Để có cái nhìn rõ hơn về tác hại của ma túy “đá” cũng như cách bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng bản thân trước các đối tượng “ngáo đá” - phê ma túy “đá”, phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó trưởng Khoa H, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Theo thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, bước đầu nghi phạm Doãn Trung Dũng, 45 tuổi, trú tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí (Quảng Ninh) khai nhận, trước khi sát hại bà Nguyễn Thị Hát cùng 3 người cháu ở phường Phương Nam, TP Uông Bí có sử dụng ma túy “đá”. Vụ án đặc biệt nghiêm trọng này một lần nữa cảnh báo về hiểm họa do ma túy “đá” gây ra.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc |
Sáng 27/9, có mặt tại Khoa H (Khoa điều trị rối loạn tâm thần liên quan đến nghiện chất), Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, chúng tôi không khỏi lo ngại trước nhiều bệnh nhân đang nằm điều trị tích cực ở đây do trước đó đã bị ma túy “đá” lôi cuốn.
Để có cái nhìn rõ hơn về tác hại của ma túy “đá” cũng như cách bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng bản thân trước các đối tượng “ngáo đá” - phê ma túy “đá”, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó trưởng Khoa H, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
PV: Là người có thâm niên công tác tại Khoa chuyên điều trị các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do nghiện chất, bác sĩ có thể cho biết, ma túy “đá” đang lôi cuốn một bộ phận giới trẻ hiện nay là chất gì? Tác hại của nó ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc: Ma túy “đá” là một loại ma túy tổng hợp mạnh thuộc nhóm Methamphetamine ở dạng tinh thể. Nó xuất hiện ở Việt Nam mấy năm trở lại đây. Khi sử dụng nó, hệ thần kinh của người sử dụng sẽ nhanh chóng bị tác động mạnh, xuất hiện ảo giác, hoang tưởng. Một số ý kiến cho rằng, ma túy “đá” không gây nghiện vì có thể sử dụng một lần/tuần.
Ý kiến này hoàn toàn sai, bởi khi sử dụng ma túy “đá”, dù tần suất sử dụng không nhiều, song nó kích thích, tác động nhanh tới hệ thần kinh, khiến con người ta nhanh chóng bị lệ thuộc. Nguy hại hơn, nếu sử dụng với liều lượng, cường độ cao hoặc sử dụng kèm với ma túy heroin, ma túy “đá” còn khiến hệ thần kinh người sử dụng bị tê liệt, bị loạn thần. Lâu ngày còn bị trầm cảm dù đã cắt được cơn thèm ma túy “đá”. Trường hợp V.T.H, 25 tuổi, ở thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) là một ví dụ.
Đến giờ, tuy đã hơn 1 năm điều trị ngoại trú, song V.T.H vẫn chưa hết loạn thần, có biểu hiện trầm cảm. Nguyên nhân do trước đó có sử dụng ma túy “đá”. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Khoa cũng đã tiếp nhận 189 ca bị loạn thần. Trong đó, có 127 ca bị loạn thần do ma túy “đá”. Đáng chú ý, hiện, các bác sĩ của Khoa đang phải điều trị tích cực, cắt cơn nghiện cho hơn 20 trường hợp bị loạn thần do ma túy “đá”.
PV: Những biểu hiện thường thấy của người nghiện ma túy “đá” là thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc: Người sử dụng ma túy “đá”, bị “ngáo đá” - phê thuốc thường mất kiểm soát hành vi, khuôn mặt ngáo ngơ, có những hành động kỳ quặc không giống ai như: tưởng tượng mình là chim bay lượn, là cá bơi dưới nước v.v.. Có những trường hợp sau khi sử dụng ma túy “đá” xuất hiện ảo giác rùng rợn, cho rằng những người xung quanh đang muốn hãm hại mình.
Lực lượng Công an khống chế một trường hợp bị “ngáo đá”.
Thậm chí, khi nhìn thấy ai để tóc dài còn cho rằng đó là ma cà rồng, yêu quái…cần phải tấn công. Và rồi, trong cơn “ngáo đá”, họ sẵn sàng sử dụng hung khí để tấn công, sát hại người xung quanh, ngay cả đối với người thân (bố, mẹ, anh, chị, em…) trong gia đình. Thực tiễn cũng đã chứng minh bởi nhiều vụ án đau lòng xảy ra trong thời gian qua.
PV: Trước những trường hợp có biểu hiện “đập đá”, “ngáo đá”, mọi người nên làm gì?
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc: Như đã nói ở trên, ma túy “đá” sẽ khiến người sử dụng gặp chứng hoang tưởng, loạn thị giác, hành vi không kiểm soát. Do vậy, khi phát hiện các trường hợp bị “ngáo đá” có hành vi gây mất ANTT, chúng ta cần báo ngay cho cơ quan công an, lực lượng chức năng nơi gần nhất có mặt xử lý. Tuyệt đối không nên đối đầu, một mình lao vào khống chế nếu những trường hợp “ngáo đá” đó mang theo hung khí, tỏ ra hung hãn.
Đối với các gia đình có người thân sử dụng ma túy “đá”, nên chủ động cung cấp thông tin tới hàng xóm, tổ dân phố cũng như cơ quan chức năng để có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả (đưa đi cai nghiện, hỗ trợ, ngăn chặn những hành vi gây mất ANTT, xâm hại sức khỏe - tính mạng người xung quanh…); đồng thời, bố trí, cất các vật dụng sắc nhọn, có thể làm phương tiện, hung khí vào những nơi khó tìm thấy để phòng ngừa những trường hợp này khi lên cơn “ngáo đá” sử dụng để gây hại cho bản thân cũng như người xung quanh.
Riêng đối với những trường hợp có quan hệ họ hàng, thân quen có biểu hiện sử dụng ma túy “đá” muốn sinh hoạt, lưu trú qua đêm như trường hợp nghi phạm Doãn Trung Dũng trong vụ thảm sát 4 người ở thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) mới đây, các gia đình cần khéo léo đưa ra các lý do để từ chối nguyện vọng ở lại qua đêm của các trường hợp này. Hạn chế tạo ra xung đột đối với dân “đập đá”, vì nhiều trường hợp khi sử dụng ma túy “đá” đem lòng hận thù lâu và luôn muốn trả thù, dù sự việc mâu thuẫn trước đó chỉ là nhỏ vặt.
PV: Trước hiểm họa ma túy “đá” như hiện nay, bác sĩ có những khuyến cáo gì?
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc: Để ngăn ngừa hiểm họa do ma túy “đá” gây ra, ngay từ bây giờ, các bậc phụ huynh phải luôn chú ý đến nhất cử, nhất động của con em mình. Khi thấy những biểu hiện bất thường như: thường xuyên tụ tập bạn bè ăn chơi trác táng, có những hành vi kỳ quặc, mất kiểm soát, sử dụng các chất kích thích nghi là ma túy tổng hợp… nên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, điều trị. Đối với những trường hợp xác định nghiện ma túy “đá” rồi, các gia đình nên đưa ngay đến cơ sở y tế điều trị theo phác đồ thay vì giấu thông tin.
Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi gây hại cho xã hội của con em mình. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao sự nhận thức về tác hại do ma túy, trong đó có ma túy tổng hợp dạng “đá” gây ra cũng cần được các nhà trường, tổ chức xã hội, chính quyền địa hương đẩy mạnh hơn nữa. Để từ đó, mọi người, nhất là giới trẻ nói không với ma túy.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!