(Congannghean.vn)-Từ ngày 1/1/2013, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với môtô, xe gắn máy chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, việc thu phí đã không đạt kế hoạch đề ra, thậm chí mức thu phí của năm sau lại thấp hơn năm trước. Đặc biệt, một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa… đã tạm dừng không thu phí đường bộ. Trước tình hình đó, mới đây, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương chính thức có tờ trình, kiến nghị Chính phủ cho phép tạm dừng thu phí đường bộ đối với môtô, xe gắn máy từ ngày 1/1/2016.
Thu phí không đạt kế hoạch
Đó là “mẫu số chung” cho việc triển khai thu phí đường bộ đối với môtô, xe gắn máy trong thời gian vừa qua từ Trung ương đến các địa phương. Theo số liệu tổng hợp của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, từ ngày 1/1/2013 - 30/6/2015, tổng số tiền phí bảo trì đường bộ của môtô, xe gắn máy do các địa phương thu được là hơn 1.279 tỉ đồng, chỉ đạt 16,41% so với kế hoạch đề ra là 2.600 tỉ đồng/năm.
Người dân phấn khởi khi tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với môtô, xe gắn máy |
Tại Nghệ An, để triển khai Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ và Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính, ngày 15/8/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 42/2013/QĐ-UBND, quy định đối tượng, mức thu, phương thức thu, tỉ lệ trích nộp phí sử dụng đường bộ đối với môtô trên địa bàn. Mức thu các loại xe gắn máy được áp dụng như sau: Xe có dung tích xi lanh đến 100 cm3, tại TP Vinh thu 80.000 đồng, các vùng khác thu 60.000 đồng; xe có dung tích xi lanh trên 100 cm3, tại TP Vinh thu 130.000 đồng, các vùng khác thu 110.000 đồng. Sau khi thu phí, các phường, thị trấn được để lại 8%, đối với xã được để lại 15% để duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông.
Quy định chặt chẽ, rõ ràng là vậy, thế nhưng, trong năm đầu triển khai (2013), việc thực hiện lại chưa đồng b ộ giữa các địa phương trong tỉnh. Có 6 huyện, thị gồm: Diễn Châu, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu và Hoàng Mai… chưa tiến hành thu phí, do triển khai chậm. Tiếp đó, năm 2014, việc thu phí thu được nhiều kết quả hơn, toàn tỉnh thu được khoảng 25 tỉ đồng phí bảo trì đường bộ đối với môtô, xe gắn máy (đạt 67%), trong đó một số huyện như: Anh Sơn, Quỳnh Lưu lại có mức thu phí đạt trên 100% dự toán giao. Bên cạnh đó, một số địa phương như huyện Quỳ Châu chỉ đạt 31,4%, TP Vinh chỉ đạt 43,63%..., không đạt kế hoạch đề ra. Theo số liệu tổng hợp của Quỹ Bảo trì đường bộ Nghệ An, tính đến ngày 30/6/2015, toàn tỉnh chỉ thu được 1,7 tỉ đồng, đạt khoảng 12% kế hoạch đề ra. Trong đó, một số huyện, thị đạt tỉ lệ rất thấp như TX Cửa Lò (0,15%), TX Hoàng Mai (4,71%), các huyện Con Cuông (4,41%), Nghi Lộc (6,91%)… Nhìn chung, 21/21 đơn vị, huyện, thị trên toàn tỉnh không đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân “thất thu”?
Lý giải việc thu phí không đạt chỉ tiêu thì có nhiều, song trong đó nổi lên là do công tác tuyên truyền, vận động còn chưa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; việc triển khai thu phí không đồng bộ giữa các địa phương trong cả nước cũng như giữa các địa phương trong một tỉnh, một huyện… Do vậy, người dân đang tỏ ra thờ ơ và có sự so sánh giữa những người nộp phí bảo trì và người chưa nộp phí. Mặt khác, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy trong thời gian qua phần lớn là dựa vào ý thức tự giác của người dân, chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh, cụ thể đối với các trường hợp chưa nộp phí.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chế tài xử phạt được quy định tại Điều 11, Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan Công an mà do cơ quan thuế, thanh tra sở chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện. Do vậy, sau năm đầu tiên thực hiện đóng phí, nhiều chủ phương tiện thấy rằng, việc nộp phí bảo trì đường bộ hay không nộp không ảnh hưởng gì đến việc sử dụng phương tiện nên họ không tiếp tục nộp phí.
Trước thông tin có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng việc thu phí bảo trì đường bộ đối với môtô, xe gắn máy kể từ ngày 1/1/2016, nhiều người dân tỏ ra hết sức phấn khởi. Họ cho rằng, việc thu phí bảo trì đường bộ đã đặt thêm “gánh nặng” về tài chính cho các gia đình, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, miền núi. Có ý kiến cho rằng, xe gắn máy của người dân nông thôn, miền núi chủ yếu được sử dụng để phục vụ việc đi lại trong xóm, trong làng nên việc thu phí bảo trì là không hợp lý.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An lại tỏ ra lo lắng: Toàn tỉnh hiện có hơn 14.000 km đường giao thông huyện, xã, trong đó có nhiều tuyến đường đang ngày càng xuống cấp nhưng nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng hàng năm hết sức eo hẹp. Nếu tạm dừng việc thu phí bảo trì đường bộ đối với môtô, xe gắn máy, sẽ tăng gánh nặng kinh phí bảo trì cho Nhà nước.
Hiện tại, một số địa phương đã đưa ra giải pháp, nếu việc tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì các địa phương sẽ xây dựng phương án tăng mức phí đăng ký đối với môtô và xe gắn máy.