát dân ca, thông qua các nghệ nhân tại các cộng đồng dân cư, nơi đang lưu giữ bản sắc di sản mới phát huy được giá trị, bản sắc mới là phương pháp bảo tồn vững bền nhất. Mục tiêu phấn đấu là nhà nhà hát dân ca, người người hát dân ca, làng trên xóm dưới đâu cũng vang lên tiếng hát dân ca, làm cho ví, giặm trở thành nhu cầu cần thiết trong đời sống xã hội. Để làm được việc này, trách nhiệm rất lớn của tất cả các ban, ngành chứ không chỉ ngành văn hóa.
Bên cạnh đó, hàng năm cần xây dựng các chương trình tập huấn kiến thức về dân ca cho bộ phận quản lý văn hóa. Hiện nay, những người làm văn hóa nhưng kiến thức về di sản cũng chưa nhiều, nhất là tại các cơ sở. Tập huấn để biết hát dân ca các làn điệu nguyên bản, cải biên có tính phổ biến.
Ngoài ra, chúng ta phải tổ chức liên hoan hội diễn các CLB hàng năm, giữa các CLB trong huyện, trong các cụm với nhau. Cùng với đó, duy trì các hoạt động nghệ thuật quần chúng, điển hình như Liên hoan tiếng hát Làng Sen hàng năm đều có quy định cụ thể về số lượng dân ca ví, giặm và quy định đặt lời mới cho dân ca. Một hoạt động khác cũng rất cần thiết là việc sân khấu hóa dân ca, thể hiện tính chuyên nghiệp thông qua việc xây dựng các vở diễn.
Bởi so với các loại dân ca khác thì ví, giặm có đặc thù là có thể đưa lên sân khấu được với các nội dung phong phú và đã được kịch chủng. Việc làm quan trọng không kém là việc phong tặng và vinh danh nghệ nhân theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, chúng ta yên tâm với đội ngũ kế cận, nhờ các hoạt động hàng năm về dân ca ví, giặm nên cũng có kiến thức nhất định về dân ca. Hoạt động tiếp theo để dân ca ví, giặm xứng đáng với sự tôn vinh của UNESCO là tiếp tục dạy hát dân ca trên sóng phát thanh, truyền hình Nghệ An, dự kiến mỗi tháng sẽ dạy một chuyên mục dân ca, bắt đầu từ năm 2015.
P.V: Được biết, hiện nay chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ nói chung và nghệ nhân hát dân ca nói riêng đang còn chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra để góp phần xây dựng, bảo tồn và phát huy di sản nhân loại. Vậy, sắp tới ngành văn hóa đã có kế hoạch gì để cải thiện đời sống của anh chị em văn nghệ sĩ?
NSƯT Tiến Dũng: Từ trước đến nay, đời sống của văn nghệ sĩ nói riêng và những người làm công tác phát huy, bảo tồn văn hóa dân ca ví, giặm nói chung còn rất khó khăn, thu nhập chưa xứng tầm với tâm huyết bỏ ra. Để cải thiện vấn đề này, Sở VH-TT&DL cũng đã có tờ trình và đã được UBND tỉnh thông qua về chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, trong đó có chính sách cụ thể đối với các nghệ nhân để nuôi dưỡng phong trào. Đặc biệt là có sự quan tâm cụ thể cho hoạt động bảo tồn dân ca thông qua nguồn ngân sách và kinh phí đầu tư đúng nghĩa.
P.V: Trong thời đại hiện nay, một bộ phận không nhỏ lớp trẻ thường chạy theo thị hiếu âm nhạc của thị trường, quay lưng lại với dân ca. Ông nghĩ gì về điều này?
NSƯT Tiến Dũng: Thực trạng lớp trẻ quay lưng với âm nhạc truyền thống hiện nay, không riêng gì với dân ca ví, giặm mà với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống nói chung. Để đưa dân ca đến được với thế hệ trẻ, thiết nghĩ không chỉ ngành văn hóa mà cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cấp, ngành, các đoàn thể trong xã hội, trong đó ngành giáo dục cần phải đi đầu trong việc giáo dục, hướng các em đến với dân ca một cách tự nguyện, tự giác và bằng tất cả lòng yêu mến.
Để thu hút được lớp trẻ cũng như tất cả mọi người yêu dân ca, chúng ta cũng phải có kinh phí để tổ chức các hoạt động sân khấu, dân gian hóa, để đưa dân ca ví, giặm đến gần hơn với đời thường, gắn với các hoạt động thực tiễn. Có như vậy, dân ca ví, giặm mới đi sâu vào cuộc sống và phát huy được giá trị thực tiễn của nó.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!