Nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và có nhiều biến tướng phức tạp gây quá tải cho học sinh và bức xúc trong dư luận, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2012 và thay thế Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/7/2007. Quy định mới ra đời và đã chính thức có hiệu lực, song không ít người vẫn băn khoăn về tính khả thi của nó, nhất là với một vấn đề vốn vẫn được xem là “nhạy cảm” của ngành giáo dục, ảnh hưởng tới “nồi cơm” của mỗi giáo viên và khoản thu không nhỏ của mỗi đơn vị trường học.
Trong những năm qua, hoạt động dạy thêm, học thêm diễn ra trên tất cả các cấp học, từ tiểu học đến THPT với đủ mọi hình thức tổ chức: tại trường học, tại các lò luyện, tại nhà riêng của giáo viên… Hoạt động dạy thêm, học thêm như một “làn sóng ngầm” không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở các vùng thị xã, thành phố.
Hệ quả tất yếu từ việc dạy thêm, học thêm tràn lan là chất lượng khó bề kiểm soát và chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là học sinh. Bản chất của việc dạy thêm, học thêm không có gì đáng phê phán nếu như nó xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện, bổ sung kiến thức của người học và động cơ không vụ lợi của người dạy.
Học thêm thực thụ sẽ góp phần nâng cao mặt bằng kiến thức của người học, dạy thêm tích cực sẽ là động lực để giáo viên không ngừng vươn lên nâng cao trình độ.
Điều đó hoàn toàn có ý nghĩa tốt đẹp, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường, có “cầu” ắt phải có “cung”. Tuy nhiên, điều đáng bàn là hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập.
Bên cạnh việc học thêm quá nhiều tạo nên một áp lực học hành quá lớn cho học sinh thì hoạt động dạy thêm đang có xu hướng biến tướng, thương mại hóa. Khi học thêm đã trở thành “phong trào”, người dạy đặt lợi nhuận thu được lên trên quyền lợi của học sinh, hình ảnh tôn nghiêm của người thầy ít nhiều bị méo mó.
Nhằm đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào quy củ, ngành GD&ĐT từ cấp Bộ, cấp Sở, cấp Phòng đã có không ít các văn bản chỉ thị yêu cầu, chấn chỉnh. Gần đây nhất là Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2012 và thay thế Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/7/2007. Theo đó, hoạt động dạy thêm, học thêm phải đảm bảo nguyên tắc: góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
Qua tìm hiểu, không ít người cho rằng, nguyên tắc nêu trên vẫn còn khá chung chung và chưa có những nét mới đáng kể so với những văn bản, chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm đã ban hành trước đó.
Theo quy định trong Thông tư, người dạy thêm không được phép cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông; học sinh có nhu cầu tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
Quy định này được hiểu là nhà trường và giáo viên không được dùng “tiểu xảo” để “kéo” học sinh đến các lớp học thêm. Mặc dầu vậy, trên thực tế, tình trạng giáo viên cắt bớt chương trình chính khóa, dạy trước chương trình, giải bài kiểm tra trước ở lớp học thêm để học sinh có đi học thêm mới làm được bài vẫn còn diễn ra.
Một số giáo viên còn “chăm sóc”, “để ý” những học sinh không tham gia học thêm bằng việc liên tiếp gọi học sinh không tham gia học lên hỏi bài cũ, câu hỏi, bài tập xoay quanh những nội dung kiến thức đã được học trong các buổi học thêm hoặc cho điểm “chặt” đối với những học sinh không đăng ký tham gia học thêm.
Mục đích cuối cùng là để “đưa” những học sinh này vào “guồng” học thêm và “răn đe” những học sinh khác đang có tư tưởng “bỏ lớp” học thêm của mình. Khi nhà trường mở các lớp học thêm hoặc giáo viên mở các lớp dạy thêm tại nhà, học sinh phải viết đơn “tự nguyện” xin học, có kèm theo chữ ký và ý kiến xác nhận của phụ huynh nhằm hợp pháp hóa.
Khi dư luận phản ứng, các cấp các ngành có ý kiến bức xúc về tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan thì đã có những lá đơn xin học thêm “tự nguyện” làm bình phong.
Thông tư cũng quy định các trường hợp không được dạy thêm, học thêm bao gồm: Đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
Một điểm quy định khác khiến không ít người băn khoăn về tính khả thi là: Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Trên thực tế hiện nay, có nhiều giáo viên giảng dạy ở các trường công lập vừa tổ chức dạy thêm tại nhà, tại các “lò luyện” vừa trực tiếp lên lớp. Việc quản lý, kiểm tra của thủ trưởng cơ quan nơi có giáo viên giảng dạy còn mang tính hình thức, chiếu lệ, một phần vì cả nể, một phần vì muốn “tạo điều kiện” cải thiện đời sống cho giáo viên trong trường.
Đáng nói là, hiện còn tồn tại rất nhiều lớp dạy thêm tại nhà được mở theo dạng tự phát, không có giấy phép dạy thêm và các loại hồ sơ dạy thêm liên quan bất chấp quy định tổ chức, cá nhân muốn mở lớp dạy thêm, học thêm phải có giấy phép hoạt động và phải cam kết với UBND phường, xã, thị trấn nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vê sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm.
Chính hoạt động dạy thêm học thêm, nhất là ngoài nhà trường, được tổ chức theo kiểu “mạnh ai nấy làm” không có sự giám sát, quản lý chặt chẽ đã dẫn tới tình trạng học sinh than khổ vì học quá tải mà vẫn... phải học, phụ huynh bức xúc vì gánh nặng chi phí mà vẫn phải “cắn răng” cho con đi học.
Có thể nhận thấy, học thêm là một nhu cầu có thực của học sinh, mọi biện pháp cấm đoán triệt để là rất khó khả thi. Tuy nhiên, để hạn chế, giảm thiểu những tiêu cực bất cập, bên cạnh việc ban hành những quy định thật chặt chẽ xung quanh vấn đề dạy thêm, học thêm nhằm làm lành mạnh hóa hoạt động này, cần có thêm những chế tài quy định thật rõ ràng, chi tiết về hình thức xử lý nếu cá nhân, đơn vị vi phạm.
Một biện pháp quan trọng khác nhằm hạn chế tiêu cực trong hoạt động dạy thêm là phải từng bước thực hiện lộ trình tăng lương, phụ cấp nghề nghiệp cho giáo viên để phần nào cải thiện đời sống, trang trải các chi phí sinh hoạt.
Thiết nghĩ, với một mức lương hợp lý, giáo viên sẽ không phải bươn chải “chân trong, chân ngoài” lo cơm áo, gạo tiền để yên tâm đứng lớp và trau dồi năng lực chuyên môn.
Bùi Minh Tuấn
.