Về khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ ở huyện Thanh Chương, chúng tôi có dịp đi tham quan một vài điểm trường học. Năm học mới đến rồi nhưng hành trình “gieo chữ” của thầy cô nơi đây vẫn còn nhiều nhọc nhằn, lắm khó khăn.
Rời lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) về đây đã 6 năm, cuộc sống của người dân nơi đây đã nhiều đổi thay. Đặc biệt là con em được đến trường. Niềm vui, niềm hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt của các em. Thế nhưng, tại một số điểm trường học cơ sở vật chất đã xuống cấp; nhiều điểm trường của một số em học sinh tiểu học ở quá xa; nhà công vụ của giáo viên chưa có.
Có mặt tại Trường Mầm non Kim Lâm ở xã Thanh Sơn, được trò chuyện với cô giáo Trần Thị Hoa - Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi mới thấu hiểu, cuộc sống của thầy cô giáo và các em còn đó nhiều khó khăn. Cô Hoa chia sẻ: Trường Mầm non Kim Lâm có 300 cháu với 24 CBGV, tập trung tại 5 điểm trường học.
Nhiều giáo viên ái ngại trước hoàn cảnh hiện tại ở các điểm trường
Tháng 8 vừa qua trường có tu bổ lại cơ sở vật chất nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Hiện có 5 phòng học nhưng vào mùa mưa thì dột nên cô trò đành phải dồn một góc để học tập. Trần thì hư hỏng nặng, các thanh hoành bắc ngang chỉ cần một chấn động nhỏ có thể sập trong chốc lát trông rất nguy hiểm. Năm nay, tại Trường Mầm non Kim Lâm phân chia học theo độ tuổi nên tại một số điểm trường tất yếu là không dùng đến. Có những hộ ở quá xa nên các cháu đành phải học ghép lớp bé cùng lớp nhỡ. Kéo theo đó việc huy động trẻ đến trường rất khó khăn...
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, quê ở huyện Hưng Nguyên giảng dạy từ Tương Dương theo các em về đây cho biết: Công tác đã 8 năm nhưng đến bây giờ các cô giáo trong trường hầu như chưa có nhà để ở. Bản thân mình, trường ưu tiên một phòng trong trường giống như nhà ký túc để ở. Còn nhiều cô giáo phải ở nhờ nhà dân. Quan sát phòng ở của cô giáo Huyền, chúng tôi không khỏi ái ng?i.
Bóng đèn bị cháy, ổ điện đã hư hỏng, trần nhà thì đã hở “miệng” vào mùa mưa bão thì không tránh khỏi dột. Cùng dạy với cô Huyền là cô giáo Trần Thị Bình, Phó Hiệu trưởng trường mầm non và thầy Vi Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm. Cùng đam mê dạy học, cô Bình, quê ở huyện Nam Đàn và thầy Thành, dân tộc Thái ở tận Quỳ Hợp đã tình nguyện đem chữ lên với học sinh vùng cao.
Tại Tương Dương, hai người đã nên duyên chồng vợ. Năm 2006, hai thầy cô theo đồng bào về khu tái định cư để dạy học cho các em. 6 năm công tác nhưng hiện nay hai vợ chồng vẫn phải ở bán trú tại trường học. Cùng giống với Trường Mầm non Kim Lâm là Trường Tiểu học 5A2, Hạnh Tín, Thanh Sơn.
Cơ sở vật chất của trường đã cơ bản được trang bị quạt, bóng đèn thế nhưng từ khi thầy cô giáo từ dưới xuôi lên sau ngày nghỉ lễ thì toàn bộ bóng đèn, quạt điện của lớp bị đập phá hư hỏng toàn bộ.
Nằm ngay cạnh trường mầm non là Trường THCS Kim Lâm. Đây được xem là một ngôi trường khang trang nhất. Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng xung quanh trường, thầy giáo Nguyễn Văn Lương - Hiệu trưởng cho biết: Năm ngoái trường vừa mới được sửa chữa. Hiện cơ sở vật chất cũng không đáng lo ngại.
Kế hoạch trong năm học 2012 - 2013 trường có 9 lớp với 327 em học sinh. Hôm khai giảng vẫn còn 27 em theo bố mẹ bỏ về quê cũ làm nương rẫy nên chưa nhập trường. Tại nơi ở mới thiếu đất sản xuất nên nhiều hộ rời bỏ về quê cũ đưa con cái theo nên việc quản lý học sinh sau hè rất khó khăn. Đặc biệt hiện nay diện tích khuôn viên trường khá nhỏ hẹp, các phòng thiết bị thí nghiệm không có, thiếu nhà công vụ cho giáo viên.
Hiện trường THCS Kim Lâm có 37 cán bộ, giáo viên và đa số đều là những thầy cô công tác xa nhà thế nhưng trường chỉ có 8 phòng công vụ. Một số thầy cô ở nhờ nhà dân, số còn lại ở ghép. Nguyện vọng của thầy cô giáo là có nhà nội trú ở gần trường để yên tâm công tác. “Mong muốn sớm được xây dựng trường thành trường dân tộc bán trú đến nay vẫn còn bỏ ngỏ”, thầy Lương thở dài cho biết.
Dẫu còn đó những khó khăn, thiếu thốn nhưng với niềm say mê yêu nghề, các thầy cô giáo vẫn miệt mài bám trường, bám lớp, đem tri thức đến với các em tận vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Ấy chính là niềm vui của nghề giáo.
Phan Tuyết - Ngọc Anh
.