Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201409/thay-cham-diem-bang-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-thuan-loi-cho-tro-vat-va-cho-thay-co-537202/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201409/thay-cham-diem-bang-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-thuan-loi-cho-tro-vat-va-cho-thay-co-537202/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thuận lợi cho trò, vất vả cho thầy cô - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 25/09/2014, 09:06 [GMT+7]
Thay chấm điểm bằng đánh giá học sinh tiểu học

Thuận lợi cho trò, vất vả cho thầy cô

(Congannghean.vn)-Từ ngày 15/10/2014, Thông tư Quy định đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho cách chấm điểm để đánh giá thường xuyên như lâu nay vẫn làm của Bộ GD&ĐT bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, 1 năm sẽ có 2 bài kiểm tra định kỳ. Điều này giảm áp lực cho học sinh, đồng thời tăng trách nhiệm của giáo viên và phụ huynh.
 
Giảm áp lực về điểm số với học sinh
 
Hiện nay, tại các trường tiểu học, ở mỗi lớp thường có số học sinh (HS) dao động từ 30 - 40 em. Trước đây, vào mỗi giờ lên lớp, các giáo viên (GV) chủ nhiệm đều phải chấm bài kiểm tra cho tất cả HS. Bởi vậy, không ít HS bị điểm kém đã khóc, thậm chí “ăn vạ” ngay tại lớp khiến GV rất khó xử.
 
Cô Phan Thị Thủy, GV Trường Tiểu học Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Đã quen với việc chấm điểm nên giờ chuyển sang hình thức đánh giá mới là nhận xét HS, tôi nghĩ sẽ gặp nhiều lúng túng. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao và nhất trí với sự thay đổi này, vì sẽ giúp HS giảm áp lực về điểm số, đồng thời làm tăng tính kết nối giữa GV và HS. Từ đó, HS sẽ tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn”.
Đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét kỳ vọng sẽ tạo ra tác động tích cực tới sự phát triển toàn diện của các em
Đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét kỳ vọng sẽ tạo ra tác động tích cực tới sự phát triển toàn diện của các em
Theo cách đánh giá mới này, GV sẽ chỉ lỗi cụ thể, chọn cách hướng dẫn trò phù hợp nguyên tắc coi trọng, động viên, khuyến khích để các em sửa sai, tiến bộ. Vì vậy, mối quan hệ giữa cô và trò cũng trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Việc đánh giá của GV bao quát từ sự hình thành, phát triển một số năng lực và phẩm chất của HS. Theo đó, GV nhận xét trực tiếp hàng ngày ở các mặt, hoạt động ngoài giờ. Việc chấm điểm chỉ thực hiện ở bài thi cuối kỳ 1 và cả năm. Cuối năm học sẽ không còn danh hiệu HS giỏi, tiên tiến mà thay vào đó là biểu dương, khen thưởng các em theo từng lĩnh vực cụ thể như các môn văn hóa, thể thao, văn nghệ...
 
Hàng tháng, GV trao đổi với phụ huynh qua điện thoại, sổ liên lạc, trường hợp đặc biệt có thể gặp gỡ trực tiếp. Chính vì thế, HS không còn bị áp lực từ phía gia đình về điểm số cao hay thấp như trước đây. Bên cạnh đó, các em cũng có thể tham gia tự đánh giá năng lực bản thân qua sở thích từng môn học, từng hoạt động thảo luận trong lớp với bạn bè để nhận biết điểm mạnh, yếu, từ đó có hướng phát huy.
 
Nâng cao trách nhiệm của GV và phụ huynh
 
Theo cách thay đổi này, GV sẽ không chỉ chấm điểm mà còn phải nói chuyện, viết nhận xét cho từng HS, phụ huynh trong suốt năm học. Điều đó đồng nghĩa với việc, GV sẽ phải nhìn nhận mỗi em là một cá thể riêng biệt và phải làm việc riêng với từng cá tính, chứ không chấp nhận những "cá tính đồng loạt" trong một tập thể lớp như cách dùng điểm số khách quan để đánh giá HS.
 
Qua trao đổi với nhiều GV dạy lớp 1, một trong những băn khoăn lớn nhất của các thầy cô khi không chấm điểm cho HS, đó là với sĩ số trung bình khoảng 30 - 40  em/lớp như hiện nay, các thầy cô không đủ thời gian để viết hết nhận xét cho cả lớp. Vì trong một tiết học, GV vừa phải đồng thời giảng bài, vừa phải ghi nhận xét vào bài làm của HS.
 
Chị Nguyễn Thị Nga trú tại xóm 2, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu có con học tại Trường Tiểu học Quỳnh Thạch băn khoăn: “Từ trước đến nay, tôi theo dõi việc học tập của con hàng ngày qua điểm số. Nay được GV nhận xét, tôi rất băn khoăn không biết đó có phải là cách đánh giá khách quan và toàn diện hay chưa”. Đó cũng là trăn trở của nhiều phụ huynh khi tiếp nhận thông tin đổi mới cách đánh giá HS. Để giải quyết được những băn khoăn đó, GV phải thực sự tâm huyết, gắn bó với nghề, bám sát việc học tập của HS mới có thể đưa ra những nhận xét sát thực, đúng đắn. 
 
Nếu trước đây, hầu hết phụ huynh HS đều thụ động trong việc tiếp nhận thông tin, giao phó con em cho GV thì sự thay đổi này sẽ khuyến khích cả phụ huynh, GV cùng tham gia đánh giá phẩm chất và năng lực học tập của HS. Từ những nhận xét của GV, phụ huynh quan tâm và biết tham gia đánh giá quá trình, kết quả học tập, rèn luyện, từ đó tích cực hợp tác với nhà trường, góp phần làm tăng sự gắn kết trong việc giáo dục HS. 
 
Như vậy, việc áp dụng triển khai đại trà chủ trương bỏ chấm điểm với HS tiểu học của Bộ GD&ĐT từ ngày 15/10 tới sẽ góp phần giảm áp lực về điểm số và có tác dụng khích lệ tinh thần học tập của HS. Đồng thời sẽ đòi hỏi rất lớn trách nhiệm, sự công tâm, tận tình của GV với HS và vai trò của các bậc phụ huynh trong việc tiếp nhận những nhận xét của GV để kịp thời phối hợp cùng nhà trường giáo dục, dạy dỗ những thế hệ tương lai của đất nước.
.

Hồng Hạnh

.