(Congannghean.vn)-Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, gần 10 năm qua, nghề này bị mai một dần do hiệu quả kinh tế thấp. Vì thế, hàng chục diện tích đất nông nghiệp ở vùng bãi ngang (Đồng Gành) đã bị bỏ hoang...
Trước đây, Đồng Gành từng là bãi dâu xanh mướt nhưng từ khi những nong tằm trong làng gác lại, nơi đây trở thành bãi đất trống, cỏ dại mọc um tùm. Thấy phí đất, một số hộ mua giống cây phi lao, cây keo về trồng nhưng sau vài năm, UBND xã quyết định chặt bỏ vì theo Luật Đất đai, không được trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp (đất chia theo Nghị định 64/NĐ-CP). Từ đó đến nay, ngoài diện tích đất cho thuê làm trang trại chăn nuôi trâu bò và trồng sắn cao sản, hàng chục ha đất nông nghiệp ở Đồng Gành đã bị bỏ hoang.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Sơn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Kim cho biết: Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Diễn Kim đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, những năm qua, do gặp khó khăn nên nhiều nông dân không theo nghề nữa. Gần đây, thực hiện Nghị quyết của HĐND xã, chúng tôi có chủ trương khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm để phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm; đồng thời xác định đây là nghề kinh tế mũi nhọn của địa phương, bởi so với các loại cây trồng khác thì cây dâu vẫn đem lại hiệu quả kinh tế hơn cả.
Hàng chục ha đất Đồng Gành trước đây trồng dâu nay được thay thế bằng trồng sắn cho thu nhập thấp |
Hiện tại, toàn xã đã vận động được gần 100 hộ tham gia nuôi tằm, lấy kén với diện tích đất trồng dâu khoảng 40 ha, trong đó riêng đất ở Đồng Gành là hơn 20 ha. Cũng theo ông Công thì hiện tại, “đầu vào và đầu ra cho sản phẩm đều do người dân tự tìm kiếm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập Hợp tác xã để việc trồng dâu, nuôi tằm đạt hiệu quả cao hơn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xóm Tiên Tiến và Tiên Tiến 1, Tiên Tiến 2 là vùng nuôi tằm nhiều nhất của xã Diễn Kim. Hiện tại, xóm Tiên Tiến có 15 gia đình còn giữ nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Ông Nguyễn Văn Quý (70 tuổi) cho biết: “Ngày trước, đàn ông trong làng đi biển, đàn bà, con gái ở nhà trồng dâu, nuôi tằm. Đồng Gành là đất phù hợp với cây dâu nhưng nghề nuôi tằm vất vả, thu nhập thấp, đó là chưa kể những lúc gặp rủi ro là mất trắng. Vợ chồng tôi giờ già rồi, không thể giữ nghề được. 6 đứa con, mỗi đứa một chiếc xe máy chạy ngược, chạy xuôi buôn bán hết đồ này sang thứ khác. Không giữ được nghề truyền thống kể ra cũng nhớ”.
Bà Nguyễn Thị Hòa, một trong số ít những người còn giữ nghề trồng dâu nuôi tằm chia sẻ: “Tôi nhiều tuổi rồi, không buôn bán được gì nên mới ở nhà nuôi tằm. Mỗi tháng, thu nhập từ việc bán kén chỉ được khoảng 500 nghìn đồng. Làm nghề này, muốn có lãi lớn thì phải nuôi nhiều nhưng khổ nỗi, nuôi nhiều lại không đủ nguồn thức ăn cho tằm, vì đất trồng dâu chỉ được ít!. Nhà có 2 sào đất trồng dâu, chỉ đủ để nuôi khoảng 3 - 4 nong tằm thôi”.
Chia sẻ của bà Hòa cũng là nỗi niềm của nhiều hộ dân xóm Tiên Tiến. Với những người phụ nữ nơi đây, họ đều muốn khôi phục lại nghề truyền thống, nhưng làm thế nào để nghề mang lại giá trị kinh tế cao là cả một vấn đề. Nếu nuôi tằm thì phải nuôi với quy mô lớn mới có lãi nhưng nuôi lớn lại không đủ lượng thức ăn cho tằm, bởi diện tích đất có hạn. Mặt khác, trước mắt, người dân đang phải tự tìm kiếm thị trường nên thu nhập bấp bênh.
Anh Hoàng Văn Tùng, Bí thư Chi bộ xóm Tiên Tiến cho biết: “Chúng tôi rất mong có một cuộc hội thảo, bàn các giải pháp để khai thác đất Đồng Gành có hiệu quả. Diện tích đất nơi đây đang bị thu hẹp do nước biển xâm lấn, vì thế cần phải trồng rừng phòng hộ và có giải pháp cụ thể, hợp lòng dân”.
Hiện tại, việc trồng dâu, nuôi tằm để khôi phục nghề truyền thống ở Diễn Kim đang gặp phải một số vướng mắc khi đầu vào và đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, trong khi nếu chăn nuôi tằm theo hướng kinh tế thì nguồn thức ăn cho tằm chưa đảm bảo, vì diện tích trồng dâu của mỗi gia đình quá ít so với nhu cầu thực tế. Do đó, cần có sự phối hợp trong liên kết sản xuất, kinh doanh để vực dậy Đồng Gành.