(Congannghean.vn)- Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của thực dân Pháp, xóa sổ hoàn toàn cứ điểm kiên cố bậc nhất của Pháp tại Đông Dương - con nhím Điện Biên Phủ - nơi được mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là “tiếng sấm” thức tỉnh, mở ra thời kỳ đấu tranh và thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là các nước Á, Phi, Mỹ - Latinh.
Bài 1: Gặp người chở Đờ Cát từ chiến trường Điện Biên Phủ về thị xã Tuyên Quang
" span="" style="color:#0000cd;">Bài 2: “Binh đoàn ngựa sắt” qua kí ức của một dân công hỏa tuyến
" span="" style="color:#0000cd;">
Bài 3: Chuyện của người có hơn 2.000 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bài 4: Anh hùng xứ Nghệ trên chiến trường Điện Biên
Bài 5: Người được chọn để "hỏi cung" tướng Đờ Cát và chuyện bây giờ mới kể
Bài 6: Liên khu 4 với chiến thắng Điện Biên Phủ
Bài cuối: Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt
Bản hùng ca bất diệt
Theo kế hoạch tác chiến phổ biến tại Hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 14/1/1954, quân ta sẽ nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 25/1/1954 để giành chiến thắng sau 2 ngày 3 đêm. Bởi lúc đó chúng ta nhận định, Pháp mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, chưa được tăng cường lực lượng, bố trí còn sơ hở, trận địa phòng ngự chưa được củng cố nên với phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh”, ta hy vọng sẽ giành thắng lợi. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, nắm chắc thực tiễn chiến trường, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của địch và những lợi thế, khó khăn của ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho lùi thời hạn nổ súng thêm một ngày để nghiên cứu thật kỹ phương châm tác chiến vì cho rằng, đánh như vậy quá mạo hiểm, nếu đánh sẽ thất bại. Bởi vậy, sau một đêm, Đại tướng đưa ra kết luận: Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Ngày 26/1/1954, Đại tướng đã triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận, nêu rõ ý định tạm hoãn tiến công, kéo pháo ra, thu quân về tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Thực hiện phương châm và kế hoạch tác chiến mới đề ra, sau khi có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, hơn 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thành phố Điện Biên hôm nay |
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong bối cảnh, tương quan về quân số, lực lượng giữa hai bên khác xa nhau. Tổng quân số của Pháp là 445.000 người, trong khi tổng quân số của Quân đội nhân dân Việt Nam là 252.000 người. Pháp tuy có ưu thế vượt trội về binh lực, nhưng thế trận chiến tranh nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm cho Pháp phải phân tán trên khắp các chiến trường. Trước khi chiến dịch diễn ra, vào ngày 11/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các chiến sĩ: "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới... Chúc các chú thắng to!". Thư đã kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần cho quân và dân ta náo nức ra trận. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, trải qua 3 đợt chiến dịch, đến 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Đại đội 360 (lúc ấy chỉ còn 5 người) đã áp sát và bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc kéo dài suốt 9 năm trời.
Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, mà còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là các nước Á, Phi, Mỹ - Latinh. Chỉ riêng trong năm 1960, đã có 17 nước châu Phi giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước thuộc địa. Nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhận định: “Chiến thắng lẫy lừng này đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Còn đối với thế giới, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử, nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Nói về ý nghĩa của chiến thắng này, các học giả quốc tế cũng đã khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi diện mạo khu vực Đông Nam Á và thế giới. TS Rob Hurle, Trường Đại học Quốc gia Ô-xtrây-li-a, cho rằng, cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp kết thúc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954 là một cuộc chiến không cân sức: “Quân đội Pháp được trang bị rất kỹ với lực lượng hùng hậu hải quân, không quân và các phương tiện cơ giới, trái ngược với bộ đội Việt Nam với trang thiết bị vũ khí thô sơ. Nhưng chính sự ủng hộ của người dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đội quân cách mạng nên chiến thắng cuối cùng đã thuộc về chính nghĩa”, ông Rob cho biết.
Nói đến Chiến thắng Điện Biên Phủ phải kể đến sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng, miền trong cả nước để chia lửa cùng Điện Biên Phủ. Từ khu V, Nam Bộ, chiến trường Lào, Campuchia, từ vùng tạm chiếm đến vùng tự do, từ miền ngược tới miền xuôi, ở đồng bằng cũng như trong các đô thị lớn đã diễn ra sự phối hợp đấu tranh võ trang, chính trị hợp pháp, nửa hợp pháp với sự tham gia của đủ mọi tầng lớp, mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi. Cùng với cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân ta là sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, nhân dân Pháp. Để có được thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 4.000 chiến sĩ đã hy sinh, hơn 10.000 bộ đội bị thương, 792 người mất tích. Trên 3 nghĩa trang ở Điện Biên Phủ có 3.976 ngôi mộ liệt sĩ.
60 năm sau cuộc chiến tranh, Điện Biên Phủ hôm nay đã khoác lên mình bộ mặt đô thị khang trang. Các công trình lớn, nhỏ mọc lên, biểu thị cho sức trẻ của một thành phố đang trên đà phát triển. Hiện thành phố có hơn 70.000 người và 9 đơn vị hành chính. Nhưng ngoài ấn tượng là một thành phố du lịch hiện đại, mang dáng dấp đặc thù của kiến trúc miền núi Tây Bắc, điều kỳ diệu nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân giai đoạn 2011 - 2013 đạt gần 17%/năm, thu nhập bình quân đầu người là 2.921 USD/năm, số hộ nghèo chỉ còn 0,83%. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, người Điện Biên hôm nay như đang dồn hết tâm huyết, nỗ lực trong lao động sản xuất để dựng xây thành phố trẻ anh hùng.
Năm 1954, sau khi thất bại trở về Pháp, Thiếu tướng De Castries - Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”. |