(Congannghean.vn)-Trong thời gian gần đây, chúng ta thường bắt gặp trên các phương tiện thông tin đại chúng cảnh đám đông ùa vào đánh đấm, chửi rủa hay tập trung phản đối một sự việc nào đó khi phần lớn người dân chưa hiểu rõ bản chất vấn đề. Đây là những hành vi được thực hiện theo tâm lý đám đông nhưng có không ít người thực hiện nhận thức được rằng đó là hành vi trái pháp luật.
Trong thời gian qua, tình trạng người dân tự ý hành xử “thay pháp luật” đang có chiều hướng gia tăng ở các tỉnh, thành trên cả nước. Việc hành xử trên không chỉ xuất phát từ sự manh động, bột phát của một cá nhân, mà còn có sự tham gia của rất nhiều người dân. Trong đám đông đó, có không ít người biết rằng, việc tự ý đánh đập, hành hung, gây thương tích cho người khác là hành vi trái pháp luật, nhưng họ vẫn không ngần ngại hay do dự “ra tay”. Không dừng lại ở đó, nhiều người còn có hành vi chống đối các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi bất hợp pháp của mình.
Phạm tội theo tâm lý đám đông cần được xử lý nghiêm để răn đe |
Trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ trộm chó mà kẻ trộm bị hàng chục, thậm chí hàng trăm người xông vào đánh đập khiến đối tượng bất tỉnh đang gây xôn xao dư luận. Đó là tiếng chuông báo động về cách ứng xử thiếu đạo đức, không tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân. Điển hình, vào khoảng 5 giờ 30 phút ngày 10/6/2013, người dân xóm 3, xã Tân Thành, huyện Yên Thành phát hiện 2 người đi xe máy nghi vào xã trộm chó nên hàng chục người dân đã cùng nhau bao vây, ùa vào đánh “hội đồng”. Mặc dù cả hai đối tượng đều ra sức van xin nhưng đám đông vẫn không tha mà còn lao vào đánh tới tấp, khiến một đối tượng chết ngay trên đường đi cấp cứu, sau đó người dân còn đốt cháy chiếc xe của 2 đối tượng này.
Việc tự ý hành xử theo tâm lý đám đông còn xảy ra ngay cả trong môi trường học đường. Chỉ vì lời bình luận trên Facebook mà em Vũ Thị Oanh, học sinh lớp 11C1, Trường THPT Diễn Châu 4 bị em Hồ Thị Cẩm Vân, học sinh lớp 11C8 và em Chu Thị Lưu, học sinh lớp 11C11 cùng một số bạn cùng trường “làm nhục”. Vào khoảng 14 giờ ngày 18/9/2014, khi đang ngồi trong lớp học thì một bạn học tên Linh cùng với một số người lạ mặt gọi Oanh ra ngoài gặp. Oanh đồng ý đi. Khi vừa ra tới cổng trường thì một nhóm bạn (trong đó có Vân và Lưu) lôi Oanh vào quán karaoke An Đường cạnh trường học, khóa trái cửa, bật nhạc to, tắt điện rồi thi nhau đấm đá vào mặt, xé áo Oanh, đổ nước lên người rồi quay phim, chụp ảnh. Hậu quả, Oanh bị đa chấn thương ở vùng mặt, tay, cổ bầm tím, mắt bị xuất huyết.
Có thể nhận thấy rằng, việc hành xử theo tâm lý đám đông không chỉ là hành vi trái pháp luật mà nó còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ngoài việc gây mất ANTT, hành động này còn xâm phạm tới tính mạng, tài sản của Nhà nước và công dân. Các đối tượng bị hạ nhục danh dự, nhân phẩm dù có tật xấu hay hành vi vi phạm pháp luật nào thì họ cũng là con người, cần được đối xử một cách bình đẳng. Bởi những hành vi sai phạm sẽ được pháp luật xử lý nghiêm minh.
Thời gian qua, có nhiều vụ án hành xử theo tâm lý đám đông đã được tiến hành xét xử, nhiều cá nhân đã phải chịu hình phạt của pháp luật cho hành động bột phát của bản thân.
Việc tự ý hành xử ngày càng trở nên phổ biến, nó phản ánh tình trạng coi thường pháp luật của một bộ phận người dân. Đã có nhiều cá nhân phải trả giá đắt cho phút giây bốc đồng, hành xử theo kiểu giang hồ, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác. Để ngăn chặn tình trạng này, trước hết, pháp luật phải đảm bảo được tính công bằng, nghiêm minh, trừng trị nghiêm khắc đối với những kẻ phạm tội.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng các đơn thư khiếu nại của người dân, không để bùng phát tâm lý đám đông. Bên cạnh đó, người dân cũng phải nhìn nhận, suy xét lại hành vi của bản thân, không nên quá nóng vội, bức xúc, dẫn đến những hành vi sai phạm mà trước đó, phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân sự việc cũng như hậu quả của hành vi mà bản thân có khả năng gây ra.
.