Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201507/ban-ve-bo-hinh-phat-tu-hinh-doi-voi-mot-so-toi-danh-626951/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201507/ban-ve-bo-hinh-phat-tu-hinh-doi-voi-mot-so-toi-danh-626951/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bàn về bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 30/07/2015, 14:34 [GMT+7]

Bàn về bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh

Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định hình phạt tử hình đối với 22 tội danh. Dự thảo BLHS (sửa đổi) đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh. Về vấn đề này, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.

Cụ thể, dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh sau: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh, đồng thời, dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy của BLHS hiện hành.

Về vấn đề này hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh cũng như như hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong dự thảo BLHS (sửa đổi) và đề nghị nếu có quy định hình phạt chung thân không giảm án thì nên rà soát để bỏ thêm hình phạt tử hình đối với một số tội phạm nữa.

Những người tán thành đưa ra 4 lý do như sau: Thứ nhất, điều này là nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương giảm áp dụng hình phạt tử hình theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.

Thứ hai, đối với tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231 BLHS hiện hành): từ BLHS năm 1985 đến BLHS năm 1999, tội phạm này đã có sự chuyển đổi về khách thể xâm hại từ an ninh quốc gia sang trật tự, an toàn xã hội, và do vậy, tầm quan trọng và yêu cầu bảo vệ khách thể đối với tội này cũng đã có sự thay đổi không còn ở mức cao như trước đây. Hơn nữa, đối tượng xâm hại của tội này là tài sản dưới dạng các công trình, phương tiện có tầm quan trọng về an ninh quốc gia, trước đây đều thuộc sở hữu Nhà nước nên có chính sách xử lý nghiêm khắc hơn, nhưng nay thuộc nhiều sở hữu của các thành phần kinh tế khác nhau mà về nguyên tắc, phải được bảo vệ như nhau theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Do vậy, hình phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đủ nghiêm khắc. Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các Tòa án không áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm tội này. Mặt khác, việc bỏ tử hình đối với tội danh này không bó tay chúng ta trong việc xử lý tội phạm, bởi lẽ, trong một số trường hợp nhất định, người thực hiện hành vi phá hủy công trình, phương tiện có tầm quan trọng về an ninh quốc gia có thể bị xử lý về các tội phạm tương ứng trong BLHS, ví dụ: Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc tội khủng bố là những tội có quy định hình phạt tử hình.

Thứ ba, đối với tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341 BLHS hiện hành), tội chống loài người (Điều 342 BLHS hiện hành) và tội phạm chiến tranh (Điều 343 BLHS hiện hành): Thực tiễn thi hành BLHS cho thấy, tuy các tội danh này có quy định hình phạt tử hình nhưng trên thực tế từ năm 1985 đến nay chưa có trường hợp nào phạm các tội này và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là những tội chủ yếu mang tính phòng ngừa. Hơn nữa, xu hướng quốc tế cũng đã bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm này. Liên bang Nga cũng chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội diệt chủng - một trong số tám tội danh thuộc nhóm các tội phá hoại hòa bình và an ninh loài người. Trong điều kiện chúng ta đang thực hiện chủ trương của Đảng về giảm hình phạt tử hình thì việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh này là cần thiết. Trường hợp cần thiết có thể xử lý về một số tội danh khác có quy định hình phạt tử hình, ví dụ như: các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội giết người... Do vậy, việc bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm mà lại góp phần làm giảm bớt số lượng tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS.

Thứ tư, đối với tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS hiện hành): Bản chất của tội này là tước đoạt quyền sở hữu của người khác bằng vũ lực hoặc bằng các hành động khác tấn công nạn nhân làm cho họ không thể chống cự được. Vì vậy, trong khi thực hiện hành vi cướp tài sản, người phạm tội có thể gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Tuy nhiên, mục đích của người phạm tội này là chiếm đoạt tài sản của người khác chứ không phải là xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Việc gây thương tích hoặc làm chết người khi thực hiện hành vi cướp không nằm trong ý định chủ quan của người phạm tội cướp. Hơn nữa, không phải mọi trường hợp phạm tội cướp tài sản đều gây chết người, do vậy, việc áp dụng hình phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đủ nghiêm khắc cũng tương tự như trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết nhiều người quy định tại khoản 4 Điều 104 của BLHS. Nếu chứng minh được người phạm tội còn có ý định tước đoạt sinh mạng của nạn nhân thì có thể xử lý về tội giết người mà hình phạt cao nhất là tử hình.

Loại ý kiến thứ hai không đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; cướp tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy. Những người có ý kiến này cho rằng việc duy trì hình phạt tử hình đối với các tội này là để bảo đảm sự răn đe, phòng ngừa chung.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và cho biết ý kiến của mình về vấn đề này tại đây.

.

Nguồn: Chinhphu.vn

.