(Congannghean.vn)-Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung của cả tỉnh và điểm xuất phát trong thực hiện các tiêu chí đạt thấp, ngoài việc huy động tốt nguồn nội lực tại cơ sở và tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, nhiều địa phương đã phải huy động một lượng vốn lớn nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản.
Huy động sức dân làm giao thông nông thôn ở xã Thạch Giám, huyện Tương Dương |
Theo số liệu của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo NTM tỉnh), tính đến hết tháng 1/2016, toàn tỉnh còn nợ trên 887.345 triệu đồng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đối với các công trình, dự án được ngân sách Nhà nước hỗ trợ (gồm ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương). Số nợ đọng chủ yếu tập trung vào nhóm các công trình, dự án hạ tầng như xây dựng trụ sở, đường giao thông chính, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã.
Qua tìm hiểu thực tế tại các địa phương cũng như trên cơ sở các văn bản cho thấy, tình trạng nợ đọng các công trình xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM ở các địa phương bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngân sách xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 là hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho 7 hạng mục, trong đó có quy hoạch đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở, trường học đạt chuẩn, trạm y tế, nhà văn hóa, kinh phí cho đào tạo.
Căn cứ vào đó, các địa phương đã huy động các nguồn vốn tạm thời để triển khai xây dựng các hạng mục công trình trên và chờ ngân sách Trung ương cấp để trả nợ. Thế nhưng, do không cân đối được nguồn ngân sách Trung ương nên sau 2 năm (ngày 8/6/2012), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 695 về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn.
Trong đó, chỉ hỗ trợ 100% từ ngân sách Nhà nước (cả Trung ương và tỉnh) cho 3 hạng mục là quy hoạch, xây dựng trụ sở, kinh phí cho đào tạo; còn lại chỉ hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một số công trình tuy đã xây dựng xong nhưng địa phương không có tiền để trả nợ.
Cũng liên quan đến cơ chế này, tại Quyết định số 800/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 có quy định cơ chế huy động vốn của địa phương để tổ chức triển khai chương trình.
Theo đó, tỉnh quy định tăng tỉ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ chi phí) để lại cho ngân sách địa phương xã, ít nhất là 70% để xây dựng NTM.
Trên tinh thần này, tại một số địa phương tuy chưa bán được quỹ đất nhưng vẫn “mạnh dạn” tìm nguồn vốn vay bằng mọi hình thức để triển khai thi công một số công trình hạ tầng trên địa bàn, chờ khi hoàn tất thủ tục đấu giá, bán được đất thì thanh toán nợ.
Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai chủ trương xây dựng NTM, mỗi nơi có một cách làm khác nhau. Có nơi huy động sức dân bằng cách vận động doanh nghiệp mạnh dạn “chi” trước tiền để làm đường giao thông, các công trình hạ tầng..., sau đó bàn bạc dân chủ, xin ý kiến người dân, thống nhất khoản đóng góp để trả nợ.
Trong khi đó, có những xã mặc dù bắt tay xây dựng NTM khi các tiêu chí ban đầu đạt thấp, khó huy động các nguồn lực nhưng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân nên đã hoàn thành các tiêu chí mà không phải vay mượn hay nợ đọng.
Theo đại diện Văn phòng điều phối NTM tỉnh, mỗi địa phương cần tìm ra cách huy động vốn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình để tránh dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Theo đó, cần có sự vào cuộc thực sự của cấp ủy, chính quyền, sự điều hành linh hoạt khi thực hiện các tiêu chí, biết ưu tiên các tiêu chí “mềm” nhằm tăng thu nhập để phát triển, sau đó thực hiện từng bước các tiêu chí “cứng” như hạ tầng, thủy lợi, chợ, công trình vệ sinh môi trường…; trên cơ sở nhất quán quan điểm không nặng về đích NTM bằng mọi hình thức.