Đại học tại chức (hệ vừa học vừa làm), được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của những người muốn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ hoặc muốn thay đổi công việc, chuyển đổi nghề nghiệp mà trước đó vì nhiều lý do họ chưa đủ điều kiện để học tập.
Thế nhưng, mấy năm gần đây, một số tỉnh thành ở nước ta đã “quay lưng” với những cử nhân tại chức khi tuyển dụng công chức. Vậy đâu là nguyên nhân để hệ đào tạo tại chức bị “từ chối”?
Trong chiến lược phát triển giáo dục của nước ta là xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để mọi người được học tập suốt đời. Để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và sự phát triển của nhà trường, các trường đại học, cao đẳng đua nhau mở hệ đào tạo tại chức.
Tuy nhiên, khi những cử nhân tại chức ra trường thì các cơ quan tuyển dụng ở một số tỉnh thành lại không trao cho họ “quyền bình đẳng” trong thi tuyển công chức.
Sự việc này đã gây nên một làn sóng tranh cãi gay gắt, người thì đồng ý không nên tuyển hệ tại chức, nhưng cũng có người không đồng ý vì cho rằng như vậy là không công bằng đối với người học.
Ngay từ công tác tuyển sinh đầu vào của hệ đào tạo này đã có quá nhiều sự “dễ dãi”, đối tượng tuyển sinh là không giới hạn; tuyển đại trà kể cả học sinh tốt nghiệp THPT không thi đậu đại học, những người đã đi làm nhưng chưa có bằng đại học… Mặc dù các trường tuyển sinh hệ tại chức có tổ chức thi tuyển đầu vào nhưng việc thi chỉ là khâu hình thức, vì gần như ai nộp hồ sơ thi cũng đậu.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng là điều đáng bàn, có nhiều trường không có giáo viên giảng dạy, cơ sở vật chất không đảm bảo nhưng vẫn mở hệ đào tạo tại chức theo hình thức “liên kết đào tạo”, thuê cơ sở đào tạo rồi mời giảng viên ở các trường khác về thỉnh giảng.
Khung chương trình đào tạo được cắt xén từ chương trình đào tạo của hệ chính quy. Mỗi môn học thường được tiến hành dạy liên tục trong vài buổi rồi kết thúc, nên sinh viên chưa thể có thời gian để thẩm thấu kiến thức. Việc đến lớp ở các buổi học cũng được “mềm hóa” giữa người dạy và người học, nên trong lớp học thường xuyên có “sinh viên lạ” đi học thay.
Anh Nguyễn Văn S. hiện đang theo học ngành Điện tử tại một cơ sở đào tạo tại chức ở thành phố Vinh cho biết: Chương trình học đã cắt xén rất nhiều so với hệ chính quy, nhưng cũng không được học hết, thầy cho nghỉ suốt. Khi được hỏi về giờ giấc trên lớp anh cho biết: Việc lên lớp không quan trọng, miễn rằng chỉ cần nộp đủ “quỹ lớp” và đến ngày thi phải có mặt để thi và nộp “lệ phí thi”.
Hiện nay, tiền học phí cho một học kỳ tại chức thường trên 4 triệu đồng/học kỳ và tùy theo ngành học có thể học phí cao hơn. Nhưng đó mới chỉ là phần học phí đóng cho cơ sở đào tạo, ngoài ra người học còn đóng thêm các khoản quỹ riêng để tiếp đón giảng viên đến “thỉnh giảng”. Đến ngày thi kết thúc môn, mỗi thí sinh phải nộp ít nhất 200.000 đồng.
Chị H. một giáo viên tốt nghiệp hệ Cao đẳng sư phạm và đi dạy được gần 10 năm ở Hà Tĩnh, giờ ra Vinh học Đại học tại chức chia sẻ: Nhà chị bây giờ đi học là cốt để lấy tấm bằng cho hợp pháp mà lên lương thôi em à.
Có thể thấy rằng việc học để có tấm bằng đại học đang là nhu cầu cần thiết của nhiều người, song chất lượng đào tạo lại không được các cơ sở đào tạo và người học coi trọng mà chủ yếu là làm sao có được tấm bằng khi kết thúc khóa học.
Vì vậy, các trường đào tạo tại chức đang mở rộng khâu tuyển sinh đầu vào rồi đào tạo chắp vá và dễ dãi ở đầu ra. Chính sự “méo mó” của loại hình đào tạo này đã làm cho một số tỉnh thành không còn tin tưởng vào chất lượng và trình độ chuyên môn của các cử nhân tại chức và dẫn đến từ chối khi tuyển dụng công chức.
Mới đây, trong buổi nói chuyện với 800 cán bộ, giảng viên Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kể rằng: “Tôi từng nói chuyện với lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo nếu các anh nói không được phân biệt, hai bằng đại học là như nhau, sao văn phòng bộ cũng không chấp nhận tuyển tại chức? Anh sản xuất ra sản phẩm kém sao bắt người ta nhận được” (Theo Tiền Phong).
Câu chuyện ông Nguyễn Bá Thanh kể trên đã chứng tỏ một điều rằng, chính Bộ GD&ĐT cũng không thừa nhận “đứa con” do mình tạo ra. Không chỉ hệ đào tạo tại chức bị từ chối mà ngay cả hệ đào tạo liên thông hiện nay, một số tỉnh cũng không tuyển dụng công chức, điều đó cho thấy hình thức đào tạo liên thông, liên kết, từ xa… đang có nhiều bất ổn.
Tuy nhiên, mới đây khi trao đổi với báo chí về việc có nên chấm dứt đào tạo hệ tại chức hay không, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Chúng ta không thể chấm dứt đào tạo tại chức khi xu thế chung trên thế giới là mở ra nhiều hình thức học tập để phát triển xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. Với quan điểm này thì hệ đào tạo tại chức vẫn tiếp tục tồn tại, hàng ngàn cử nhân nối tiếp ra trường và hậu quả chính phải gánh chịu chính là các cử nhân tại chức một khi thầy không đến nơi, thợ không đến chốn.
Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập nên đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy những cử nhân tương lai cần được tuyển chọn chặt chẽ ở đầu vào và được đào tạo một cách bài bản khoa học tại các trường đại học chứ không thể đào tạo chắp vá, méo mó như hệ tại chức đang có hiện nay.
Khi tuyển dụng nguồn nhân lực cần được tuyển chọn một cách khách quan, trung thực để những người tài giỏi có cơ hội đóng góp sức mình cho công cuộc dựng xây đất nước.
Trần Đức Thắng
.