(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng ở một số cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường học có tổ chức bữa ăn bán trú diễn biến phức tạp, dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục yêu cầu tăng cường đảm bảo vệ sinh thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSTP, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, sinh viên.
Sau khi Bộ GD&ĐT có công văn chỉ đạo, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã ban hành Công văn số 532, tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học. Theo đó, Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên (HS, SV), giáo viên, cán bộ chế biến thực phẩm.
Hướng dẫn trẻ em, HS, SV và cán bộ chế biến thực phẩm thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh cơ sở chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn, kiểm soát nguồn nguyên liệu, nhận biết, sử dụng thực phẩm, thức ăn đảm bảo an toàn; không ăn đồ ăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn tập thể; tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các bếp ăn tập thể, căng tin...
90% bếp ăn tập thể ở cơ sở giáo dục trên địa bàn Nghệ An đạt tiêu chuẩn bếp 1 chiều theo quy định của Bộ Y tế |
Nghệ An có 518 trường mầm non, với hơn 135.200 cháu và 541 trường tiểu học với hơn 237.500 học sinh. Như vậy, số lượng bếp ăn tập thể tại các cơ sở này trên địa bàn tỉnh là rất lớn, kéo theo đó là nỗi lo về ATVSTP. Trên thực tế, chất lượng đầu vào của các loại thực phẩm rất khó kiểm soát, trong khi thời gian gần đây, tình trạng sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc đang diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Đình Thái, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: Đến thời điểm này, có 90% trường mầm non, trường tiểu học có cơ sở bán trú được xây dựng theo quy trình vận hành 1 chiều của Bộ Y tế, với 3 khu riêng biệt là khu chế biến thức ăn tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn chín. Đồ dùng trong bếp được trang bị đầy đủ, gồm bếp gas công nghiệp, tủ cơm, máy lọc nước, tủ lưu mẫu thực phẩm… đảm bảo vệ sinh và được sắp xếp ngăn nắp, thuận tiện.
Để đảm bảo dinh dưỡng, an toàn cho mỗi bữa ăn của trẻ tại trường, công tác đảm bảo ATVSTP luôn được các nhà trường quan tâm thực hiện. Nguồn thực phẩm được nhà trường lựa chọn từ những cơ sở cung cấp có uy tín và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Các nhân viên nấu ăn được nhà trường cử đi tập huấn về ATVSTP và khám sức khỏe định kỳ. Nhà trường cũng cử nhân viên y tế theo dõi sức khỏe của nhân viên nấu ăn, kiểm tra quy trình nấu nướng, cùng với nhà trường giám sát việc thực hiện vệ sinh môi trường. Ở nhiều trường mầm non, nhất là các trường ở miền núi, các cô giáo tự tăng gia sản xuất, trồng rau sạch, nuôi gà để phục vụ bữa ăn cho trẻ.
Ông Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Tại Nghệ An, nhiều năm trở lại đây chưa ghi nhận trường hợp trẻ em, học sinh nào bị ngộ độc thức ăn do ăn ở bếp ăn tập thể nhà trường. Kết quả các đợt thanh, kiểm tra cũng cho thấy, vấn đề đảm bảo ATVSTP tại các trường mầm non, tiểu học được thực hiện nghiêm túc. Theo ông Dũng, một trong những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm ở trường học đó là tình trạng bán hàng rong trước cổng trường.
Từ những chiếc bánh mỳ, xúc xích, chả… không được kiểm định đến những đồ ăn sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ đều tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Mặc dù nhà trường đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng bán hàng rong nhưng vẫn không đem lại kết quả. Để ngăn chặn nguy cơ gây mất ATVSTP từ các hàng rong này, chính quyền địa phương cần có những biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh tình trạng mua bán lộn xộn trước cổng trường.
.