(Congannghean.vn)-Quan tâm đào tạo chất lượng nguồn lao động là yêu cầu cấp bách của các địa phương trên cả nước, trong đó có Nghệ An. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhất là sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lao động lại càng trở nên cấp thiết.
Nghệ An là tỉnh có dân số đông (trên 3 triệu người), trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 64%. Đây là nguồn lao động dồi dào, không chỉ để cung ứng cho các đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn mà còn “xuất khẩu” đi các nước. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn lao động chính là yêu cầu cấp bách nhằm phục vụ sự phát triển chung của mỗi địa phương. Trong bối cảnh hội nhập, vấn đề này lại càng “nóng” hơn bao giờ hết.
Cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo nguồn lao động chất lượng cao |
Theo thống kê hiện nay, với tổng số lao động trên 2 triệu người, Nghệ An có nhiều lợi thế trong việc cung ứng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Với cơ cấu dân số vàng, thị trường lao động dồi dào đã giúp tỉnh thu hút nguồn vốn đầu tư lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào địa phương.
Cùng với công tác cải cách mạnh mẽ, sâu rộng chính sách thu hút đầu tư, nguồn lao động dồi dào trở thành lợi thế lớn trong hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp.
Cũng theo phản ánh của một số doanh nghiệp, mặc dù nguồn lao động dồi dào nhưng khi tuyển dụng đầu vào, các đơn vị đều phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều lao động vẫn chưa thể thích ứng với môi trường làm việc công nghiệp.
Tại Nghệ An, theo đánh giá, chất lượng đào tạo nhân công có trình độ kỹ thuật cao vẫn còn rất thấp. Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo nghề hiện nay còn thấp. Chất lượng đào tạo của các trường nghề nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng trong năm 2015, Nghệ An mới chỉ đào tạo được gần 80.000 người (đạt 55% tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề), trong đó trình độ sơ cấp là trên 67.000 người.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết: “Trong thời gian qua, với vai trò là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, đơn vị đã trực tiếp tư vấn, cung ứng, tuyển chọn và giới thiệu việc làm cho con em địa phương đi làm việc tại các cơ sở trong và ngoài tỉnh với số lượng rất lớn, đó là chưa kể số lao động xuất khẩu đi các nước trong khu vực và thế giới. Đơn vị cũng thường xuyên mở các sàn giao dịch việc làm để các doanh nghiệp trao đổi, tuyển dụng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều lao động địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp về trình độ kỹ thuật và tay nghề. Chính vì vậy, số lao động đạt yêu cầu để doanh nghiệp tuyển dụng, bố trí làm việc còn rất hạn chế”.
Cũng theo ông Tuấn, trong bối cảnh cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đang hội nhập sâu rộng, nguồn lao động chất lượng cao là đòi hỏi, nhu cầu tất yếu. Nếu người lao động không được đào tạo nghề, trình độ chuyên môn thấp thì rất dễ bị thải loại bởi sự cạnh tranh gay gắt của thị trường.
Thời gian tới, để tránh lãng phí nguồn lao động dư thừa, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo nghề. Công tác hướng nghiệp cũng cần được đẩy mạnh nhằm thay đổi nhận thức của đông đảo người dân. Nếu không có lộ trình cụ thể, dài hơi về chất lượng nguồn lao động thì nguy cơ tụt hậu cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội là khó tránh khỏi.