Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, để thực hiện một dự án phát triển nhà ở, chủ đầu tư phải trải qua một “rừng” thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê...
Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, để thực hiện một dự án phát triển nhà ở, chủ đầu tư phải trải qua một “rừng” thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê từ công đoạn giải phóng mặt bằng đến xin chủ trương đầu tư; thỏa thuận quy hoạch; xin thỏa thuận chiều cao công trình ngoài phễu bay; thẩm duyệt thiết kế cơ sở; xin giấy phép xây dựng; xác định giá đất và nộp tiền sử dụng đất; xin giấy chứng nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng; thông báo với Sở Xây dựng trước khi bán nhà... với thời gian kéo dài có khi đến vài ba năm.
Phản ánh về thủ tục “Thỏa thuận phù hợp quy hoạch các dự án lưới điện phân phối” gây phiền phức cho chủ đầu tư dự án nhà ở, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, chủ đầu tư chỉ đề nghị được cấp điện chuyên dùng sau khi đã được cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng cho công trình.
Có nghĩa là đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét sự phù hợp với quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị như điện, nước, viễn thông, giao thông… Do đó, các chủ đầu tư có quyền được yêu cầu đảm bảo việc cung cấp điện để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, việc xem xét điều chỉnh quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Về thỏa thuận chiều cao công trình cao tầng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng, hiện thành phố đã có tòa nhà Bitexco cao đến 68 tầng. Nhưng có một bất hợp lý là mọi công trình cao tầng dù cạnh bên và thấp hơn tòa nhà này cũng đều phải đi xin thỏa thuận chiều cao công trình khiến DN mất rất nhiều thời gian.
Từ thực tế Sở Xây dựng đã cấp phép xây dựng trước với phần móng và tầng hầm của chung cư 128 Hồng Hà, quận Phú Nhuận trong khi chờ hoàn tất các thủ tục về đất đai để được cấp giấy phép xây dựng toàn bộ công trình, Hiệp hội BĐS cũng đề nghị cần xem xét cấp phép một phần tương tự cho các dự án chung cư. Vì nếu phải chờ đợi để đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng cho toàn bộ công trình, chủ dự án phải chờ thêm nhiều tháng mới có thể khởi công.
Cũng theo ông Châu, việc xác định tiền sử dụng đất hiện nay là không hợp lý khi được giao cho 2 Sở cùng thực hiện. Trong đó, Sở Tài nguyên - Môi trường tiến hành đấu thầu để chọn công ty tư vấn xác định giá đất làm căn cứ để đề xuất tính tiền sử dụng đất của dự án. Chi phí xác định giá đất do ngân sách chi trả, nên gần như các công ty tư vấn đều bỏ giá rất thấp, thậm chí mức phí chỉ vài trăm ngàn đồng để được trúng thầu.
Sau đó có thể xảy ra trường hợp công ty tư vấn sẽ "hành” chủ dự án và không loại trừ việc "thỏa thuận" kết quả xác định tiền sử dụng đất giữa 2 bên; nếu thấy khó “nhá”, công ty tư vấn sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”.
Tiếp đó đến lượt Ban Vật giá thuộc Sở Tài chính, đơn vị là thường trực Hội đồng xác định giá đất thẩm định, đề xuất tính tiền sử dụng đất dự án với hồ sơ do Sở Tài nguyên - Môi trường chuyển qua. Nếu thuận, đơn vị này sẽ trình thành phố quyết định số tiền sử dụng đất phải nộp; trường hợp không thuận, hồ sơ sẽ bị trả để làm lại từ đầu khiến chủ đầu tư phải tiếp tục chờ đợi.
Không chỉ chủ dự án, người thu nhập thấp muốn mua nhà cũng không tránh khỏi rào cản “hành chính hóa” bởi khi quy định: “Trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó và phải có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm".
Đây là một trở ngại dẫn đến tình trạng nhiều công nhân, lao động nhập cư không đủ điều kiện để vay từ nguồn vốn ưu đãi để mua nhà. Thực tế từ Tổng Công ty Becamex IDC ở tỉnh Bình Dương đã cho thấy, trong 4.000 khách hàng mua nhà ở xã hội của DN này, chỉ có 10% được vay gói tín dụng ưu đãi.