Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/nguoi-co-duyen-no-voi-dan-ca-568216/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/nguoi-co-duyen-no-voi-dan-ca-568216/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người có duyên nợ với dân ca - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 11/12/2014, 08:47 [GMT+7]

Người có duyên nợ với dân ca

(Congannghean.vn)-Không hẹn trước, tôi gặp Nhạc sĩ Trần Mạnh Chiến vào một buổi chiều rét ngọt. Câu hát dân ca cất lên mời chào khách của Nhạc sĩ khiến tôi say mê, thích thú. Có lẽ tình yêu cháy bỏng mà ông dành cho dân ca đã khiến cho cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi từ xa lạ bỗng chốc trở nên cởi mở, thân tình...

Nhạc sĩ Trần Mạnh Chiến sinh ra ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nơi ngày đêm tiếng sóng vỗ nhịp lao xao. Cái nôi văn hóa Lam Hồng ấy từ ngàn xưa vọng tới hôm nay vẫn đậm chất tình người. Đam mê với làn điệu dân ca, ông lấy đó làm chất liệu xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Chiến tự cho mình là người may mắn. May mắn bởi ông sinh ra và lớn lên trong cái nôi giàu truyền thống, được thừa hưởng kho tàng dân ca ví, giặm quê nhà. Và mỗi khi nhắc tới người cha của mình, Nhạc sĩ lại bồi hồi xúc động. Chính thân sinh của ông là người định hướng cho Nhạc sĩ đi theo con đường âm nhạc.

1920 up.zip`
Nhạc sĩ Trần Mạnh Chiến tự nhận mình là người
 có duyên nợ với dân ca

Nhạc sĩ chia sẻ: “Cha tôi là một thợ may nghèo nhưng ham văn nghệ và hát rất hay. Ông đánh trống giỏi và thường xuyên đi hát bội (hát tuồng). Ngoài niềm đam mê, tôi học được từ ông là sự chịu khó, cẩn thận. Ông vẫn thường bảo, hát cũng như may vá, cần phải tỉ mẩn, trau chuốt và có tính kiên trì, nhẫn nại...”.

17 tuổi, Trần Mạnh Chiến đã là diễn viên, nhạc công thuộc Đoàn Văn công Hà Tĩnh. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Vi-ô-lông, Nhạc sĩ trở về Đoàn tiếp tục biểu diễn, giảng dạy và nghiên cứu. Những lần đi diễn, ông thường lân la hỏi chuyện những người am hiểu về dân ca rồi cặm cụi ghi chép. Để thỏa niềm đam mê, tìm tòi khai thác nghệ thuật dân gian này, ông tiếp tục học Đại học Văn hóa Hà Nội, chuyên ngành Sáng tác, Lý luận.

Khi là một nhạc công, diễn viên, biên kịch, khi lại là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Tĩnh và Nghệ Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Triển lãm Hà Tĩnh..., ông nhận thấy mình là người có nhiều duyên nợ với dân ca. Giữa thời khắc UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Nhạc sĩ Trần Mạnh Chiến bồi hồi xúc động, trong niềm vui chung đó còn những nỗi băn khoăn, lo lắng là làm sao để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của cha ông để lại, làm thế nào cho nó đẹp hơn, phù hợp hơn với cuộc sống đương đại.

Ông tâm sự: “Phải làm sao để sau khi được vinh danh, đi đến đâu, ở làng quê nào, trường học nào, cơ quan nào chúng ta cũng nghe được làn điệu dân ca da diết chứ không chỉ đơn thuần là sân khấu hóa? Phải gieo vào tâm hồn trẻ thơ, các thế hệ trẻ sau này yêu và quý trọng dân ca, xem nó như là báu vật...”. Ông cũng cho biết, thực tế hiện nay các câu lạc bộ dân ca thành lập tại cơ sở rất nhiều nhưng hoạt động còn cầm chừng, chưa hiệu quả, bởi nguồn kinh phí hỗ trợ còn mỏng... Bao giờ dân ca trở thành môn học chính trong trường học? Câu hỏi ấy cứ đeo đẳng ông.

Nhắc đến chương trình “Liên hoan nối những câu hò Bắc miền Trung”, Nhạc sĩ Trần Mạnh Chiến cho biết, ý tưởng đến với chương trình này bắt đầu từ những chuyến đi thực tế. Đến đâu, ông cũng gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ nhân, hiểu được tâm tư, tình cảm của họ. Những người dân lao động tuy vất vả, miệt mài làm ăn nhưng đời sống tinh thần của họ rất phong phú. Họ yêu ca hát và lấy đó làm động lực để lao động sản xuất.

Nhớ lại, có lần đi diễn ở lâm trường khu vực miền Tây xứ Nghệ, ông thấy cảnh công nhân vừa hò vừa kéo xe gỗ, ý tưởng nảy ra trong đầu. Sau nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ, ông nhận thấy điệu hò xứ Nghệ rất độc đáo, có giá trị biểu cảm cao, vùng quê nào cũng có nét riêng về điệu hò, từ đó ông lên kế hoạch xây dựng chương trình. Để làm được điều đó, ông đã phải lặn lội đi khắp 6 tỉnh, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế để tìm hiểu đặc trưng của mỗi một điệu hò.

Sau 4 năm miệt mài, ông hoàn thành báo cáo trình với Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), được lãnh đạo Cục phê duyệt và cấp kinh phí tổ chức. Năm 2002, chương trình đầu tiên được tổ chức thành công ngoài sức mong đợi. Đến nay, qua 5 đợt tổ chức, liên hoan nối những câu hò Bắc miền Trung trở thành nét văn hóa độc đáo của khu vực. Hiện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang có dự định nâng tầm chương trình lên quy mô toàn quốc.

Là một nhạc sĩ đa tài, đến nay, Trần Mạnh Chiến  sở hữu 100 tác phẩm đã được in và phát hành. Những ca khúc của Nhạc sĩ chủ yếu mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Chia tay ông vào những ngày cận kề cuối năm, giữa niềm vui chung của dân tộc, của người dân xứ Nghệ khi nghe tin dân ca ví, giặm được vinh danh, chúng tôi nhận thấy niềm hạnh phúc hiện lên trong đôi mắt ông. “Hạnh phúc lớn nhất là điệu hò quê hương có sức lan tỏa mãnh liệt, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của cha ông”.

.

Phan Tuyết