Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201405/ky-uc-dien-bien-phu-480935/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201405/ky-uc-dien-bien-phu-480935/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ký ức Điện Biên Phủ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 06/05/2014, 15:46 [GMT+7]

Ký ức Điện Biên Phủ

Bài 5: Người được chọn để "hỏi cung" tướng Đờ Cát và chuyện bây giờ mới kể

*Bài 6: Liên khu 4 với chiến thắng Điện Biên Phủ
 
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, quân và dân Liên khu 4 đã “chia lửa” cùng chiến trường Điện Biên, bảo vệ khu tự do - căn cứ địa chiến lược và thực hiện liên minh chiến đấu Việt - Lào. Với việc đóng góp sức người, sức của vào chiến dịch, quân và dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đập tan sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp ở Đông Dương, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
 
Liên khu 4 với chiến thắng Điện Biên Phủ
 
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, Liên khu 4 vừa là tiền tuyến, vừa là căn cứ địa vững chắc. Trong suốt cuộc kháng chiến, Liên khu 4 đã liên tục tấn công quân Pháp và giành thắng lợi quan trọng ở tất cả các địa phương, đặc biệt là mặt trận Bình - Trị - Thiên, tiêu hao nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Bên cạnh đó, Liên khu 4 đã chiến đấu dũng cảm để bảo vệ khu tự do - căn cứ địa chiến lược và thực hiện liên minh chiến đấu Việt - Lào, mở ra chiến trường quan trọng thu hút, tiêu diệt địch, đồng thời thi đua lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, cung cấp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong đó, nhân dân Liên khu 4 đã làm 3 tuyến đường chiến lược; đóng góp 15.000 tấn gạo; hơn 400 tấn thực phẩm, 500 con trâu, bò, ngựa; vận chuyển 231 tấn vũ khí, đạn dược, quân trang phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Hơn 250.000 lượt người con quê hương Liên khu 4 đã đi dân công hỏa tuyến, đóng góp 1.100 xe đạp thồ, hàng nghìn xe ngựa, trâu, bò, thuyền và 31 ôtô vận tải. 2 trung đoàn chủ lực đã được tăng cường cho Điện Biên và 1.200 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ chiến đấu tại các giai đoạn của chiến dịch. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, 6 người con quê hương Liên khu 4 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
 
Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, vùng hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh đã huy động cao độ nhân tài, vật lực cho các chiến trường. Những chiến công và thành tích xuất sắc của quân và dân Liên khu 4 đã góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt, trong chiến dịch Thượng Lào và Trung - Hạ Lào đầu năm 1953, một trong những chiến dịch vòng ngoài góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân Liên khu 4 đã có những đóng góp mang tính chất quyết định lịch sử. Bên cạnh việc huy động vật chất và tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An còn là địa bàn tập kết, huấn luyện cho các đơn vị chủ lực trước khi lên đường tham gia chiến dịch. Trên chiến trường Trung Lào, chiến trường chia lửa với Điện Biên, liên quân Việt - Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 6.100 tên địch, hầu hết là lính Âu - Phi, thu trên 1.200 khẩu súng cùng nhiều quân trang, quân dụng. Phá tan tuyến phòng ngự đường 8, 12 của địch. Giải phóng một vùng rộng lớn 400.000 km2 và 40.000 dân. Chiến thắng Trung Lào đã góp phần làm cho kế hoạch tập trung quân của Na-va cho các chiến trường chính Bắc bộ và chia cắt Đông Dương bị phá sản hoàn toàn, tạo điều kiện cho quân và dân ta đập nát cứ điểm Điện Biên Phủ - sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp ở Đông Dương.
 
Cựu chiến binh xứ Nghệ với những kỷ vật Điện Biên Phủ
Cựu chiến binh xứ Nghệ với những kỷ vật Điện Biên Phủ
 
Những “kỷ lục” Điện Biên Phủ của quân và dân Liên khu 4
 
Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu cách đây 60 năm về trước, không thể không nhắc đến sự hy sinh anh dũng của Anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót. Trong chiến dịch này, Phan Đình Giót là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, được lệnh đánh vào cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1953. Sau khi đánh xong 10 quả bộc phá, mặc dù bị thương ở chân và vai, mất nhiều máu nhưng với quyết tâm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tạo cơ hội cho đồng đội xông lên, dập tắt hỏa điểm và giành thắng lợi trong việc tiêu diệt cứ điểm này. Anh hùng Phan Đình Giót sinh ra trong gia đình nghèo ở thôn 7, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), tuổi thơ cơ cực, mồ côi bố từ nhỏ, phải đi ở đợ cho địa chủ từ năm 13 tuổi đến khi Cách mạng tháng Tám thành công thì đi theo cách mạng. Hiện, dòng họ Phan Đình của ông ở Cẩm Quan là dòng họ lớn, người em trai Phan Đình Giát duy nhất vẫn đang còn sống tại đây, làm nhiệm vụ coi sóc và hương khói cho khu tưởng niệm anh trai tại quê nhà.
 
Đại tá Nguyễn Đình Chuân, hiện sống tại xóm 18A, xã Nghi Phú (TP Vinh) cũng là người con xứ Nghệ tham gia chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ may mắn được 3 lần gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất là vào năm 1953, khi ông và đồng đội được điều động về xây dựng đơn vị hỏa lực đầu tiên của quân đội Trung đoàn Pháo cao xạ 367, Đại đoàn Công pháo 351 đóng quân tại Đoan Hùng (Phú Thọ). Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến thăm để giao nhiệm vụ cho Đại đoàn chuẩn bị hành quân sang Quảng Tây (Trung Quốc) nhận vũ khí, khí tài, huấn luyện chiến đấu để mùa xuân 1954 trở về Tổ quốc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lần thứ 2 ông được gặp Bác là sau thắng lợi Điện Biên Phủ, khi Bác và Trung ương về lại Thủ đô, Bác Hồ đến thăm đơn vị sau lễ duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình nhân dịp 2/9/1954. Và lần thứ ba ông được gặp Bác Hồ là vào ngày 16/2/1969, tại Hội trường Quân chủng Phòng không - Không quân.
 
Ngoài ra, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Liên khu 4 còn được biết đến với những “kỷ lục” chiến trường khác như chiến sĩ Lê Văn Khánh, quê ở huyện Yên Thành, thuộc Đại đoàn 304 vừa chiến đấu, vừa đan được 1.000 chiếc mũ nan phục vụ bộ đội chiến đấu; Anh hùng LLVTND Phan Tư (Yên Thành) với sáng kiến dùng lá chuối khô trong rừng gói thuốc nổ để lặn sâu dưới nước phá thác dữ, đã phá thành công hơn 60 ngọn thác trên dòng Nậm Na, một nhánh của sông Đà; dân công hỏa tuyến Cao Văn Tỵ (Thanh Hóa) đã lập kỷ lục khi sử dụng chiếc xe đạp thồ thồ đến 320 kg hàng hóa từ hậu phương ra chiến trường Điện Biên Phủ và được mệnh danh là “kiện tướng xe thồ”. Phần lớn những kỷ vật chiến trường này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4, là minh chứng sống động, biểu tượng sức mạnh của quân và dân Liên khu 4 nói riêng cũng như nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
.

Thiên Thảo