Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/xay-dung-nong-thon-moi/201605/khong-the-vi-thanh-tich-nong-thon-moi-ma-ep-dan-thoat-ngheo-677569/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/xay-dung-nong-thon-moi/201605/khong-the-vi-thanh-tich-nong-thon-moi-ma-ep-dan-thoat-ngheo-677569/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Không thể vì thành tích nông thôn mới mà ép dân 'thoát nghèo' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 17/05/2016, 07:31 [GMT+7]

Không thể vì thành tích nông thôn mới mà ép dân 'thoát nghèo'

(Congannghean.vn)-Để hiểu rõ hơn về bản chất vụ việc cũng như quy trình thực hiện điều tra, bình xét và thẩm định các tiêu chí hộ nghèo ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông (phản ánh ở các số báo trước), phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Việc làm - Lao động - Tiền lương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và ông Vi Lưu Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Nghệ An.

Nhiều hộ gia đình có cuộc sống khó khăn nhưng phải ký vào đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo theo mẫu do tổ điều tra cung cấp
Nhiều hộ gia đình có cuộc sống khó khăn nhưng phải ký vào đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo theo mẫu do tổ điều tra cung cấp

“Điều tra, bình xét hộ nghèo còn máy móc”

P.V: Ông có thể cho biết quy trình, thủ tục liên quan đến bình xét hộ nghèo?

Ông Lê Văn Thúy: Quy trình xác định hộ nghèo được thực hiện theo mỗi giai đoạn do Chính phủ quy định. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, áp dụng theo Quyết định 09/2011/QĐ-TTg. Ở nông thôn, hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống; thành thị là từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống.

Kể từ ngày 5/1/2016, chuẩn nghèo được ban hành tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg (QĐ 59) của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, quy định tiêu chí thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở  thành thị.

Các bước thực hiện bao gồm: Xác định, lập danh sách các hộ thuộc diện điều tra, rà soát rồi tổng hợp toàn bộ danh sách. Tổ chức bình xét ở thôn, bản và phân loại hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách xã hội và hộ nghèo có thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội.

Ở mỗi giai đoạn, quy trình bình xét không thay đổi nhưng so với trước đây, chuẩn nghèo được áp dụng theo kiểu tiếp cận đa chiều. Nghĩa là, ngoài tiêu chí cứng về thu nhập thì chuẩn nghèo sẽ được xem xét từ cả góc độ thiếu hụt về thu nhập lẫn các hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Dịch vụ xã hội cơ bản gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh; tiếp đến là các chỉ số như tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

P.V: Trong số 217 hộ ở xã Yên Khê có đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, có nhiều hộ cho rằng là do thôn, bản và xã ép họ. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Văn Thúy: Những năm qua, chính sách giảm nghèo được quan tâm dưới nhiều hình thức, trong đó vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp được chú trọng. Đáng chú ý là người dân đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của công tác xóa đói giảm nghèo, từ đó có những hướng thoát nghèo riêng như: Nỗ lực lao động sản xuất; phát huy hiệu quả các nguồn hỗ trợ, các chính sách của Nhà nước và mạnh dạn xin thoát nghèo để phát triển kinh tế gia đình.

Đối với huyện Con Cuông, một số hộ dân ở các xã có đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo sau khi gia đình nhận thấy đã thoát nghèo là điều rất đáng hoan nghênh, khuyến khích và ghi nhận.

Tuy nhiên, để xảy ra chuyện địa phương ép dân ra khỏi hộ nghèo trong khi cuộc sống thực tế còn nghèo xét trên góc độ thu nhập và cả mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội thì không thể chấp nhận được. Trách nhiệm này thuộc về Phòng LĐ-TB&XH huyện và Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã.

Về phía Sở LĐ-TB&XH chỉ có trách nhiệm tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo cho huyện và kiểm tra, phúc tra kết quả điều tra, rà soát; sau đó trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả điều tra của huyện. Còn để xảy ra vấn đề tại xã Yên Khê, tôi thấy đó là do lâu nay ở nhiều địa phương chưa hiểu đúng về chỉ tiêu giảm nghèo và do bệnh thành tích.

“Phải xem lại đánh giá có thực chất không hay chỉ nặng thành tích để đạt NTM”

P.V: Ông đánh giá như thế nào về con số thể hiện tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM ở xã Yên Khê?

Ông Vi Lưu Bình: Trước đó, Yên Khê không phải là xã điểm xây dựng NTM nhưng sau đó đã phát huy được nội lực để đạt chuẩn NTM. Có thể nói, NTM là kết quả của nhiều tiêu chí, song nếu đánh giá con số giảm nghèo từ 26,03% (2014) giảm còn 9,98% (10/2015), tức chưa đầy 1 năm giảm hơn 15% thì con số này cần được đánh giá lại một cách khách quan hơn.

P.V: Vậy, quy trình đánh giá, thẩm định các tiêu chí ở các địa phương trong xây dựng NTM được Ban Chỉ đạo cũng như Văn phòng thực hiện như thế nào?

Ông Vi Lưu Bình: Đánh giá tiêu chí trong xây dựng NTM được quy định cụ thể, chi tiết. Ở xã là tự kiểm tra, ở huyện là thẩm tra và cuối cùng cấp tỉnh là thẩm định. Đối với xã Yên Khê, tôi nghĩ chúng ta cần xem xét lại từ nhiều phía.

Ông Vi Lưu Bình, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh: “Mục đích xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân. Việc địa phương ép họ ra khỏi hộ nghèo cần phải làm rõ”
Ông Vi Lưu Bình, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh: “Mục đích xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân. Việc địa phương ép họ ra khỏi hộ nghèo cần phải làm rõ”

Trước hết về người dân, thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, vì muốn được hưởng chế độ nên người dân không muốn ra khỏi hộ nghèo. Do đó, việc bình xét hộ nghèo ở các địa phương là khác nhau, do người dân, xã và huyện đều muốn lấy hộ nghèo để được đầu tư.

Thứ hai là xem lại cách đánh giá của thôn, bản có công khai, dân chủ, minh bạch và thực chất không hay chỉ nặng thành tích để về đích NTM. Nếu chỉ để về đích NTM mà “ép” người dân thoát nghèo thì không được. Chúng ta không khuyến khích đạt NTM bằng mọi cách.

Còn đối với hội đồng thẩm tra huyện có vai trò rất quan trọng và quyết định đến kết quả chung, bởi vì tính thẩm định chủ yếu bằng trực quan. Điện, đường, trường, trạm có thể quan sát bằng mắt thường chứ tiêu chí tỉ lệ hộ nghèo chỉ nghiên cứu qua sổ sách, báo cáo nên chỉ mang tính tương đối. Vì vậy, chất lượng và tính khách quan của các tiêu chí NTM phụ thuộc vào trách nhiệm của địa phương từ thôn, xã và huyện.

P.V: Có thể thấy, quy trình các bước thực hiện thẩm định các tiêu chí NTM rất chặt chẽ. Vậy, với xã Yên Khê đã được tỉnh công nhận NTM thì về phía Văn phòng NTM đã có hướng giải quyết như thế nào?

Ông Vi Lưu Bình: Việc xã Yên Khê đã về đích NTM cần được khuyến khích, tôn vinh. Tuy nhiên, xã đạt NTM nhưng người dân còn nghèo như báo chí phản ánh thì cần phải xem xét lại. Tới đây, với chức năng của mình, chúng tôi sẽ yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo NTM huyện chỉ đạo xã Yên Khê và huyện phải làm rõ các nguyên nhân.

Vấn đề hộ nghèo trong tiêu chí NTM phải được đánh giá lại, trong đó cần quan tâm ưu tiên nguồn lực cho các hộ nghèo. Phải xem xét vì sao họ nghèo và nguyện vọng để thoát nghèo của họ là gì?

Nếu hộ không có đất, rừng thì chủ trương giao đất, giao rừng theo NĐ134/CP; nghèo do sức khỏe thì họ được cấp sổ BHYT, được điều trị miễn phí hoàn toàn; nghèo do không biết làm ăn thì phải được áp dụng theo cơ chế đào tạo nghề; nghèo do không có vốn thì lâu nay đã có nhiều chính sách như cho vay không lãi suất; nghèo do không có cây con, không có trâu bò thì được hỗ trợ. Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện lập danh sách đề nghị Sở đưa vào kế hoạch hàng năm.

Vấn đề là ở chỗ, phải điều tra khách quan, thực chất, đảm bảo nguồn lực cho họ thoát nghèo chứ không để họ tái nghèo.

Hiện, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nên thực tế đang diễn ra tại địa phương cần được huyện, tỉnh làm rõ. Về chủ trương NTM, đến nay, chưa có quy định nào về việc thu hồi danh hiệu mà chỉ áp dụng theo Luật Thi đua khen thưởng như đánh giá lại sau 3 năm, 5 năm. Bằng công nhận quy định danh hiệu vào từng năm cụ thể.

Với xã Yên Khê đã đạt NTM năm 2015, sẽ được đánh giá qua các năm sau xem các tiêu chí có phát triển hơn không. Còn sau 5 năm xem xét mà tiêu chí không đạt, không phát triển bền vững các tiêu chí thì không được công nhận nữa, đồng nghĩa với việc mất danh hiệu NTM.

P.V: Xin cảm ơn các đồng chí về cuộc trao đổi!

.

Xuân Thống - Đức Thắng

.