(Congannghean.vn)-Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là nỗi ám ảnh của mỗi gia đình, song với TNGT đường sắt lại càng đáng lo ngại hơn, bởi hậu quả của nó bao giờ cũng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Chỉ cần một va chạm nhỏ cũng có thể dẫn đến chết người, hư hỏng hoàn toàn tài sản, phương tiện… Vậy, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT đường sắt trong thời gian qua?
Dù đã có cầu vượt đường sắt nhưng nhiều xe khách vẫn sang đường tại điểm giao nhau giữa Quốc lộ 48 và Quốc lộ 1A với đường sắt Bắc - Nam thuộc ngã ba Yên Lý (xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu) |
Cách đây gần 1 tháng, vào khoảng 5 giờ ngày 24/10, tại khu vực thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã xảy ra 1 vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng khiến 7 người thương vong. Vào thời điểm trên, ôtô Honda CRV chở theo 7 người lưu thông trên Quốc lộ 1A, khi đi qua đường ngang dân sinh đoạn qua thôn Văn Giáp, xã Văn Bình thì gặp nạn.
Những người dân gần đó cho biết, do lái xe không chú ý quan sát khi qua đường sắt, đúng lúc tàu hỏa SE2 chở khách chạy tới tông trực diện khiến chiếc xe ôtô bị văng ra một bên. Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong tại chỗ, 3 người bị thương nặng nhanh chóng được đưa đi bệnh viện cấp cứu, sau đó có thêm 1 nạn nhân tử vong tại bệnh viện; chiếc xe ôtô hư hỏng hoàn toàn… Vụ TNGT nói trên đã phần nào minh chứng cho tính chất nghiêm trọng đối với các vụ TNGT đường sắt ở nước ta.
Tại Nghệ An, thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường sắt, tạo nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, phục vụ tốt nhu cầu vận tải bằng đường sắt của Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình trật tự ATGT đường sắt đoạn qua địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ mất ATGT xảy ra ở nhiều vị trí giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, nhất là tại các đường ngang dân sinh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Thông, Phó Giám đốc Công ty CP đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết: Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn Nghệ An có chiều dài gần 100 km, đi qua các địa phương Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai. Số đường ngang được phép mở trên tuyến là 62 đường, trong đó 20 đường ngang có người gác, 13 đường ngang cảnh báo tự động và 29 đường ngang chỉ có biển báo.
Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 185 đường ngang dân sinh tự phát, do người dân tự ý mở vắt qua đường sắt. Theo ông Thông, TNGT đường sắt thường xảy ra chủ yếu trên các đường ngang dân sinh, đường ngang không có người gác và đường ngang cảnh báo tự động.
Đường ngang không có người canh gác luôn tiềm ẩn các vụ TNGT đường sắt |
Theo số liệu thống kê của Công ty CP đường sắt Nghệ Tĩnh, năm 2014, trên cung đường do đơn vị quản lý đã xảy ra 35 vụ TNGT đường sắt, làm chết 15 người, 12 người bị thương, chậm các loại tàu 1.125 phút. Năm 2015, xảy ra 40 vụ TNGT đường sắt, làm chết 15 người, 19 người bị thương, làm chậm tàu các loại 1.058 phút. Số liệu thống kê 10 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ TNGT đường sắt, làm 11 người chết, bị thương 5 người…
Về nguyên nhân các vụ TNGT đường sắt trong thời gian qua, ông Nguyễn Thế Thông cho biết: Các vụ TNGT đường sắt xảy ra lỗi chủ yếu do người tham gia giao thông chưa chấp hành nghiêm các quy định, biển báo ATGT đường sắt. Ngay tại các đường ngang tự phát cũng đã được cắm biển báo, hạn chế tốc độ, cảnh báo tàu hỏa nhưng người dân đã không nghiêm chỉnh chấp hành. Qua nhiều vụ TNGT đường sắt cho thấy, người bị nạn chủ yếu là người từ nơi khác đi qua đường ngang, người dân ở gần đó ít khi bị tai nạn.
Cũng theo ông Thông, ngoài các yếu tố trên thì việc đường sắt có nhiều đoạn chạy song song với QL1A cũng đã xảy các vụ TNGT đường sắt đối với xe ôtô, bởi khi xe ôtô đi ngang qua đường sắt để ra QL1A nhưng có khi vướng xe ngoài QL1A chưa thể ra được nên phải dừng ngay trên đường sắt; đường ngang bị che khuất tầm nhìn; cao độ giữa đường sắt và Quốc lộ 1A có những đoạn vênh nhau rất lớn, tạo thành dốc… cũng là những nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT đường sắt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đoàn tàu hỏa dừng lại an toàn, khoảng cách từ khi phát hiện chướng ngại vật đến khi đoàn tàu dừng tối thiểu là 800 m. Do đó, buộc đoàn tàu dừng lại khi gặp chướng ngại vật với khoảng cách dưới 800 m là điều khó thực hiện. Hơn ai hết, mỗi người tham gia giao thông cần tự nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, góp phần giảm thiểu và từng bước đẩy lùi TNGT.