(Congannghean.vn)-Những năm qua, việc đưa dân ca vào các trường THCS, THPT đã trở thành một trong những hoạt động thường xuyên trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nằm trong hoạt động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đưa dân ca vào trường học không chỉ giúp học sinh nhận ra những giá trị to lớn của dân ca, mà từ đó giúp các em biết trân trọng, yêu quý và đặc biệt là góp phần định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc vốn đang ngày càng trở nên lệch lạc trong giới trẻ hiện nay.
Năm 1999, chương trình đưa dân ca vào trường học được triển khai. Thời điểm đó, cuộc thi tìm hiểu và hát dân ca được tiến hành thí điểm tại 4 trường THCS phường Lê Mao, phường Cửa Nam (TP Vinh), thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc) và thị trấn Thái Lão (huyện Hưng Nguyên). Sau một thời gian, hoạt động này trở nên thường xuyên và nhân rộng ra rất nhiều trường trên toàn tỉnh. Cuộc thi “Tìm hiểu và hát dân ca trong trường học tỉnh Nghệ An” từ năm 2001 đến năm 2010 tạo bước đột phá mới, thu hút nhiều trường học tham gia. Xem đây là phong trào, tiêu chí để đánh giá thi đua, Sở GD&ĐT khuyến khích giáo viên và học sinh sáng tác, cải biên, đặt lời mới, hăng say biểu diễn vào những dịp lễ, ngày truyền thống của trường. Thế nhưng, hoạt động chỉ rầm rộ được một giai đoạn.
Hiện nay, khi giới trẻ không còn mặn mà với vốn dân ca xứ Nghệ, khi mà nhiều thứ văn hóa hỗn tạp đan xen thì việc lưu giữ nét văn hóa xưa sẽ rất khó. Cô giáo Phan Thị Thu Hiền, Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh cho biết: “Nhiều tiết mục biểu diễn hấp dẫn nhưng để lắng đọng vào tâm hồn học sinh thì chưa có, chưa tạo được chuyển biến thực sự trong nhận thức cũng như tình cảm của các em về vốn văn hóa của cha ông xưa”.
Việc đưa dân ca vào dạy trong các trường học là cần thiết nhằm lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc |
Tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, nhiều năm liền lãnh đạo trường kết hợp với Nhà hát dân ca Nghệ An thường xuyên mời các nghệ sĩ về tham gia biểu diễn, dàn dựng những tiết mục vào các dịp lễ lớn, không nằm ngoài mục đích khơi dậy niềm đam mê hát dân ca đối với học sinh. Dưới hình thức hoạt động ngoại khóa về bộ môn văn học dân gian (VHDG), ban đầu được mở dưới dạng chuyên đề của tổ, với mong muốn giúp các em tìm hiểu kỹ và sâu hơn về VHDG, khơi dậy niềm đam mê VHDG nói riêng và văn học nói chung. Tuy nhiên, VHDG chỉ có thể sống lại trong quá trình diễn xướng, vì thế Ban Giám hiệu trường đã trực tiếp chỉ đạo Tổ Văn tổ chức hoạt động ngoại khóa VNDG thông qua các CLB học hát dân ca, tổ chức hội diễn liên hoan tiếng hát dân ca.
Hoạt động này dựa trên hình thức chủ yếu như: Thi văn nghệ giữa các lớp thông qua các điệu chèo, vở kịch, hát dân ca thuần túy hay hát hiện đại theo chất liệu dân ca... Đến nay, có nhiều em trưởng thành từ các cuộc thi giữa các trường, lớp. “Dân ca xứ Nghệ vô cùng phong phú với nhiều làn điệu, thế nhưng để duy trì thường xuyên trong trường học là chưa thật sự hiệu quả. Cần có một sân chơi lớn để các trường có sự giao lưu, gặp gỡ. Phá đi hình thức giải trí mà trên hết là giúp học sinh nhận thức rõ nguồn gốc của dân ca, từ đó đọng lại để yêu, để nhớ và lưu giữ nét đẹp văn hóa xưa mà cha ông để lại. Các trường học cũng cần có nhiều tư liệu chính thống về vốn dân ca xứ Nghệ để giúp giáo viên và học sinh hiểu rõ hơn về dân ca, tạo mối giao thoa trong việc truyền thụ, giảng dạy giữa giáo viên và học sinh”, cô giáo Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.
Để lại nhiều dấu ấn đặc biệt với hoạt động dạy hát dân ca cho học sinh là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh. Thầy giáo Nguyễn Minh Hồng, Tổ trưởng Tổ Văn cho biết: Bước đầu Tổ Văn giao cho các giáo viên bộ môn trực tiếp chỉ dạy, thông qua các hoạt động ngoại khóa. Sau khi định hướng những tiết mục phù hợp với sở trường thì mời nghệ sĩ, chuyên gia tư vấn tham gia các chương trình tại trường. Lúc đầu ý định của trường chỉ dừng lại ở việc tổ chức cuộc thi hát dân ca, nhưng sau khi thấy sự nhiệt tình của học sinh, trường đã tổ chức những đêm công diễn mang tầm quy mô.
Hoạt động sôi nổi nhưng phải nhận thấy một thực tế, hiện nay dân ca xứ Nghệ không có trong chương trình chính khóa nên giáo viên rất dễ bị động trong việc bố trí thời gian. Lực lượng giáo viên có trình độ chuyên môn về dân ca xứ Nghệ còn mỏng, nguồn tư liệu như: Giáo trình, phương tiện dạy dân ca chưa đầu tư lớn. Tại trường có đội văn nghệ để tham gia các cuộc thi chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả trong việc dạy và học. Đọng lại trong học sinh điều gì sau khi học, khi biểu diễn còn rất hạn chế...
Việc đưa dân ca vào trường học là một chủ trương đúng đắn. Để bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ không có con đường nào khác là truyền thụ vốn âm nhạc cũng như khơi dậy tình yêu, niềm đam mê đối với di sản quý giá của quê hương cho thế hệ trẻ, nhất là thế hệ học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.
.